|
Chỉ cần một trẻ mắc bệnh, sẽ có nguy cơ lây cho 5 trẻ khác |
Vi-rút hợp bào hô hấp là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ. Đặc biệt, trẻ càng nhỏ biến chứng càng nặng, nhất là viêm tiểu phế quản biến chứng hen suyễn, thuyên tắc phổi. Đáng lo ngại, tốc độ lây lan của loại vi-rút này rất nhanh, chỉ sau cảm cúm.
Những ngày cuối tuần, nhiều phụ huynh đưa con mình đến Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM khám bệnh. Trong đó, trẻ bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng phải nhập viện 2-3 lần vì vi-rút hợp bào hô hấp.
Ôm con vào ra bệnh viện
Ôm cháu ngoại vỗ về, bà Nguyễn Thị Hoàng Kim (54 tuổi, ở tỉnh Long An) nhớ lại, trước khi nhập viện năm ngày, bé N.V.T. (sáu tháng tuổi) nóng sốt, quấy khóc, nôn trớ, gia đình nghĩ bé bị cảm sốt thông thường nên cho uống thuốc hạ sốt.
Tuy bớt sốt nhưng bé T. ho nhiều hơn kèm theo sổ mũi, khò khè, thở hắt nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. Bé phải thở ô-xy, truyền dịch mới qua khỏi. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bé T. dương tính với vi-rút hợp bào hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng, có nguy cơ biến chứng hen suyễn.
|
Đa số trẻ được đưa đến bệnh viện phải thở máy |
Còn bé V.T.T.T. (bốn tháng tuổi, ở tỉnh Tây Ninh) nhập viện hai lần vì cảm sốt, ho, sổ mũi tái đi tái lại. Bé quấy khóc, khó thở khi ngủ, bú ít, mệt mỏi khiến người nhà cũng căng thẳng theo.
“Cả tháng nay, con tôi cứ khò khè, sổ mũi, phải nhập viện hết hai tuần mới được về. Về nhà mới chỉ bốn ngày giờ lại vào viện tiếp”, chị Phan Thanh Xuân nói. Bác sĩ chẩn đoán bé T. mắc viêm tiểu phế quản, biến chứng từ viêm phổi trước đó kèm theo vi-rút hợp bào hô hấp nên trở nặng.
Nhắc đến vi-rút hợp bào hô hấp, bà Cao Thị Yến (67 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) thở dài, cháu nội bà - bé Đ.M.A. (11 tháng tuổi) cũng nằm viện hơn 10 ngày. Bà Yến không biết bé A. bị nhiễm vi-rút này khi nào, chỉ biết bé bị sốt, ho, khóc nhiều và bỏ bú.
Sợ bé A. không chịu nổi, mẹ ép uống sữa nên bé bị sặc, người tím tái, thở hắt nên phải đưa đi Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu. Bác sĩ phát hiện bé bị viêm phổi nặng do vi-rút hợp bào hô hấp gây ra.
Bà Yến nói: “Lúc hơn một tháng tuổi, cháu tôi đã bị nhiễm vi-rút này, từ đó đến nay dù gia đình chăm bé kỹ đến mức nào cũng bị bệnh lại. Lần nhập viện này là lần thứ tư”.
|
Tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, số trẻ nhập viện do mắc vi-rút hợp bào hô hấp tăng khoảng 10% |
Vi-rút hợp bào lây lan nhanh gây biến chứng khó lường
Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, “mùa” của những bệnh liên quan về hô hấp ở trẻ nhỏ thường bắt đầu từ tháng Tám đến tháng Mười một hằng năm. Tuy nhiên, bước vào đầu tháng 12, trẻ mắc bệnh vẫn chỉ giảm nhẹ.
Đáng lo ngại, trẻ mắc viêm phổi, viêm tiểu phế quản do vi-rút hợp bào hô hấp gây ra lại gia tăng. Hiện tại, khoa có khoảng 300 bé đang điều trị, trong đó gần 100 bé bị viêm tiểu phế quản do vi-rút hợp bào hô hấp. Hầu hết các bé đến bệnh viện đều ở giai đoạn nặng do người thân nhầm tưởng con mình chỉ bị cảm sốt thông thường.
Bác sĩ Tuấn cho biết: “Vi-rút hợp bào hô hấp là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp, bệnh tăng mạnh khi giao mùa hoặc mùa mưa. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Vi-rút truyền bệnh từ người sang người khi chạm phải chất dịch của người bệnh hoặc hít phải không khí có nhiễm vi-rút... Bệnh lây nhiễm rất nhanh, chỉ sau bệnh cảm cúm”.
|
Đa số trẻ được đưa đến phải thở máy |
Khi trẻ mắc vi-rút hợp bào hô hấp, trong hai ngày đầu thường chỉ chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém... như bệnh cảm cúm, nhưng đến những ngày tiếp theo, trẻ ho nhiều, khò khè, khó thở.
Tiếp đến các cơn ho kéo đến rất dữ, ho liên tục như ho gà, thở hắt giống hen suyễn, thở nhanh, co lõm lồng ngực phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì nguy cơ tử vong rất cao.
Trẻ dưới sáu tháng tuổi, trẻ sinh non, mắc các bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, hội chứng Down, suy giảm miễn dịch... nguy cơ nhiễm vi-rút cao, bệnh sẽ nặng hơn những trẻ khác. Có đến 50% trẻ mắc vi-rút hợp bào hô hấp bị tái đi tái lại, biến chứng hen suyễn, rối loạn miễn dịch và tổn thương hệ hô hấp dẫn đến thuyên tắc phổi.
|
Vi-rút hợp bào hô hấp khiến nhiều trẻ bệnh tái đi tái lại làm cho người nhà cũng muốn... bệnh theo |
Nguy hiểm hơn, người thân thường quan sát trẻ ho nhiều hay ít chứ không để ý đến nhịp thở của trẻ. Có trường hợp, cha mẹ nghĩ con bị cảm lạnh nên quấn khăn, cho mặc nhiều lớp quần áo, bỏ qua các cơn thở hắt, cơn gồng ở trẻ. Đến khi trẻ ngưng thở, đưa đến bệnh viện thì đã muộn.
Cẩn thận các nguồn lây bệnh Theo bác sĩ Tuấn, vi-rút hợp bào hô hấp tấn công rất mạnh vào trẻ dưới hai tuổi, nhưng người lớn và trẻ ba tuổi trở lên thường chỉ bị viêm đường hô hấp trên, có thể tự khỏi bệnh nên vô tình trở thành nguồn lây chính trong cộng đồng. Vì vậy, trẻ nhỏ suốt ngày ở trong nhà không có nghĩa là không nhiễm bệnh. “Tuy cùng họ với vi-rút sởi, nhưng vi-rút hợp bào hô hấp đến nay vẫn chưa có vắc-xin dự phòng. Vi-rút này lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Ngay cả trong bệnh viện cũng không thể ngăn chặn, chỉ cần có một bệnh nhi mắc vi-rút, hầu như các bé khác cũng bị lây nhiễm. Đây cũng là loại vi-rút gây nhiễm trùng bệnh viện cao nhất”, bác sĩ Tuấn nói thêm. |
Phạm An