Trở về từ 'địa ngục' của bọn buôn người

29/10/2014 - 09:47

PNO - PN - Marcela Loaiza chỉ 21 tuổi khi cô bị lừa bán khỏi Colombia rồi buộc trở thành gái điếm trên đường phố Tokyo trong sự kiểm soát của băng nhóm mafia Nhật Yakuza. Sau 18 tháng bị bóc lột tình dục, cô trốn thoát và làm lại cuộc đời.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tro ve tu 'dia nguc' cua bon buon nguoi

Loaiza giới thiệu hai cuốn sách cô viết về câu chuyện của mình - Ảnh: El Diario

Bây giờ, ở tuổi 35, Loaiza điều hành một tổ chức phi chính phủ mang tên cô nhằm nâng cao nhận thức về nạn buôn người trong cộng đồng tại quê hương Colombia cũng như nước Mỹ - nơi cô đang sống.

“Khi tôi là vũ công tại một hộp đêm ở Colombia, một người đàn ông đến làm quen, tự giới thiệu muốn thuê vũ công đi làm ở nước ngoài. Tôi không nhận lời, nhưng vẫn giữ lại danh thiếp của ông ta”, Loaiza kể về con đường đưa cô đến với bọn buôn người. Vào lúc đó, cô vừa làm nhân viên thu ngân cho siêu thị, vừa làm vũ công vào cuối tuần. Chuyện không may xảy ra khi con gái ba tuổi rưỡi của cô bị bệnh hen, cô phải chăm sóc con vài ngày trong bệnh viện. Khi con khỏi bệnh cũng là lúc Loaiza mất việc và không có tiền để trả viện phí. “Tôi là một người mẹ đơn thân, tôi cảm thấy tuyệt vọng”, cô nói. Thế là Loaiza đành tìm người đàn ông đã gặp dạo trước. Hắn cho cô vay tiền, còn cô không hề biết mình đã tự chui vào bẫy.

“Hắn đề nghị tôi sang Nhật làm vũ công chuyên nghiệp. Có vẻ đó là cách tốt nhất để kiếm tiền chăm sóc cho con gái và mua cho mẹ một ngôi nhà. Tôi gửi con gái cho mẹ và trong vòng một tuần, tôi đã có mặt ở Tokyo. Tại sân bay, tôi gặp ba người đàn ông Nhật và một phụ nữ Colombia. Chúng thu hộ chiếu của tôi và buộc tôi trả lại 50.000 USD nếu muốn được tự do”. Khi đó, Loaiza vẫn chưa biết mình đã rơi vào tay bọn buôn người, nhưng từ đó, cô bị biến thành gái điếm.

Tro ve tu 'dia nguc' cua bon buon nguoi

Vũ công múa cột tại một câu lạc bộ ở Tokyo, Nhật Bản - Ảnh: Reuters

“Chúng cho tôi bộ tóc giả màu vàng và cặp kính màu xanh. Tôi phải làm việc trên những con phố, cứ mươi ngày lại đổi chỗ một lần. Đôi lúc ở trong phòng massage. Một tên ma cô luôn kè kè để đếm tiền thay tôi. Suốt 18 tháng, tôi phải làm suốt ngày đêm, trung bình từ 14 đến 20 khách mỗi ngày, kể cả Chủ nhật, không lúc nào được nghỉ” - Loaiza nghẹn giọng khi nhớ lại quãng đời tăm tối ấy.

Nhiều cô gái khác đến từ Philippines, Nga, Venezuela, Hàn Quốc, Trung Quốc, Peru và Mexico cùng chịu chung cảnh ngộ với Loaiza. Họ sống chen chúc sáu hoặc bảy người trong mỗi căn phòng chật hẹp do băng nhóm Yakuza quản lý. Bữa ăn của họ thường chỉ có cá ngừ, trứng luộc, cơm, và uống nước tăng lực để duy trì sức khỏe.

Loaiza kể tiếp: “Chúng tôi không được quyền nói. Chúng chỉ cho phép tôi gọi điện cho mẹ vài lần. Chúng đe dọa hãm hại gia đình và con gái tôi, nếu tôi bỏ trốn. Sau gần 18 tháng, tôi biết mình đã kiếm đủ cho chúng 50.000 USD mà chúng cho là tôi mắc nợ, và tôi có ý định bỏ trốn. Tôi kể với một vị khách địa phương mà tôi biết về câu chuyện của mình, về bọn mafia đã bắt cóc và bóc lột tôi. Ban đầu ông ấy không tin, rất lâu tôi mới thuyết phục được ông ta”.

Cuối cùng vị khách Nhật đồng ý giúp Loaiza bỏ trốn. Ông mang cho cô những thứ cần thiết để cải trang và giúp cô tìm đến Đại sứ quán Colombia tại Tokyo.

Tro ve tu 'dia nguc' cua bon buon nguoi

Một góc khu đèn đỏ Kabukicho ở Nhật Bản - Ảnh: AFP/Getty Images

Sau một tuần, sứ quán Colombia cấp hộ chiếu mới để cô trở về. Nhưng khi về đến nhà, Loaiza không nhận được sự giúp đỡ và chăm sóc y tế như đã hứa. Trong khi đó, cơ thể cô rất yếu vì thiếu máu, tóc và răng cô rụng nhiều. “Tôi hầu như bị khủng hoảng tinh thần. Tôi không thể nói chuyện với ai vì quá xấu hổ và ghê tởm chính mình. Tôi thấy mình là người tồi tệ nhất trên đời và đã định tự sát. Người đầu tiên tôi kể về những gì đã xảy ra là một nữ tu sĩ. Bà nói, tôi không phải người xấu. Nhưng mẹ tôi phải mất rất nhiều thời gian mới hiểu mọi chuyện và tin rằng tôi chỉ là nạn nhân” - Loaiza kể về buổi đầu “oằn mình” trở lại cuộc sống bình thường.

Marcela Loaiza mất ba năm điều trị những vấn đề về sức khỏe và tinh thần. Bác sĩ tâm lý đề nghị cô viết sách để giúp đỡ những phụ nữ từng là nạn nhân như cô. Cho đến nay, hai cuốn sách của Loaiza kể về những trải nghiệm cay đắng của đời mình đã được xuất bản. Với Loaiza, viết cũng là cách giúp vơi bớt nỗi đau âm ỉ trong lòng.

Sau những tháng ngày tăm tối, Loaiza giờ đã có cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng hai con. Chồng cô hiểu và rất ủng hộ công việc cô đang làm. Với Loaiza: “Công việc của tôi là làm nhân chứng sống cho mọi người thấy bộ mặt của tội ác. Tôi không bao giờ từ bỏ. Điều quan trọng là chúng ta phải nói lên sự thật. Im lặng chính là một trong những nguyên nhân gây ra vấn nạn này”.

 DƯƠNG BÍCH LIÊN (Theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI