Trở về sau 21 năm bị lừa bán sang Trung Quốc: Chỉ mong các con có tên tuổi, danh phận

18/12/2016 - 11:19

PNO - Sau những tháng ngày ròng rãm chịu bao cay đắng nơi đất khách quê người, chị Thương trở về trong sự ngỡ ngàng, mừng tủi của người thân, bà con hàng xóm.

Trở về cùng 4 người con

Cuối cùng, sau 21 năm tìm cách trốn chạy khỏi nhà chồng khi bị lừa bán, chị Tô Thị Thương (43 tuổi, ngụ tại thôn Sơn, xã Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa) đã về đến mảnh đất quê hương cùng 4 người con không giấy tờ tùy thân, không biết tiếng Việt.

Trong thời gian này, 4 mẹ con chị nương nhờ căn nhà bỏ không lâu ngày của gia đình người em trai đang đi làm ăn xa. Lúc này, tại quê nhà chị có người em gái và bà con hàng xóm xung quanh. Bố chị về bệnh tật nên đã mất, còn mẹ già và 2 em trai đang sống tại tỉnh Đắk Lắk.

4 đứa con của chị lần lượt được đặt tên là Tô Bình (20 tuổi, con trai), và 3 cháu gái là Tô Lan (18 tuổi), Tô Thìn (14 tuổi), Tô Hà (12 tuổi).

Tro ve sau 21 nam bi lua ban sang Trung Quoc: Chi mong cac con co ten tuoi, danh phan
5 mẹ con chị Thương ở nhờ nhà người em trai. Ảnh: Báo Giao thông

Trở về với 2 bàn tay trắng, chị Thương nhận thêm đất làm ruộng, làm vườn cố gắng làm lụng nuôi các con. Thấy mẹ con chị thiếu thốn, khó khăn, bà con hàng xóm, anh em họ hàng người cho mẹ con chị bộ quần áo cũ, yến gạo, đồ dùng sinh hoạt,... mong giúp đỡ phần nào.

Người phụ nữ gầy gò, khắc khổ kể vẫn chưa hết ám ảnh khi nghĩ lại những ngày tháng sống trong gia đình người chồng không hôn thú.

Chị là chị cả trong gia đình có 4 chị em, do cuộc sống gia đình khó khăn nên chị phải nghỉ học từ năm lớp 6, phụ giúp bố mẹ nhường các em đi học.

Đến tháng 2/1995, nghe theo lời một người bạn rủ lên Lạng Sơn hái chè thuê chị liền xin phép bố mẹ cho đi. Khi đó, chị mới 22 tuổi. Những tưởng công việc mới sẽ giúp mình kiếm được khoản tiền gửi về cho bố mẹ nhưng khi đi qua hết đoạn đường này, mảnh đất khác, xuống xe, chị mới biết mình đã bị lừa bán sang làm vợ một người đàn ông Trung Quốc.

Người đàn ông đó tên Sèng, từng có 2 người vợ nhưng những người này chỉ sống được một thời gian rồi bỏ trốn. Vì vậy, khi chị về đây bị gia đình chồng quản thúc rất chặt.

Gia đình chồng chị sống tại vùng núi heo hút, không có điện. Hơn nữa, do bất đồng ngôn ngữ nên cuộc sống cũng rất khó khăn, chị phải làm việc quần quật, nếu không vừa ý còn bị đánh đập thậm tệ.

Người đàn bà nhớ lại: "Ở đó cuộc sống khổ lắm, tôi phải làm nương rẫy quanh năm. Tôi ở xứ người tủi cực, cay đắng nhiều lần tìm cách trốn về nhưng khi vừa ra bến xe lại bị gia đình chồng bắt lại".

Do bị bán sang Trung Quốc nên chị không có giấy tờ tùy thân, cũng không có hôn thú, sống chui lủi cực khổ nên khi bị đánh đập cũng không biết kêu ai. Có những lúc buồn tủi, chị từng nghĩ đến cái chết nhưng vì nghĩ đến các con nên chị lại gắng gượng.

"Chồng tôi đã chết cách đây 8 năm, từ đó tôi càng ấp ủ dự định trở về quê nhà nhưng còn 4 đứa con, đi mà để chúng lại tôi không yên lòng nên quyết tâm bàn kế hoạch cùng trốn về nước”, chị Thương kể lại.

Mặc dù người chồng đã mất nhưng gia đình chồng vẫn theo dõi chị rất sát sao. Sau khi bàn tính kế hoạch, cả 5 mẹ con gom quần áo đi bộ hơn 30 km đường rừng núi trong đêm. Đến bến xe đi đến huyện Đông Hưng(Trung Quốc), đi cano vượt biên về Móng Cái (Quảng Ninh), rồi bắt xe về nhà vào ngày 7/9.

Chỉ mong các con có tên tuổi, danh phận

Chị chia sẻ, về đến quê hương là một niềm hạnh phúc rất lớn nhưng các con chị chưa thể bắt nhịp được với cuộc sống do bất đồng ngôn ngữ. Ban ngày chị làm ruộng, vườn, tối đến mấy mẹ con lại ra đồng bắt cua, ốc kiếm thêm. Đêm về, chị lại tranh thủ dạy các con tiếng Việt để sớm hòa nhập, tìm được công việc, ổn định cuộc sống.

Mặc dù đã trở về nhà nhiều tháng qua nhưng chị luôn cảm thấy thấp thỏm, lo âu bởi vẫn chưa thể đăng ký hộ khẩu, hộ tịch cho con.

"Hiện tôi đã làm đơn xin khôi phục lại hộ khẩu và nhập quốc tịch cho các con để chúng có tên tuổi, danh phận, thành người Việt Nam” - chị Thương chia sẻ.

Trao đổi với Người lao động, ông Lê Đình Quang, Phó trưởng Công an xã Đông Lĩnh, cho biết ngày 7/9, địa phương nhận được thông tin chị Thương trở về cùng với 4 người con sau 21 năm mất tích.

“Sau khi nắm bắt tình hình, chúng tôi được biết bà Thương bị lừa bán qua Trung Quốc làm vợ từ năm 1995. Bốn người đi cùng, bà Thương khai là con của mình với người đàn ông Trung Quốc. Các cháu đều đã lớn, từ 12 đến 20 tuổi” - ông Quang thông tin.

Cũng theo ông Quang, đây là vấn đề rất nhạy cảm, cần xác minh cụ thể vì muốn nhập quốc tịch không đơn giản, chưa nói đến việc những người con của chị Thương không có giấy tờ gì, trong đó 2 người trên 18 tuổi.

“Việc này ngoài tầm của địa phương nên chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên. Hiện nay, Công an TP cũng đã nhiều lần cử người về xác minh thêm thông tin để đưa ra hướng xử lý. Trước mắt, xã đã yêu cầu thôn, xóm quan tâm, hỗ trợ gia đình bà Thương phần nào để họ ổn định cuộc sống” - ông Quang nói.

Hoàng Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI