Hài lòng với khu cách ly
Ngay khi vừa ra đến sảnh sân bay Quy Nhơn, nắm chặt tay cậu con trai ba tuổi, chị Lê Thị Định - 30 tuổi, ở xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định - rơi nước mắt: “Không có chuyến bay này, tôi không dám nghĩ chuyện được trở về nhà. Về đây rồi, mẹ con tôi thấy an tâm hơn, người nhà cũng bớt lo lắng. Mọi chuyện cứ theo sự sắp xếp, hướng dẫn của chính quyền”.
Chị Định nằm trong nhóm đầu tiên của tỉnh Bình Định được đón về quê. Trước đó, chị làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TPHCM). Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, nhà máy đóng cửa, chị mất việc. Chồng chị đi làm, mắc kẹt ở tỉnh Long An, gia đình ba người bị chia hai nơi. Thông qua Hội đồng hương (HĐH) Bình Định tại TPHCM, mẹ con chị Định được đón về quê an toàn.
Anh Đỗ Minh Niệm - 34 tuổi, quê ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định - rời nhà vào TPHCM phụ việc cho một quán ăn. Mấy tháng nay, quán phải đóng cửa, anh Niệm cũng mất việc. Anh Niệm chạy ngược xuôi kiếm việc khác nhưng các nơi cũng đóng cửa, phải đến ở nhờ nhà, phụ việc cho người bạn làm nghề hớt tóc ở huyện Hóc Môn. Một tháng trước, tiệm tóc cũng dừng hoạt động. Đã mấy lần, anh Niệm định về quê nhưng không có tiền, xe khách cũng ngưng chạy.
Những người về từ TPHCM được các cơ quan của tỉnh Bình Định bố trí vào các khu cách ly. Từ khu cách ly tập trung ở Sư đoàn Bộ binh 31, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, chị Võ Thị Thu Xuân - quê ở xã An Hòa, huyện An Lão - chia sẻ: “Ở đây, mọi người rất thoải mái, tâm lý ổn định. Mỗi ngày, có nhân viên mang cơm, đưa nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt đến cho từng phòng. Hôm đầu tiên về, chúng tôi được xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên. Phòng của tôi có năm người. Về tới đây, tôi gọi ngay cho gia đình, báo ở đây rất an toàn. Lúc ở TPHCM, tôi hình dung về khu cách ly tập trung rất khác, trong lòng hơi lo nhưng vô đây rồi thì thấy yên tâm”.
|
Niềm vui của những người từ TPHCM được đón về quê hương Đà Nẵng - Ảnh: Lê Đình Dũng |
Trò chuyện qua Zalo, chị Xuân hướng ống kính điện thoại cho chúng tôi xem những vật dụng được chuẩn bị trước cho mỗi người ở khu cách ly, gồm khăn mặt, kem, bàn chải đánh răng, dầu gội đầu, nước rửa tay… Điều này cho thấy sự chu đáo của các cơ quan, đơn vị ở tỉnh Bình Định khi đón người Bình Định xa quê trở về.
Bà Trương Thị Thuận - mẹ chị Thu Xuân - xúc động: “Tôi mừng vì con tôi về nhà an toàn. Những ngày qua, theo dõi thông tin trên báo đài, thấy dịch bệnh ở trong Nam tăng nhanh quá, gia đình ở quê lo lắng lắm. Nay con gái về rồi, được bố trí chỗ ăn ở chu đáo, xét nghiệm đầy đủ, nhìn những gì con gái chia sẻ, nghe con kể, thấy rất an tâm. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành tới các cấp chính quyền, tới những nhà hảo tâm, những người đã hỗ trợ để có chuyến bay này”.
Những chuyến bay tình nghĩa
Ngày 21/7, hơn 600 người quê Đà Nẵng có hoàn cảnh khó khăn bị mắc kẹt tại TPHCM do dịch COVID-19 đã được đưa về nhà trên ba chuyến bay. Bà Bùi Thị Bốn - quê ở huyện Hòa Vang - nói: “Thật may mắn khi được trở về”.
|
Mẹ con chị Lê Thị Định trong chuyến bay từ TPHCM trở về quê nhà Bình Định - Ảnh: Hạ Vũ |
20 năm xa quê, mưu sinh ở Sài Gòn, đây là lần về quê đặc biệt đối với ông Phan Công Sang (huyện Hòa Vang). Ông kể, vào Sài Gòn làm công nhân cho một công ty sản xuất đồ gỗ, mỹ nghệ với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Giữa tháng 6/2021, ông là F1 (tiếp xúc gần với người mắc COVID-19) nên bị đưa đi cách ly tập trung. Đầu tháng Bảy, ông hết hạn cách ly thì công ty cũng dừng hoạt động. Vợ ở nhà cũng thất nghiệp. “Dịch kéo dài, cả nhà thất nghiệp mà miếng ăn thì vẫn phải đủ mỗi ngày. May sao, khi HĐH Đà Nẵng tại TPHCM thông báo, tôi đăng ký suất về cho gia đình, được duyệt. Tôi chỉ biết cảm ơn tấm lòng của quê hương thật nhiều trong hoàn cảnh ngặt nghèo này”.
Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Thanh (quận Cẩm Lệ) mưu sinh ở TPHCM để nuôi hai con đang ăn học tại đây. Dịch bệnh kéo dài, nỗi lo mắc bệnh lẫn thiếu đói cứ lởn vởn trong đầu chị. “May mà tôi đăng ký rồi được xét về quê đợt này. Chuyến này, tôi cho con cái ở với ông bà, bữa rau bữa cháo chờ hết dịch rồi tính” - chị tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Đẩu - Chủ tịch HĐH Đà Nẵng tại TPHCM - cho biết phần lớn người đăng ký về quê là lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. “Chính quyền, nhân dân TP. Đà Nẵng cũng đang căng sức chống dịch. Việc tổ chức đưa đón bà con đồng hương xa quê chu đáo như thế này là rất kịp thời, rất đáng quý” - ông Nguyễn Văn Đẩu xúc động.
Để đón bà con trở về, chính quyền Đà Nẵng đã liên hệ, vận động được bảy khách sạn bố trí 378 phòng và 639 giường cho 626 người ở. Tất cả người đăng ký về đợt này đã được bố trí chỗ ở ổn định, thực hiện quy trình cách ly phòng, chống dịch theo quy định, chờ ngày đoàn tụ cùng gia đình. Ông Nguyễn Hồng Phúc - cán bộ Sở Du lịch TP. Đà Nẵng - cho biết việc ăn, ở trong thời gian cách ly ở các khách sạn 4-5 sao này hoàn toàn miễn phí.
UBND tỉnh Bình Định quyết định hỗ trợ tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp điều trị COVID-19 theo thời gian điều trị thực tế, tối đa 45 ngày và người cách ly y tế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thời gian hỗ trợ theo điều trị thực tế, tối đa 21 ngày; hỗ trợ người dưới 16 tuổi theo mức 80.000 đồng/người/ngày và được hỗ trợ một lần theo mức 1 triệu đồng/trẻ em cho trường hợp điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế, đồng thời hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn ở, sinh hoạt, đi lại cho những người được đón về trong đợt này.
|
Hạ Vũ - Đình Dũng