Trời lạnh, trẻ bệnh hàng loạt

02/02/2018 - 09:00

PNO - Vừa bước xuống taxi, chị Kim Yến và mẹ ở Q.5, TP.HCM, vội vàng bồng hai đứa trẻ 5 tháng và 2 tuổi đang ho sù sụ vào khu vực mua phiếu khám.

Trong dòng người xếp hàng vào sáng 29/1 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nhiều bà mẹ nóng ruột, càu nhàu…ông trời: “Thời tiết gì mà tụi nhỏ bệnh hoài, ho, sổ mũi, sốt liên miên”. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 và Nhi Đồng Thành phố tiếp nhận gần 20.000 lượt trẻ đến khám, trong đó phần lớn là trẻ bị nhiễm trùng hô hấp.  

Troi lanh, tre benh hang loat
Có rất nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp đợi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2

Đi bệnh viện như… đi chợ

Chị Yến là “khách hàng” thường xuyên của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM. Chỉ từ đầu tháng 12/2017 đến nay, chị cùng con đến đây hơn 30 lần. Chị kể: “Mình cũng biết là trẻ con hay bị bệnh, nhưng từ tháng 12 đến giờ, khi trời lạnh thì hai đứa nhỏ bệnh liên miên.

Có khi sáng vừa cho thằng anh đi khám thì chiều lại đến con em nghẹt mũi, sốt, lại phải vô BV, rồi hai hôm sau lại đi tái khám. Có những hôm phải đến BV mỗi ngày để phun khí dung. Hai đứa nhỏ cứ thay phiên bệnh, có khi bệnh cùng lúc làm mình “đuối như trái chuối”, cứ viêm mũi họng, sốt siêu vi làm hoài. Giờ mình chỉ trông nắng ấm lên là hy vọng tụi nhỏ đỡ bệnh”. 

Trưa 25/1, một bà mẹ trẻ nắm tay hai đứa trẻ khoảng 2 tuổi, 4 tuổi đứng ở ngã ba lối vào BV Nhi Đồng thành phố dưới cái nắng chói chang làm tôi tò mò tấp xe lại. Tôi chưa kịp lên tiếng thì bà mẹ nói: “Chị làm ơn cho ba mẹ con em quá giang ra đèn xanh đèn đỏ phía trên. Lên đó em đón xe buýt đi về nhà”. Lên xe, người mẹ tên Phương cho biết nhà chị ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh và BV Nhi Đồng thành phố là nơi mẹ con chị lui tới thường xuyên.

Chị than: “Sao con em cứ bệnh hoài. Hồi trước chỉ bị sổ mũi, viêm họng và sốt; còn giờ thằng lớn có thêm bệnh viêm tai giữa bị chảy mủ, làm nó đau nhức ôm tai khóc hoài. Trời lạnh nó bị nặng hơn nữa. Bác sĩ (BS) nói do bị sổ mũi, viêm họng biến chứng qua viêm tai giữa. BS kêu điều trị hết tuần nay mà không dứt là phải mổ, mà em không biết xoay tiền ở đâu để mổ. Hai thằng cứ bệnh hoài, em rầu muốn chết”. 

Troi lanh, tre benh hang loat
Ảnh: Hiếu Nguyễn

Tại các BV nhi, không chỉ ở khu vực phòng khám, mà ở khu nội trú, bệnh nhân của khoa Hô hấp lúc nào cũng đông, trong đó có không ít bệnh nhân đến từ các tỉnh. Nhiều bà mẹ bồng con ra hành lang, dưới cầu thang trú ngụ. Có những trẻ bị viêm phổi phải nằm điều trị cả tháng trời.

Giữ ấm, rửa tay cho trẻ

BS Đặng Thị Kim Huyên - Trưởng khoa Khám bệnh BV Nhi Đồng 2 cho biết, đang vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết lạnh hơn, độ ẩm cũng cao hơn, lượng vi khuẩn, vi-rút nhiều hơn nên trẻ rất dễ mắc bệnh về hô hấp.  

Còn BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1 cho biết thêm: dịch bệnh hô hấp tại miền Nam thường tăng mạnh trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm. Sau thời điểm này sẽ có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, càng gần cuối năm khi thời tiết trở lạnh, bệnh có thể tăng trở lại. 

Về hô hấp, trẻ em có hai nhóm bệnh. Nhóm thứ nhất là viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Nhóm thứ hai là viêm mũi xoang và suyễn. Trẻ mắc các bệnh này nếu không chăm sóc đúng có thể gặp nguy hiểm. Riêng với bệnh suyễn, nếu không được chăm sóc tốt trẻ rất dễ bị lên cơn trong mùa lạnh. 

Troi lanh, tre benh hang loat
Ảnh: Hiếu Nguyễn

Ngoài thời tiết, một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng trẻ mắc bệnh cuối năm là phụ huynh không chăm sóc trẻ đúng cách. Không ít phụ huynh chủ quan vẫn cho con mặc áo phong phanh nên trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Ngược lại, có phụ huynh quá cẩn thận, trùm kín hoặc cho trẻ mặc nhiều lớp áo làm trẻ bị đổ mồ hôi và nhiễm lạnh trở lại. Nguy hiểm hơn, việc trùm kín có thể làm trẻ khó thở, nghẽn đường hô hấp. 

BS Tuấn cũng lưu ý: hiện nay đang rộ lên trào lưu các bà mẹ sử dụng tinh dầu thoa vào các huyệt đạo để phòng bệnh cho trẻ trong mùa lạnh. Tuy tinh dầu cũng có hiệu quả với trẻ, như dầu khuynh diệp, dầu tràm, nhưng cần tìm hiểu thật kỹ. Vì da trẻ rất mỏng, bôi trực tiếp lên da có thể gây bỏng, rộp. Ngoài ra, một số loại tinh dầu cũng chứa nhiều thành phần nguy hiểm, nếu bôi quá nhiều, dầu ngấm vào da sẽ gây ngộ độc cho trẻ. 

Chăm sóc trẻ đúng cách khi thời tiết trở lạnh

Theo BS Kim Huyên, cách phòng bệnh cho trẻ trong mùa lạnh là: mặc quần áo đủ ấm (không được nóng quá); khi cho trẻ ra đường, cần phải đeo khẩu trang để giữ ấm và giúp mũi, họng của trẻ không bị khô. Khi tắm cho trẻ, nên chọn thời điểm ấm nhất trong ngày, đóng kín cửa và tắm từng bộ phận chứ không ngâm trẻ vào nước. Nếu quá lạnh, chỉ nên dùng khăn ấm lau cho trẻ.

Nên cho trẻ ăn đủ chất để tăng đề kháng và rửa tay trẻ, rửa tay người chăm sóc trẻ thường xuyên và không cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh cảm cúm. Còn khi thấy trẻ có biểu hiện: bú kém, bỏ ăn, nôn, sốt cao, sốt liên tục hai ngày, lừ đừ thì cần đưa đến cơ sở y tế.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI