Trời chuyển lạnh, nhiều trẻ liệt mặt, viêm xương chũm

27/01/2021 - 09:33

PNO - Nghĩ trẻ sổ mũi do trời lạnh, cha mẹ tự mua thuốc cho con uống. Đến khi trẻ méo miệng, liệt mặt, sưng phồng tai mới đưa đi bệnh viện.

 

Bác sĩ Tuấn Như kiểm tra lại vết mổ cho bé C.
Bác sĩ  NguyễnTuấn Như kiểm tra lại vết mổ cho bé C.

Rụng rời khi con liệt mặt

Tranh thủ đi làm xa nhà để tết năm nay đủ đầy, chị Vân gửi con trai - bé trai Đ.G.H., 5 tuổi, ở lại quê Long An nhờ dì ruột chăm sóc. Trong những đợt không khí lạnh vừa qua, bé H. sốt cao nhiều lần, sổ mũi, nôn ói. Gia đình đưa bé đi trạm xá khám, bác sĩ (BS) nói bé đau bao tử, rối loạn tiêu hóa, cảm sốt và cho thuốc về uống. Ba ngày sau, bé không khỏi, BS tiếp tục đưa toa thuốc, dặn người nhà giữ ấm cho bé.
Xót ruột, chị Vân về nhà thăm con. Lúc này bé H. vẫn sốt cao, than đau tai. Kiểm tra tai bé, chị hốt hoảng thấy tai phải của con có nhiều mủ, tràn ra bên ngoài, mặt bé H. méo lệch, uống nước bị chảy ra ngoài không kiểm soát… Chị tức tốc đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. 

Chị Vân cho biết: “Mỗi lần trời lạnh là bé bị sốt nên ai cũng nghĩ cảm thông thường. Đi BS khám hai lần cũng được chẩn đoán bệnh do quá lạnh. Nghe con than đau tai, tôi đưa con đi Sài Gòn ngay. Xe vừa tới cổng bệnh viện, con đã liệt mặt rồi. BS nói trong tai phải của bé đọng mủ, xương chũm chết, nhiễm trùng máu, liệt mặt độ 2, mắt không nhắm kín lâu ngày có nguy cơ loét giác mạc… phải mổ gấp. Tôi rụng rời tay chân, may mắn BS mổ cứu kịp, nếu không tôi sẽ ân hận cả đời”.

Cũng vì trời lạnh nên chị Lê Thị Bé (nhà ở tỉnh Tiền Giang) nghĩ con gái Đ.N.C., 2 tuổi, bị cảm, sổ mũi. Khoảng một tuần uống thuốc, bé C. không hết bệnh, phía sau tai trái sưng to. Chị lại nghĩ con bị kiến cắn, rồi mua thuốc bôi tai. Nốt sưng ngày càng to, chị đưa con đi khám thì BS phòng mạch tư nói bị cảm, sốt thông thường, nóng nổi hạch nên chỉ định chích thuốc điều trị. “Hơn mười ngày chích thuốc, con tôi vẫn sốt, sổ mũi tái đi tái lại, khóc suốt, bỏ ăn, không chịu ngủ… phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cấp cứu”, chị Bé nhớ lại.

Qua thăm khám, chụp CT, BS phát hiện bé C. bị viêm tai giữa quá nặng, mủ đọng nhiều trong hòm nhĩ, có hiện tượng hủy xương chũm, nhiễm trùng máu… phải mổ khẩn để loại bỏ phần xương chũm hoại tử, xử lý nhiễm trùng, giải áp tai giữa cho bé. Nếu không bé có thể bị liệt mặt, viêm màng não, áp xe não, nguy cơ tử vong cao.

BS CKII Nguyễn Tuấn Như, Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết số lượng trẻ bị viêm tai giữa gây biến chứng viêm xương chũm, liệt mặt đến khám tại khoa đang có dấu hiệu tăng, với 17 bệnh nhi nặng.

Bác sĩ kiểm tra chức năng mặt cho bé H. sau phẫu thuật. Trước đó bé bị viêm tai giữa méo miệng, liệt mặt
Bác sĩ kiểm tra chức năng mặt cho bé H. sau phẫu thuật. Trước đó bé bị viêm tai giữa méo miệng, liệt mặt.

Đau tai… dễ liệt mặt

BS Tuấn Như cho biết: “Hầu hết cha mẹ đều nghĩ thời tiết lạnh, trẻ dễ bị ho, sốt, sổ mũi thông thường nên tự đi mua thuốc cho con uống. Nhiều người bỏ qua triệu chứng trẻ than đau tai, ù tai, thường ôm tai quấy khóc. Đến khi trẻ bị sưng phồng sau tai, liệt mặt như méo miệng, một mắt nhắm không kín khi ngủ, sốt cao, mệt mỏi, bỏ ăn, bỏ bú… mới hoảng hốt đưa con đến bệnh viện thì tình trạng đã nặng nề”.

Theo BS Như, 80% trẻ bị cảm, nhất là nhóm trẻ dưới ba tuổi sổ mũi, nghẹt mũi trong mùa lạnh kéo dài từ 5-7 ngày thường sẽ dẫn đến viêm tai giữa (gây biến chứng viêm xương chũm, liệt mặt…) Càng về đêm, nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ càng dễ xảy ra. Bởi vì khoang mũi, miệng, tai đều thông nhau. Khi trẻ nghẹt mũi, sổ mũi lâu ngày, vi trùng sẽ theo lối này đến tai và gây bệnh. 

“Đặc biệt, ống thông từ tai qua mũi của trẻ em ngắn hơn người lớn, độ dốc ống thông nằm ngang nên khi viêm nhiễm vùng mũi rất dễ đưa vi trùng vào tai gây nên tình trạng viêm tai giữa cấp tính. Khi tai giữa bị viêm sẽ gây đau cho trẻ. Có cơn đau khởi phát đột ngột, kéo dài vài giờ thì dứt nên người lớn vô tình bỏ qua. Nguy hiểm ở chỗ, cha mẹ cứ nghĩ con mình hết đau là xong, không đưa trẻ đi kiểm tra tai. Trong khi vi trùng tăng trưởng nhanh, hoành hành, phá hủy xương chũm gây giảm thính lực, liệt mặt, nhiễm trùng máu… Thậm chí, nếu không xử lý kịp thời, trẻ có thể bị biến chứng lên não, màng não, nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Như phân tích.

Một khi viêm tai giữa gây biến chứng, ống tai đọng mủ, dịch mủ đầy trong xương chũm buộc phải mổ hở để xử lý. Lúc này, trẻ phải nhập viện điều trị ít nhất hai tuần mới có thể kiểm soát được bệnh. Trước khi xuất viện, các bé cần được kiểm tra tai và thính lực theo lịch hẹn của BS định kỳ khoảng sáu tháng một lần.

Khi trẻ viêm tai giữa, méo miệng, liệt mặt nếu đưa đến bệnh viện sớm, sau phẫu thuật trẻ có thể phục hồi lại gần như trạng thái ban đầu, ít để lại di chứng. Ngược lại, người thân không phát hiện, để lâu ngày trẻ có nguy cơ liệt dây thần kinh ngoại biên, gây méo lệch miệng, mắt khó nhắm kín… gây mất thẩm mỹ khuôn mặt và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống suốt đời. 

Không được phát hiện sớm làm cho nhiều bé viêm tai giữa nặng, phải mổ để điều trị.
Không được phát hiện sớm làm cho nhiều bé viêm tai giữa nặng, phải mổ để điều trị.

 

BS Trần Văn Năm, nguyên Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết: bệnh liệt mặt xảy ra khi thời tiết thay đổi nhanh từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, nhưng ở phía Nam, tỷ lệ mắc bệnh nhiều vào tháng Mười một đến tháng Hai. Bên cạnh điều trị của y học hiện đại thì châm cứu của y học cổ truyền cũng đem lại kết quả tốt cho người bệnh. Ngoài châm cứu, người bệnh cần tuân thủ các yêu cầu sau:

Vệ sinh mắt: dùng nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý… để tránh khô mắt và nhiễm trùng.

Vệ sinh răng miệng: đặc biệt người cao tuổi và trẻ em, do không giữ được nước trong miệng nên lười chải răng, thức ăn ứ đọng bên má liệt… dễ bị viêm răng miệng.

Nên cho trẻ tiêm vắc-xin phế cầu

BS Tuấn Như khuyến cáo, cha mẹ nên cho con tiêm ngừa vắc-xin phế cầu sẽ làm giảm nguy cơ bệnh lý hô hấp nguy hiểm, đồng thời cũng giảm tỷ lệ viêm tai giữa. Thường xuyên vệ sinh mũi, họng cho bé nhất là trong mùa lạnh.

Khi rửa mũi cho con, phụ huynh phải được nhân viên y tế hướng dẫn vì mỗi nhóm tuổi sẽ có cách thực hiện khác nhau. Nếu phụ huynh chưa biết cách thực hiện nên đưa trẻ đến cơ sở y tế có bộ phận vật lý trị liệu hô hấp trẻ em để bé được rửa mũi đúng cách.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI