Trời nắng nóng, kem chống nắng tự chế “tăng nhiệt”

08/06/2021 - 18:00

PNO - Trong khi kem chống nắng tự chế được nhiều “tín đồ” xem là hiệu quả, an toàn bởi thành phần hoàn toàn tự nhiên thì chuyên gia da liễu lại khuyến cáo, không nên sử dụng tùy tiện và đặt niềm tin ở sản phẩm này…

Cùng với đợt nắng nóng khắc nghiệt của mùa hè vừa xuất hiện tại miền Bắc và miền Trung, sản phẩm kem chống nắng cũng trở nên “tăng nhiệt”.

Trên các diễn đàn, xu hướng làm kem chống nắng tự chế đang trở nên phổ biến hơn với phương thức vô cùng dễ dàng. Chỉ cần một số nguyên liệu tìm mua ở nhiều cửa hàng mỹ phẩm “handmade” như dầu dừa, lô hội, sáp ong hay dầu bơ, hạnh nhân, ô liu… rất nhanh chóng, mỗi người đều có thể tạo ra được một lọ kem chống nắng cho mình với giá thành rẻ hơn nhiều lần so với kem chống nắng thông thường. Kem chống nắng tự chế cũng được nhiều người xem là “lựa chọn đúng đắn và an toàn nhất” đối với cả những làn da nhạy cảm, bởi hoàn toàn có nguồn gốc thiên nhiên, không chứa hóa chất…


Tuy nhiên, trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc - Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, quan điểm về kem chống nắng tự chế như trên là sai lầm. Theo đó, các thành phần trong kem chống nắng tự chế có thể dễ dàng gây dị ứng vì không loại bỏ được các tạp chất có trong nguyên liệu sử dụng.

“Có thể hình dung, với nhà sản xuất chuyên nghiệp, khi chiết xuất từ quả bơ để cho vào thành phần kem chống nắng, họ có thể chỉ lấy một số hoạt chất chứ không phải tất cả, tương tự như vậy đối với các thành phần thiên nhiên khác. Sự phối trộn để làm tăng tính hiệu quả cũng đã được nghiên cứu, thử nghiệm và có đánh giá cụ thể, khác với việc tùy tiện lựa chọn các thành phần mà bản thân tin rằng có thể đạt được hiệu quả chống nắng”, bác sĩ Nguyễn Quang Minh phân tích.

Trong kem chống nắng có từ 7 - 25 thành phần khác nhau. Do đó, với mỗi người, cần xác định tiêu chí để lựa chọn phù hợp, chứ không đơn thuần là dựa trên một công thức “nhặt nhạnh” trên mạng để thử nghiệm trên da mặt của mình.

Kem chống nắng được chia làm hai loại chính là kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý. Trong đó, kem chống nắng vật lý có thành phần ô-xít kim loại (như ô-xít titan, ô-xít kẽm), tính chất sử dụng thường có độ bết dính và tông màu trắng hơn… Kem chống nắng hóa học chứa thành phần hữu cơ, làm giảm tia UV, tránh hư hại làn da và có đặc điểm cấu trúc mềm mỏng, tạo cảm giác dễ chịu. Kem chống nắng tự chế với những thành phần từ thiên nhiên được xếp vào nhóm kem chống nắng hóa học. 

Tuy nhiên, thực tế, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, kem chống nắng vật lý lại rất lành tính trong khi kem chống nắng hóa học dễ gây ra dị ứng hơn và ít được các bác sĩ da liễu chỉ định cho những người có làn da mẫn cảm. “Nhiều chị em quan niệm, kem chống nắng tự chế an toàn hơn nhưng sự thật thì ngược lại. Những người có làn da dễ bị kích ứng, da nhiều mụn được khuyến cáo sử dụng kem chống nắng vật lý thay vì kem chống nắng hóa học bởi có thể khiến tình trạng bệnh tăng nặng, trở nên trầm trọng”, bác sĩ Nguyễn Quang Minh nói. 

Một sản phẩm kem chống nắng còn phải được quan tâm tới chỉ số SPF - thể hiện thời gian và độ phủ chống nắng. Cụ thể, kem chống nắng có SPF 30+ có thể bao phủ, bảo vệ da 93 - 94%, chỉ số SPF 50+ có thể bao phủ, bảo vệ 97 - 98%...

Một chỉ số SPF tương đương với thời gian bảo vệ 15 phút. Dựa vào đó, người sử dụng cân nhắc để sử dụng loại kem nào phù hợp với hoạt động trong ngày. Ví dụ: khi đi biển, cần lựa chọn kem chống nắng có chỉ số SPF cao, từ 50+ trở lên và chủ động thời gian bôi lại kem để bảo vệ làn da của mình. Đây là những thông tin quan trọng khi lựa chọn kem chống nắng, được các đơn vị sản xuất kiểm nghiệm và công bố. Trong khi đó, với kem chống nắng tự chế, hiệu quả và thời gian bảo vệ như thế nào, thực chất vẫn chưa được đánh giá cụ thể. 

H.Anh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI