Trở về từ cõi chết, thấy sự sống thật đáng quý

22/02/2022 - 06:36

PNO - Những ngày nằm viện, chứng kiến cảnh người mẹ phải trắng đêm chăm sóc, H. dần thay đổi suy nghĩ: "Khi mình chọn cách kết liễu cuộc đời, người thân sẽ rất đau khổ" và anh cho biết lúc nằm viện, chứng kiến một số người mất do bệnh tật, mới thấy quý bản thân hơn.

Quyết sống sau hai lần tự tử bất thành 

Khi dịch COVID-19 bùng phát, số lần ông Chúc cứu người, vớt xác cũng nhiều thêm. Chỉ tính riêng tháng 10/2021, khi TPHCM nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, ông đã ngăn chặn thành công bốn vụ nhảy cầu và vớt được tám xác người nổi lên ở đoạn sông dưới chân cầu Bình Lợi.

Anh H. được ông Chúc cứu sống khi nhảy cầu tự tử
Anh H. được ông Chúc cứu sống khi nhảy cầu tự tử

Trong chiếc ghe của mình, ông lưu trữ một cuốn sổ ghi chép danh sách những người may mắn thoát chết. “Phần lớn người nhảy cầu từ 20 đến 29 tuổi” - ông Chúc nói. Ông giới thiệu cho chúng tôi tìm gặp một người từng hai lần tự tử. Đó là anh Nguyễn H. - 29 tuổi, thạc sĩ ngành công nghệ thông tin và từng làm việc cho một công ty nước ngoài có trụ sở ở TPHCM.

Anh H. kể: “Dịch COVID-19 khiến tôi thất nghiệp suốt hai năm. Từ một người có thu nhập 35 triệu đồng/tháng, tôi không còn tiền để sinh hoạt, phải chạy xe ôm công nghệ để kiếm sống nên mặc cảm với bạn bè và gia đình, rằng mình là kẻ thất bại”.

Anh kể, lúc đó, bên tai anh như có người nào đó thì thầm, khuyên nên tự sát. Mang câu chuyện này kể cho người thân, anh chỉ nhận được những ánh mắt khó chịu. Vào một ngày cuối tháng 5/2021, anh H. tìm đến sông Sài Gòn để quyên sinh. Lần đó, ông Chúc phát hiện và đưa anh lên bờ.

Khi được cứu sống, anh càng thêm trầm cảm khi người thân liên tục canh giữ, không cho ra ngoài. Anh mua dao lam về cứa cổ tay nhưng gia đình kịp ngăn lại và đưa vào bệnh viện điều trị tâm lý. Những ngày nằm viện, chứng kiến cảnh người mẹ phải thức trắng đêm chăm sóc, anh dần thay đổi suy nghĩ. “Khi mình chọn cách kết liễu cuộc đời, người thân sẽ rất đau khổ” - anh H. nói.

Anh cho biết, lúc nằm viện, chứng kiến một số người mất do bệnh tật, anh thấy quý bản thân hơn. Hiện anh đang làm việc cho một công ty với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này thấp và công việc cũng không đúng với đam mê nhưng anh H. vẫn cảm thấy hài lòng. Anh đã trở về sống bình thường với gia đình và không còn nuôi ý định tự tử nữa.
Lúc đối mặt cái chết, chỉ muốn được sống 

18g một ngày cuối năm 2020, ông Chúc bất ngờ nghe hai tiếng “ùm” giữa màn đêm. Ông vội nổ máy ghe chạy ra chân cầu Bình Lợi, cứu được hai người đang đuối sức. Người phụ nữ là Nguyễn Kim H. - 27 tuổi, ở Q.12.

Khi vừa sinh con, chị phát hiện chồng mình ngoại tình nên suy sụp tinh thần. Chị viết lá thư tuyệt mệnh và gửi con cho người thân giữ giúp rồi lẳng lặng ra cầu Bình Lợi gieo mình xuống sông. Lúc chị vừa nhảy, anh Nguyễn Kim Tài (31 tuổi) tình cờ đi ngang qua đã nhảy theo để cứu. “Trong lúc đối mặt cái chết, tôi lại muốn sống vô cùng. Tôi nghĩ mình phải sống để còn nuôi con, báo hiếu cha mẹ” - chị H. nhớ lại.

Sau khi suýt mất mạng do nhảy xuống cứu chị H., anh Tài cảm động khi nghe chị H. kể về cuộc hôn nhân bất hạnh. Hai người sau đó giữ liên lạc và dần dần phát sinh tình cảm. Một ngày đẹp trời, anh Tài nhắn tin ngỏ ý muốn làm chồng chị H. Chị H. nhiều lần từ chối do nghĩ mình đã có con, trong khi anh Tài là “trai tân”. Nhưng cuối cùng, trước tình cảm chân thành của anh Tài, chị đã gật đầu đồng ý. 

Nghĩ tích cực thì thấy mình vẫn ổn 

“Khi hay tin tôi bị bệnh thận, mấy đứa con tìm cách đùn đẩy nhau nuôi. Buồn quá, tôi đành mang quần áo tới Bệnh viện Nhân dân 115, ban ngày bán vé số, ban đêm trải chiếu ngủ vỉa hè. Cứ hai ngày chạy lọc thận một lần nên hiện giờ, sức khỏe tôi suy kiệt, đi lại khó khăn” - bà Nguyễn Thị H., 61 tuổi, kể về cuộc sống của bà mười năm qua. 

Giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, không được bán vé số, bà H. không thể kiếm ra tiền. Tuyệt vọng, bà thuê xe ôm ra cầu Bình Lợi để gieo mình kết liễu cuộc đời. Nhưng khi bà vừa nhảy xuống sông, ông Chúc đang đậu ghe dưới chân cầu nên vớt được. Lúc tỉnh dậy, bà H. được bà Nguyễn Thị Hinh (vợ ông Chúc) kể cho nghe chuyện những người từng tự tử được cứu sống. Tất cả đều có nỗi buồn riêng. Lúc đối mặt cái chết cũng là lúc họ muốn sống nhất. “Con cái bỏ rơi bà thì còn các bác sĩ, y tá và những người ngày đêm chạy thận cho bà” - vừa xoa dầu nóng, bà Hinh vừa khuyên nhủ.

Bà H. chợt bừng tỉnh, nhận ra mình vẫn được nhiều người yêu thương. Ngoài y, bác sĩ, còn có những bệnh nhân và thân nhân mua mỗi lần vài chục tờ vé số để ủng hộ bà. Bà tiếp tục trở về bệnh viện, ngày bán vé số, đêm ngủ bên hông bệnh viện chờ đến lịch để chạy thận. Trong túi đồ sinh hoạt của bà H., có một con gấu bông. Bà xem nó như đứa con của mình. Đêm, trước khi ngủ, bà hát cho nó nghe, như một cách tự tạo niềm vui cho bản thân. 

Chính bà H. lại trở thành ân nhân của một nữ bệnh nhân ung thư đang tuyệt vọng chờ chết. Câu chuyện đời cũng như những lời động viên, khuyên nhủ của bà H. đã giúp nữ bệnh nhân này lạc quan trở lại, chịu uống thuốc để được sống. 

 Yên Hòa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI