Trở về sau 11 năm, chồng vẫn 'chân trong chân ngoài'

12/07/2017 - 18:00

PNO - Cười chua chát, tôi tưởng trong trái tim anh không còn tồn tại thứ tình cảm cha con cơ chứ. Sau 11 năm anh bỏ con đi biền biệt, thế mà anh không nỡ xa con đàn bà ấy được 1 tháng ư?

11 năm ấy chịu đựng biết bao tủi nhục, những ngày sương rừng vượt rú, những ngày lên xe xuống tàu với những gánh hàng rong… bươn chải với cuộc đời. Ngày anh bỏ trốn vì nợ nần bài bạc, đứa con trai út mới được 3 ngày tuổi, anh chỉ gửi về một cái giò heo rồi đi mất tích. Để lại một đàn con nheo nhóc cách nhau 2 năm một đứa. Anh em, làng xóm sợ “phong long đẻ” không ai đến đỡ đần một tay, mới sinh được 1 tuần, tôi đã dậy giặt giũ và làm thuê để nuôi 5 đứa con nhỏ.

Tro ve sau 11 nam, chong van 'chan trong chan ngoai'
Ảnh minh họa

11 năm ấy biết bao kỷ niệm buồn, sinh còn non ngày non tháng chưa giặt giũ được, hai đứa lớn phải khiêng ra sông giặt cho mẹ. Đi đâu mọi người cũng trêu “Con trai mà giặt đồ đẻ cho mẹ, xấu hổ quá”. Thế là hễ thấy người lạ, chúng nó lại tìm cách dấu chậu đồ đi. Tuổi thơ của con người ta đầy ắp tiếng cười với những chiều thả diều, bắt chim… còn những đứa con mình thì mãi lo đi hái củi, đi hái sim, nhặt hạt dẻ bán lấy tiền đong gạo, đó còn là những ngày tự đi đào sắn nướng ăn, có lúc ngộ độc sắn suýt cắn lưỡi.

Thằng lớn chăm thằng nhỏ, còn mẹ kiếm ăn với những gánh hàng rong đi đến hơn 40 km để đổi lấy lương thực. Những ngày mưa bão, căn nhà lá xập xệ, xiêu vẹo, mẹ con néo dây ở 4 góc nhà kẻo sợ gió to, nhà bay mất không còn chỗ nương thân. Chưa kể những lúc đứa nhỏ ốm, xong tới đứa lớn… một mình mẹ hết lo thuốc thang, kiếm gạo nấu cháo, đêm khuya bồng con trong căn nhà xập xệ, ngoài kia tiếng ếch nhái kêu râm ran như lời than thở của một kiếp đàn bà lấy nhầm chồng bài bạc, gái gú, rượu chè.

Mẹ con dắt díu nhau thế rồi cũng qua, 5 đứa con dần khôn lớn, mặt mũi sáng sủa, học hành giỏi giang nên được cô giáo thương yêu và giúp đỡ hết mình. Hoàn cảnh khiến 5 đứa con lúc nào cũng ngoan ngoãn, thương mẹ, đứa lớn làm ăn tiết kiệm cho mẹ xây một căn nhà nhỏ. Đứa út đang học lớp 11. Cuộc sống dần ổn, cũng chính là lúc tôi biết tin chồng mình đang ở Tây nguyên và đã có vợ và một đứa con trai học lớp 3.

11 năm tủi nhục, tôi không tha thứ cho con người tệ bạc đã bỏ mẹ con đi biệt tăm, không cần quan tâm mẹ con chết sống ra sao. 11 năm con vượt lên mọi cực khổ từ miếng ăn, đến tai tiếng của một người cha bài bạc, gái gú, bỏ nhà đi. 11 năm ấy con tôi không tự tin khi ai đó hỏi “Đây là con nhà ai?” – sợ giới thiệu tên bố ra họ sẽ cười vì sự nổi tiếng của một người cha có tài nhưng vô tâm, vô tư với vô vàn thói xấu, đủ cả.

Tro ve sau 11 nam, chong van 'chan trong chan ngoai'
Ảnh minh họa

Theo thông tin của một người làm ăn xa, cháu của chồng tôi biết được nơi ăn chốn ở hiện tại của anh và được biết anh muốn trở về quê hương để thờ phụng ông bà, cùng nguyện vọng muốn sống những ngày tháng cuối đời ở nơi chôn rau cắt rốn. Họ hàng nhà anh làm tư tưởng, mong tôi chấp nhận để anh quay trở về sau bao lỗi lầm, kẻo dòng họ chỉ có duy nhất một người con trai là anh. Vì thế, tôi đành gật đầu sau nhiều đêm trằn trọc. Đó là một sai lầm tiếp theo trong cuộc đời tôi vì vẫn dính líu đến người đàn ông “vẫn chứng nào tật ấy”. 

Ngày anh về, anh ôm cu út khóc nức nở (cu út giống đúc ba nó), con lạnh nhạt “chào bác” xong đi vào nhà. Mỗi bữa cơm nó im lìm, không nói năng gì. Tôi biết nó tổn thương sâu sắc, tôi biết nó tủi hờn cho những ngày thiếu hình bóng của một người cha từ khi mới sinh được 3 ngày. Cha trở về, vết thương ấy có dịp sưng tấy. Một người vợ như tôi cũng thế, dường như mạnh mẽ lắm rồi, đủ để cảm thấy thừa thãi khi có hình bóng một người đàn ông trong nhà.

Chúng tôi không có tiếng nói chung, tôi luôn chì chiết vì những lỗi lầm trong quá khứ của chồng. Trở về những tưởng anh đã ăn năn, hối hận nhưng anh ấy vẫn lại “chân trong chân ngoài” với gia đình nhỏ ở Kontum. Không khí ấm êm, vui vẻ của mẹ con khi xưa không còn, thay vào đó là sự nặng nề, trách móc. Được mấy đồng thu được từ cái quán tạp hóa, anh đều dành dụm cất riêng để gửi vào cho đứa con trai ở xa kia, nào là tổ chức sinh nhật, thưởng1 tháng 6…

Không thể sống với một kẻ cứ “chân trong chân ngoài” như thế này được, tôi chì chiết:“Con tôi khi xưa lo từng cái ăn, mấy lần suýt chết vì đói, vì ăn nhầm sắn độc… Anh đã nuôi được ngày nào chưa? Bây giờ về đây lấy tiền của tôi đi nuôi con của con đĩ”. Anh thở dài, cả đêm mất ngủ.

Tiếng chuông điện thoại reo, nghe giọng tôi, bên kia cúp máy, có lẽ là người đàn bà của chồng tôi gọi. Có hôm, đang ăn cơm, nghe tiếng chuông điện thoại anh vội vàng bật dậy: “Con nhớ anh, không chịu ăn uống gì, giờ người gầy gò như con mắm nướng rồi, anh xem thế nào đây”, tôi nghe tiếng người đàn bà ấy khóc thít thít, còn anh lại thở dài “Ờ, để anh tính”.

Không biết ông tính cái gì cả đêm không ngủ, rồi sáng ra đi thuê người múc đất phía sau nhà, xong xuôi chồng tôi tỉ tê “Mẹ nó cho bà Miên (người đàn bà của ông ở Kontum) về cất cái trại ở phía sau, mọi quyền hành mẹ nắm hết…”. Tôi cười chua chát “Tôi tưởng anh có thể bỏ 5 đứa con đi 11 năm trời, thế mà anh không nỡ xa người đàn bà ấy được 1 tháng ư? Mới về được 1 tháng anh đã có ý định vợ lớn – vợ bé à? Có gan thì anh cứ đưa cô ấy về đây, đi đâu thì đi cho khuất mắt, đừng đứng trước mặt tôi mà chim chuột”.

Cứ thế, vợ chồng luôn cãi nhau vì hình bóng “người thứ 3” ấy, từ khi cưới vẫn vậy, luôn là một bóng hồng nào đó, giờ cũng không khác gì… Mà nghĩ cũng nực cười, không biết ai là “người thứ 3” đây, tôi hay Miên, bởi vào trong đó họ vẫn có giấy đăng kí kết hôn mà. Họ vẫn sống với nhau 10, 11 năm và có với nhau một đứa con.

Về được 3 năm, chồng đánh tiếng dồn tiền để đi buôn gỗ mít ở Kontum, bởi trong đó mít nhiều. Cuốn gói anh đi luôn không trở về… Rốt cuộc cũng đi, nhưng khác 11 năm trước, lần này tôi biết anh vào trong đó với gia đình nhỏ của mình. Rốt cuộc anh cũng chọn bước chân ra ngoài sau khi khuấy động cuộc sống sau 11 năm của tôi và con. Giờ tôi mới hiểu hạnh phúc không đến từ sự chắp vá tạm bợ, hạnh phúc chỉ thật sự có khi cố gắng giữ gìn ngay từ đầu.

Hồng Liệu (Quảng Bình)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI