Trở về sau hai mươi lăm năm mất tích

03/03/2015 - 16:01

PNO - PN - Giáp Tết Nguyên đán vừa qua, cả nhà bà Nguyễn Thị Sâm vỡ òa niềm vui khi người con gái thứ ba là Tạ Thị Tiến (SN 1970) bỗng trở về nhà sau hơn 25 năm mất tích. Chị Tiến bật khóc khi kể lại phải nhờ xe ôm tìm đoạn đường...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sinh ra và lớn lên trong một làng quê nghèo thuộc huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), 13-14 tuổi chị Tiến vẫn ngơ ngơ vì bị điếc tai trái nên người làng thường gọi là “Tiến điếc”. Năm 1986, người cha quyết định đưa cả nhà vào Tây Nguyên làm kinh tế mới. Lựa chọn mấy nơi, cuối cùng họ dừng chân tại Tam Hồng, một làng toàn người miền Bắc thuộc xã Ia Lau, huyện Chư Prong (Gia Lai). Được hai năm thì người cha bị bệnh qua đời. Bốn anh em lớn lên trong nghèo đói, thiếu sự đùm bọc, dạy dỗ của mẹ vì bà Sâm vốn có tiền sử bệnh tâm thần.

Tiến là con gái duy nhất trong nhà nên ưu tiên không phải… đi học, ở nhà cùng mẹ đi chăn bò thuê và lo cơm nước. Năm 1990, khi hai anh trai có vợ ở riêng, cũng là năm Tiến bước vào tuổi 20. Người ta nói ngoài thị xã dễ kiếm việc làm, Tiến nghe lời theo ra phụ quán cà phê. Chưa đầy nửa năm, chủ quán thông báo với gia đình là Tiến trốn đi đâu không rõ. Bà Sâm hối hai người anh đi tìm khắp nơi, về tận quê cũ ngoài Thanh Hóa mà không thấy con đâu. Một năm, hai năm… rồi ba năm vẫn biệt tăm, bà lấy ngày con đi khỏi nhà làm ngày giỗ. Nhiều năm sau đó, khi đã có cháu nội, mỗi lần làm giỗ con gái, các cháu thắc mắc hỏi “cô Tiến đi đâu?”, bà thường nói “bị Trung Quốc bắt rồi”. Hồi ấy, có vài trường hợp phụ nữ bị lừa bán hoặc tự nguyện sang lấy chồng Trung Quốc, nên bà Sâm nói đại như vậy.

Tìm được về nhà, Tiến bây giờ đã 45 tuổi, là mẹ và bà ngoại của một gia đình người Trung Quốc tại trấn Phong Hà, tỉnh Quảng Tây. Thân hình sồ sề, giọng nói đã đơn đớt pha tạp. Chị Tiến bị lừa bán sang Trung Quốc. Một phụ nữ người Bắc rủ Tiến về Thanh Hóa phụ bà buôn bán, tiền lương rất cao, nên cô nhẹ dạ nghe theo. Sau khi bỏ quán cà phê, trốn theo người phụ nữ ấy, Tiến lên xe đò thẳng ra Bắc.

Hai ngày ra đến đất Bắc, mà Tiến tưởng là Thanh Hóa, cô được nghỉ ngơi, sắm sửa quần áo mới rồi lên tàu hỏa đi tiếp. Xuống tàu, Tiến buồn ngủ díp mắt, nằm ở nhà ga ngủ một mạch. Khi tỉnh dậy, đã thấy mình ở một nơi xa lạ có nhiều rừng núi mà mấy ngày sau cô mới biết là đất Trung Quốc. Một thanh niên vừa lùn, vừa xấu đã mua cô về làm vợ. Đất khách quê người, Tiến chỉ biết khóc, chấp nhận số phận. Nhà chồng chỉ có hai người, mẹ và con trai. May mắn cho cô, họ đều hiền lành, chất phác, siêng năng lao động.

Tro ve sau hai muoi lam nam mát tích

Người dâu Việt đã đem lại sinh khí mới cho gia đình nhỏ của mẹ con Long, chồng Tiến. Công việc nương rẫy, chăn nuôi vốn quen thuộc với Tiến nên cô dễ dàng hòa nhập cuộc sống mới. Năm sau thì cô sinh con gái, chồng Tiến lo lắng liệu con thứ hai có thể là trai hay không. Luật chỉ cho sinh một con, nhưng cũng nới lỏng với miền núi vùng sâu, vùng xa. Lỡ đứa thứ hai là con gái nữa thì họ Trương nhà chồng tiệt giống. Long bàn với vợ đem đứa con gái về Việt Nam gửi bà ngoại nuôi, mà Tiến lại không biết chữ, cũng không nhớ rõ địa chỉ gia đình.

Mấy lần nhờ người viết thư, Tiến gửi về cho anh trai Tạ Văn Đức nhưng cô chỉ nhớ làng Tam Hồng, Gia Lai, còn tên xã, huyện đều không nhớ, bởi vậy thư không đến được. Mất liên lạc với gia đình, không nhớ đường về quê, Tiến trở thành người “đã chết”. Hai năm sau, vợ chồng Tiến có con trai, họ giết lợn, gà làm tiệc ăn mừng. Cô dâu người Việt được mẹ chồng cưng chiều hết mực. Những công việc nặng nhọc cô không phải đụng tay tới. Chồng cô tiết kiệm tiền mua được chiếc xe công nông đi chở hàng trong xã, ngày nào cũng có tiền. Người mẹ chồng vẫn còn khỏe ôm đồm hết việc nhà, việc đồng. Tiến chỉ việc ăn, ngủ và chăm con nên béo trắng.

Tiến ngậm ngùi kể với mẹ thời “vàng son” ngắn ngủi kết thúc khi cậu con trai lên bảy tuổi, vào tiểu học. Từ khi đi lái xe chở hàng, người chồng quen tụ tập uống rượu, nghiện ngập lúc nào không hay. Lấy cớ thiếu tiền sửa nhà, chồng bán hết ruộng nương. Tiến đi làm thuê cho một xưởng bóc ván gỗ ngay cạnh nhà. Năm 2014, chị bị tai nạn lao động khi đang quét dọn lò sấy, than lửa bên trên ập xuống. Tiến giơ hai bàn tay đầy sẹo, vạch áo cho mẹ xem những vết thương vừa lành trên lưng, kể rằng lúc ấy đau lắm, mà chồng con không ngó ngàng gì đến. Mẹ chồng giờ cũng kiếm cớ chửi mắng.

Thằng con trai 20 tuổi suốt ngày rượu chè giống bố, xin tiền mua rượu mẹ không cho thì nó chửi mẹ là “con lợn Việt”. Con gái thương mẹ hơn nhưng đã lấy chồng, có con, ở xa nên lâu lắm chưa về thăm nhà. Những lần trước Tiến xin về quê mà chồng không cho, lần này anh ta đưa vợ ra tới bến xe đi cửa khẩu Tân Thanh, lại còn cho hai nghìn tệ đi đường, chắc có ý đuổi vợ về Việt Nam.

Ước nguyện của chị Tiến là được ở lại với mẹ và em trai. Bà Sâm đêm mất ngủ vì thương con và lo lắng. Phải chi bà có tiền, cất cho con gái căn nhà nhỏ, nhưng bà nghèo quá còn phải nhờ con trai út, nó phải nuôi mẹ già với ba đứa con đang ăn học, thêm chị nữa thì không ổn. Sau rằm tháng giêng, bà sẽ đưa con gái ra trình diện với chính quyền địa phương, rồi sẽ họp gia đình tìm cách lo cho chị Tiến một mái nhà nhỏ.

 PHÙNG HOÀNG CHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI