Trời chuyển lạnh, bệnh viêm phổi tấn công trẻ em

18/12/2024 - 06:20

PNO - TPHCM và các tỉnh lân cận đang chuyển mùa, trời se lạnh vào buổi sáng và tối, xen lẫn những cơn mưa bất chợt… Đây là thời điểm bệnh viêm phổi, viêm phế quản ở trẻ em tăng nhanh.

2 anh em cùng viêm phổi

Mấy ngày qua, anh Lê Văn Khôi (34 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) và vợ phải thay phiên nhau vào Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2 (TPHCM) chăm 2 con đang nằm viện vì viêm phổi. 2 bé là anh em sinh đôi, cùng bị viêm phổi, vừa nhập viện đã phải thở ô xy.
Anh Khôi cho biết, cách nhập viện 1 tuần, bé lớn bị sổ mũi, ho, khò khè. Nghĩ con cảm sốt do trời chuyển lạnh nên mẹ bé lấy thuốc còn dư từ đợt cảm trước cho con uống. Sau đó, bé bớt sổ mũi nhưng lại đột ngột lên cơn khó thở. Tại BV địa phương, bác sĩ chẩn đoán bé bị phổi cấp, tràn dịch màng phổi, chuyển đến BV Nhi Đồng 2 cấp cứu.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang thăm khám cho bệnh nhi
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang thăm khám cho bệnh nhi

Vừa đưa con trai lớn đi cấp cứu, thì 2 ngày sau, bé còn lại cũng có triệu chứng tương tự. Điều trị ở BV tỉnh gần 1 tuần không khỏi, bé được chuyển đến BV Nhi Đồng 2, nằm chung phòng với anh trai. “Thường sau đợt nắng dài, mưa xuống là 2 con tôi nóng sốt, sổ mũi. Không ngờ lần này các con bị bệnh nặng, hiện vẫn còn sốt cao liên tục, thở mệt, li bì. Bác sĩ nói do đến bệnh viện trễ nên các con bị biến chứng viêm phổi, chưa thể cai ô xy” - anh Khôi chia sẻ.

Ở phòng Cấp cứu, chị Nguyễn Thị Hồng (28 tuổi, ở tỉnh Bình Dương) đang chăm con gái là bé T.K.O. (3 tuổi), được chẩn đoán viêm phổi, viêm phế quản, áp xe phổi. Chị kể: sau vài ngày mưa nắng thất thường, con gái húng hắng ho, 4 ngày sau thì sốt nhẹ. Chị tự cho bé uống thuốc ở nhà vài ngày nhưng không đỡ nên đưa vào BV. Bác sĩ cho biết bé bị viêm phổi nặng, nhiễm trùng, áp xe phổi phải thở máy, truyền kháng sinh. Hiện, tình trạng của bé đã tạm ổn, tuy nhiên cần được theo dõi sát.

Trẻ mắc bệnh hô hấp đang tăng nhanh

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1 BV Nhi Đồng 2 - cho biết, thường từ tháng Chín trở đi, thời tiết thay đổi lúc nắng lúc mưa, kèm không khí lạnh gia tăng làm cho bệnh hô hấp - đặc biệt là ở trẻ em - tăng. Hiện, khoa đang điều trị khoảng 170-200 bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản cấp, hen suyễn…, tăng khoảng 30% so với những tháng trước. Khoảng 15 trẻ có diễn tiến nặng. Trung bình mỗi ngày có 30-40 trường hợp mắc mới phải nhập viện điều trị. Trong đó, có cả trẻ ở TPHCM và các tỉnh, thành lân cận.

Đáng lưu ý là vẫn còn tình trạng khi trẻ bị ho nhiều, khò khè, nóng sốt liên tục…, gia đình tự mua thuốc cho trẻ uống. Có phụ huynh đưa con đi bác sĩ nhưng tự ý bỏ thuốc khi thấy con đỡ ho, không đi khám bệnh mà sử dụng lại thuốc cũ từ lần bệnh trước. Đến khi trẻ mệt mỏi, thở khó, lừ đừ, đưa đến BV thì bệnh đã nặng. “Một khi trẻ viêm phổi, tràn dịch phổi, suy hô hấp phải thở ô xy, thở máy…, việc điều trị phức tạp và kéo dài. Chưa kể đến sau điều trị có thể để lại di chứng” - bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong nói.

Vì vậy, khi trẻ ho, hắt hơi, sổ mũi… dù không nóng sốt, người lớn cũng nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để khám, theo dõi sức khỏe, tránh bệnh diễn tiến nặng. Trường hợp trẻ có triệu chứng viêm phổi tăng nặng như sốt cao khó hạ, co giật, bỏ ăn, ho nhiều, khò khè, khó thở, thở co lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở hổn hển, bú kém hoặc không bú được… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Để phòng ngừa bệnh hô hấp mùa lạnh, cha mẹ nên cho trẻ uống đủ nước, chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, bổ sung vitamin, trái cây để tăng sức đề kháng. Người lớn cần thường xuyên quét dọn, giữ môi trường sống sạch sẽ, thông khí tốt. Khi ra ngoài, trẻ cần được giữ ấm kỹ bằng khẩu trang, áo ấm, găng tay, nón phủ tai… Hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, có nhiều bụi bẩn, khói thuốc lá. Phụ huynh cần vệ sinh tay, vệ sinh mũi họng bằng dung dịch nước muối sinh lý cho trẻ và bảo đảm trẻ được tiêm vắc xin đầy đủ.

Cẩn trọng với bụi mịn

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong cho biết, bụi mịn không chỉ xuất hiện gần đây mà đã kéo dài 1 giai đoạn nên tỉ lệ trẻ mắc bệnh về đường hô hấp hiện khá cao so với thời điểm đầu năm hoặc giữa năm. Bụi mịn gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp đầu tiên. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng xuất hiện ngay do kích ứng đường hô hấp tại chỗ như ho, đau rát họng, ngạt mũi, chảy mũi, triệu chứng giả cúm… Tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến các hậu quả khó hồi phục hơn như các bệnh viêm đường thở, viêm phế quản, khởi phát cơn hen cấp, suy giảm chức năng phổi, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.

Vì vậy, mọi người cần mang khẩu trang thường xuyên. Nếu không cần thiết, nên hạn chế ra đường vào những thời điểm nồng độ bụi cao như sáng sớm và tối muộn. Nhất là đối với người già, người có bệnh hô hấp mạn tính, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI