Và dường như đang có một sự “đổi ngôi” khi những hội, nhóm, cộng đồng của các bạn trẻ can dự, thể hiện tiếng nói mạnh mẽ trong lĩnh vực di sản, văn hóa ngày càng đông đảo.
“Nhập” tết, phá đình, xây cầu xuyên lõi di sản... rồi gì nữa?
Nếu không có gì thay đổi, kể từ tết Kỷ Hợi 2019, đồng bào người Mông ở xã Lóng Luông, Vân Hồ của huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) và Pà Cò, Hang Kia của huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) sẽ chuyển sang ăn tết Nguyên đán cùng cả nước, không tổ chức ăn tết Mông trước tết Nguyên đán một tháng như truyền thống trước đây. Việc nhập tết này xuất phát từ đề nghị của chính quyền chứ không phải từ phía người dân.
|
Nếu không có gì thay đổi, từ tết Kỷ Hợi năm 2019 trở đi, đồng bào dân tộc Mông thuộc 4 xã Lóng Luông, Vân Hồ (Sơn La) và Pà Cò, Hang Kia (Hòa Bình) sẽ chuyển sang ăn tết Nguyên đán như cả nước, bỏ tết cổ truyền riêng - Ảnh: Lê Bích |
Trước đó không lâu, đình Lương Xá (xã Liên Bạt, H.Ứng Hòa, TP.Hà Nội) - ngôi đình cổ có tuổi thọ 300 năm, có giá trị cao về mỹ thuật ở miền Bắc, thuộc Danh mục kiểm kê di tích của Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hà Nội - đã bị “đốn hạ” không thương tiếc, chỉ trong một ngày. Thật ngạc nhiên, hành động vi phạm Luật Di sản này lại được chính quyền lẫn người dân đồng thuận.
Hồi đầu năm 2018, một cây cầu dài hơn 500m, được xây dựng một cách ngang nhiên, đâm thẳng vào lõi di sản thế giới Tràng An, đi ngược cam kết của Việt Nam với UNESCO, nhưng các cơ quan ban ngành đều “không hay”, “không biết”.
Rất nhiều câu chuyện trước đó, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, ở nhiều loại hình di sản vật thể lẫn phi vật thể, được xếp hạng lẫn đang thuộc danh mục kiểm kê. Có vụ do báo chí khui ra, có vụ do người dân tố cáo, có vụ “trùng tu” đã hoàn tất thì các cấp chính quyền cao hơn mới biết.
Trong số đó, không ít vụ xuất phát từ nhận thức có hạn của những người đang làm công tác quản lý văn hóa ở địa phương. Để rồi, khi những vụ việc được đưa ra ánh sáng, truy cứu trách nhiệm đương sự, cũng là lúc những công trình, những di sản đã không thể nào về lại nguyên trạng.
Việc phân cấp quản lý di sản về địa phương là cần thiết, phù hợp tình hình thực tế; nhưng rõ ràng, cũng qua những câu chuyện thực tế gây bức xúc dư luận thời gian qua, có thể thấy, trong vấn đề quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa đang tồn tại nhiều chuyện cần giải quyết. Khi các cấp cao hơn không quản lý được thì phó mặc cho địa phương, mà trình độ hiểu biết của cán bộ cơ sở về văn hóa, di sản còn nhiều hạn chế thì việc “nhập” tết, phá đình, xây cầu xuyên lõi di sản… là khó tránh khỏi.
|
Sự kiện Bách niên y lễ, do Thiên Nam lịch đại hậu phi tổ chức nhận được sự hưởng ứng của đông đảo sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
|
Cuộc hoán đổi ngược
Khi việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản ở các địa phương bộc lộ nhiều hạn chế thì vài năm qua, sự ra đời và hoạt động của nhiều hội, nhóm cộng đồng trên mạng, một số đơn vị tư nhân lại đang phát huy tác dụng tích cực, lôi kéo được đông đảo các bạn trẻ tham gia.
Có thể kể ra những cái tên như Thiên Nam lịch đại hậu phi, Sử Talk, Cội Việt, Ỷ Vân Hiên, Đại Việt cổ phong, Chùa Việt, Đình làng Việt, Bà Đồng… Bằng những thông tin được đăng tải công khai cũng như các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề, các hội nhóm này trở thành những trung gian kết nối người trẻ vào những câu chuyện văn hóa - lịch sử. Thậm chí, có nhóm như Đài Quan sát di sản Sài Gòn còn đứng ra vận động, kêu gọi chữ ký cho chiến dịch “Bảo tồn một phần hay toàn phần Thương xá Tax Sài Gòn” cách đây mấy năm.
Khi Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM chưa có bản đồ di sản thì bằng các nguồn dữ liệu, nhóm này đã tập hợp để làm ra bản đồ di sản Sài Gòn. Thậm chí, có những giá trị được gọi tên và nhìn nhận đầy đủ xuất phát từ những cộng đồng trẻ này. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu từng chỉ ra: chính những người trẻ ấy đã “lôi ra” khái niệm “du lịch di sản đô thị’, chứ không phải những người hoạt động trong ngành du lịch hay văn hóa.
Những thành viên tham gia các cộng đồng văn hóa trẻ này xuất phát từ nhiều ngành nghề khác nhau, ở nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó chủ yếu là các bạn trẻ 8x, 9x có tình yêu với di sản văn hóa, lịch sử… của dân tộc. Họ tiếp nhận kho tàng văn hóa, di sản đó không phải dưới dạng “tráng men” hời hợt mà chủ động, sáng tạo, có chính kiến. Khi những hội thảo của ngành văn hóa, du lịch gây buồn ngủ, cũ mèm thì những buổi nói chuyện do các hội, nhóm này mở ra đã thu hút hàng trăm bạn trẻ tham dự, nhiều lúc khán phòng không còn chỗ.
|
Trang phục thời Lê do nhóm Đại Việt cổ phong phục dựng |
Không chỉ văn bản, họ mở ra nhiều hình thức khác nhau để “kể” những câu chuyện văn hóa: nói chuyện, thi viết, trình diễn trang phục, đồ họa, phim ảnh, mời diễn giả tham gia… Chẳng hạn như tối 29/12, nhóm Thiên Nam lịch đại hậu phi đã có một màn trình diễn thời trang cung đình thú vị, phỏng dựng sống động những trang phục và điển lễ cung đình của trăm năm trước, qua sự kiện Bách niên y lễ, với sự tham gia của nghệ nhân Vũ Kim Lộc, NSƯT Thành Lộc, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, nhiều diễn viên, stylist, cùng sự hưởng ứng của hàng ngàn sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM.
Thông qua những hoạt động tràn đầy cảm hứng và nhiệt huyết ấy, họ đã góp phần lan tỏa, truyền đi thông điệp về bảo vệ, phát huy giá trị di sản với cộng đồng của mình. Nhưng nói cho cùng, đây cũng chỉ là những nhóm cộng đồng được lập ra một cách tự phát, thiếu chính danh để hoạt động và hoạt động hiệu quả trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Chắc chắn những bạn trẻ ấy không thể ngăn chặn việc ai đó muốn phá bỏ một ngôi đình, biến di sản thành nhà hàng hay dẹp một cái tết. Vẫn cần một sự điều tiết mang tính vĩ mô của Nhà nước, của các cơ quan ban ngành, để câu chuyện di sản, văn hóa, lịch sử, là câu chuyện chung, chứ không phải chỉ là những nỗ lực nhỏ lẻ của các cộng đồng tình nguyện như hiện nay.
Anh Phan Khắc Huy, sáng lập nhóm Cội Việt: 'Ta chưa minh định vai trò của các bên trong vấn đề di sản'
* Phóng viên: Thời gian qua, trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, dường như đã có một sự “đổi ngôi” - từ những nhà quản lý sang những nhóm cộng đồng trẻ. Anh nghĩ sao?
- Phan Khắc Huy: Tôi nghĩ không phải có sự “đổi ngôi” mà do chúng ta minh định chưa rõ vai trò của các bên trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Các nhà quản lý nên đóng vai trò kiến tạo môi trường vĩ mô, nhất là làm rõ các khái niệm cũng như khung pháp lý trong các văn bản luật và dưới luật liên quan đến di sản.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng để các bên liên quan có thể cùng góp ý về di sản. Các cộng đồng như Cội Việt, Đài Quan sát di sản Sài Gòn… chỉ có thể đóng góp ý kiến, thực thi những ý tưởng cũng như quảng bá giá trị di sản để góp phần bảo vệ di sản chứ chưa đủ nguồn lực để tạo nên các biến chuyển lớn trong nhận thức của công chúng, đặc biệt là người trẻ, về di sản.
* Những hội/nhóm này đều là những hội/nhóm tự phát, thiếu chính danh để thực hiện những hoạt động mang tính cộng đồng lớn. Anh có thể chia sẻ một số khó khăn, hạn chế mà Cội Việt gặp phải trong quá trình hoạt động?
- Khó khăn của Cội Việt cũng như các nhóm khác đúng là ở tính “chính danh”, ở sự công nhận về “pháp nhân” của nhà quản lý. Chúng tôi chỉ có thể thực hiện được những hoạt động mà pháp luật hiện hành cho phép, trong một nhóm cộng đồng nhỏ; khó có tiếng nói mạnh mẽ trong những sự kiện về di sản.
Ngoài ra, việc phổ biến kiến thức về di sản, để làm rõ giá trị của di sản, mà chúng tôi lựa chọn để thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, vì có rất ít thông tin chính thống, đáng tin cậy, mang tính nghiên cứu, được giới chuyên môn công bố rộng rãi.
* Qua những hoạt động của nhóm mình, anh thấy sự hưởng ứng của cộng đồng, nhất là những người trẻ, đối với di sản, lịch sử, văn hóa ra sao?
- Tôi nhận thấy cộng đồng, nhất các bạn trẻ, thực sự có trăn trở và quan tâm đến di sản, văn hóa và lịch sử; nếu như được cung cấp đầy đủ kiến thức, thông tin liên quan. Tuy vậy, các bạn trẻ cũng rất dễ lệch hướng, xem việc hồi cổ như một trào lưu chứ không thực sự nghiêm túc trong việc gìn giữ di sản.
Để hạn chế sự “lệch pha” này, cần có những kế hoạch dài hơi, có sự chung tay của các nhà quản lý văn hóa, giáo dục, để không chỉ truyền lại kiến thức mà còn xây dựng ý thức cho cộng đồng trong việc gìn giữ và bảo vệ di sản.
|
Nhóm Cội Việt từng tổ chức Xướng khúc Nghênh Xuân- chương trình trình diễn và tìm hiểu âm nhạc truyền thống |
* Anh đánh giá sự tham dự của những người trẻ trong quá trình gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa - di sản - lịch sử ra sao?
- Người trẻ hẳn nhiên luôn có nhiệt huyết trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Bằng việc quan tâm đến di sản nhiều hơn, người trẻ đã gửi một thông điệp đến các thế hệ đi trước rằng: đừng quên truyền lại những thành tựu đã đạt được cho thế hệ kế tiếp.
Người trẻ cũng năng động và sáng tạo trong việc đề xuất cũng như thực thi những ý tưởng mới lạ, hấp dẫn về việc phát huy các giá trị di sản. Tôi thấy, trong những năm gần đây, đã có rất nhiều nhóm chọn việc giữ gìn, giới thiệu lại và phát huy những di sản phi vật thể như phim, ảnh, âm nhạc… thay vì chỉ tập trung vào các di sản vật thể. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng.
* Xin cảm ơn anh.
Du Nguyên (thực hiện)
|
Cốc Vũ