Trói buộc hay yêu thương?

15/10/2020 - 06:02

PNO - Cha mẹ nào cũng muốn bảo bọc con cái, nhưng chăm sóc/lo lắng/yêu cầu/kỳ vọng quá mức vào con đều làm các con khổ sở, khó xử. Câu chuyện "Tình yêu và đôi cánh" đã để lại thông điệp cho mọi người rằng: yêu thương đúng cách không thể là sự nắm giữ, trói buộc mà là chắp thêm đôi cánh.

Từ ngày 21/9, bộ phim Trói buộc yêu thương (đạo diễn Lê Hùng Phương) chính thức lên sóng VTV3, lúc 21g30. Bộ phim truyền hình này có lẽ cũng chạm đến những vấn đề chung nhất của nhiều gia đình: cách yêu thương con cái của bậc cha mẹ, khoảng cách thế hệ và những xung đột dưới mái nhà… Kịch bản có phần “drama hóa” để câu chuyện phim được dẫn dắt kịch tính hơn. 

Chuyện xảy ra trong gia đình bà Lan (NSND Kim Xuân đóng) - một người mẹ yêu thương con đến mức khắt khe, cực đoan. Bà làm mẹ đơn thân ở tuổi 40, trải qua quãng đời nhọc nhằn nuôi các con khôn lớn. Hiểu được những cạm bẫy, sóng gió cuộc đời, bà như gà mẹ lúc nào cũng sẵn sàng xù lông bảo vệ các con.

Những lo lắng về việc con cái sẽ sai lầm, vấp ngã khiến bà can thiệp quá sâu vào tình cảm riêng tư, những lựa chọn của con cái. Kết quả là tạo ra chuỗi bi kịch gia đình khi không có đứa con nào của bà trưởng thành và thật sự hạnh phúc. 

Phải sống cuộc đời mà cha mẹ mong muốn là nỗi khổ tâm của không ít người. Không riêng gì những nhân vật hư cấu trên phim, ngoài đời thực, con trẻ nhiều lúc phải cố gắng hụt hơi để chạy theo thành tích học tập như cha mẹ mong cầu cố gắng thi đậu vào trường đại học mà cha mẹ kỳ vọng, trở thành bác sĩ, kỹ sư… để nở mày nở mặt với dòng họ.

Những đoạn đời an toàn được cha mẹ vạch ra cho con cái phổ biến là: nhỏ thì học hành cho giỏi, lớn lên học đại học hoặc chọn một nghề, rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái, ổn định cuộc sống. Hai chữ “ổn định” theo quan niệm của ông bà cha mẹ, cũng là một sự trói buộc vô hình vào những lựa chọn tự do của con trẻ. 

Từng có những đứa trẻ sau kỳ thi không dám về nhà, thậm chí dại dột tự tử vì kết quả học tập không được như cha mẹ mong đợi. Từng có những người trẻ bỏ học giữa chừng khi nhận ra chuyên ngành đại học đang theo đuổi không phải là sở thích của bản thân mà chỉ học theo nguyện vọng của cha mẹ. Có cả việc con cái bỏ nhà ra ở riêng/cãi lời cha mẹ vì cho rằng gia đình không hiểu, không chia sẻ được với mình.

Những khuôn khổ được người lớn đặt ra - cũng vì mong muốn con cái có cuộc sống thành đạt, hạnh phúc - đôi lúc vô tình khiến con cái bế tắc trước ngưỡng cửa cuộc đời. Trên sân khấu Rap Việt mới đây, thí sinh TLinh đã chia sẻ câu chuyện bỏ học y khoa giữa chừng để theo đuổi đam mê nghệ thuật. May mà cha mẹ - làm trong ngành y - cũng đã chấp nhận với lựa chọn và giấc mơ của con gái.

Nhưng không phải ai cũng tôn trọng đến cùng những lựa chọn của con. Người lớn thường tin rằng, mình từng trải, đã thấm thía và hiểu đời nên “dọn đường” cho con theo ý mình. Nhưng sự thật không bao giờ là thế. 

Diễn viên Tú Vi (đảm nhận vai Thanh trong phim Trói buộc yêu thương) nói rằng chính bản thân cô cũng từng cãi mẹ để theo đuổi bằng được con đường nghệ thuật. Lựa chọn đó không khiến bậc sinh thành hài lòng, nhưng lại cho cô một cuộc đời đáng sống.

“Khi có con, tôi đã không bao giờ áp đặt con điều gì, luôn để tâm đến cảm xúc của con. Dù con còn rất nhỏ, nhưng tôi luôn hỏi con những câu: Có thích không? Mẹ làm như vậy có được không? Con cần gì?... Tôi muốn con mình trưởng thành sẽ luôn tự tin với mỗi lựa chọn, hiểu được bản thân muốn gì và nếu có sai cũng phải biết tự chịu trách nhiệm, sửa lỗi. Làm cha mẹ không ai không lo lắng cho con cái, nhưng tôi nghĩ, dù sao mỗi người sau này đều phải sống cuộc đời của riêng mình. Tôi sẽ để con tự đi trên đôi chân của nó, còn mình sẽ luôn đứng phía sau, là điểm tựa vững chắc nhất nếu chẳng may con vấp ngã” - Tú Vi chia sẻ. 

Xung đột gia đình đôi khi còn bắt đầu từ khoảng cách thế hệ, khi mà giữa cha mẹ-con cái thiếu vắng sự đối thoại. Ở thời đại này, việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã không còn phù hợp. Nhưng vẫn còn rất nhiều người nhân danh yêu thương áp đặt con cái, cho rằng lựa chọn điều này/điều kia hoặc người này/người kia mới là tốt nhất cho các con.

Chia sẻ của diễn viên Lan Phương có lẽ là điều để các bậc làm cha mẹ suy nghĩ: “Tôi luôn học cách làm bạn với con, thấu hiểu và lắng nghe, chia sẻ cùng con. Tôi tin rằng với cách nuôi dạy như thế, sau này đến khi con trưởng thành sẽ có sự thấu hiểu lẫn nhau, không để xảy ra bất hòa hay khoảng cách, xung đột nào”. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI