Trở thành "tội đồ" vì trót ở xa khi chồng mắc COVID-19

01/09/2021 - 19:50

PNO - Mẹ chồng đã tuyên bố từ mặt em vì “có chồng mà không theo chồng”, lúc chồng mắc COVID-19 thì bỏ về nhà mẹ ruột.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Mẹ con em về quê trốn dịch, chồng em ở lại thành phố và chẳng may mắc COVID-19 trong quá trình làm việc, thành ra vợ một nơi, chồng một nơi. Em sống trong những ngày khổ tâm chưa từng có, vừa lo cho anh, vừa bị những tin tức xấu về các ca tử vong tra tấn tinh thần, cứ nghĩ anh một mình trong căn nhà đó, lỡ chẳng may có chuyện gì chắc em ân hận cả đời.

Việc người thân không được ở gần nhau khi mắc bệnh đang là bối cảnh chung trên toàn thế giới, khi điều đang được ưu tiên cao nhất là sự an toàn cho mọi người... - Hình minh hoạ
Việc người thân không được ở gần nhau khi mắc bệnh đang là bối cảnh chung trên toàn thế giới, khi điều đang được ưu tiên cao nhất là sự an toàn cho mọi người... - Hình minh hoạ

Nhưng khủng khiếp hơn là mới đây, sau 7 ngày em cùng chồng chiến đấu từ xa, em mới biết phía nhà chồng em đang lên án em dữ dội. Mẹ chồng đã tuyên bố từ mặt em vì “có chồng mà không theo chồng”, lúc ngặt nghèo nhất thì bỏ về nhà mẹ ruột.

Em gái chồng cố tình nhắn tin cho em để hỏi thăm chồng em, cô ấy hỏi từ chân tơ kẽ tóc, để lỡ có gì đó em không rành, cô ấy liền kết tội em “làm vợ mà cái gì cũng không biết”. Em áp lực và sợ hãi vô cùng. Bây giờ tình hình chồng em vẫn chưa khá lên, triệu chứng anh không đến mức quá nặng, nhưng sau 7 ngày vẫn không bớt bệnh làm em rất lo và áp lực. Thêm chuyện bên nhà chồng, em lắm lúc rơi vào khủng hoảng. Đã có nhiều đêm em ngủ chừng 1 tiếng, tỉnh dậy nghĩ đến thực tế của mình và lại thức trắng đến sáng mai.

Cuộc sống hiện tại bộn bề quá, dưới quê em cũng đang khó khăn nhiều vì dịch bệnh, hai con nhỏ em vẫn phải chăm, em sợ sẽ không gượng nổi nữa. Rất mong được chị Hạnh Dung chia sẻ cùng em…

Vi Nguyễn (Long An)

Vi mến,

Hạnh Dung hiểu mọi cảm xúc, nỗi buồn tủi và bế tắc của em. Em cũng có thể đón nhận từng cảm xúc đó, hiểu nó, trân trọng nó chứ không cần phải cố gắng bác bỏ nó. Nhưng, không nên để nó chi phối cuộc đời em lúc này. Hãy tập trung vào lý trí và vận dụng mọi sức mạnh tinh thần để làm chủ tình hình. Hãy đặt câu hỏi: “đâu là những thứ ta cần vượt qua?”, thay vì “đâu là những áp lực đang đè ta xuống?”.

Câu trả lời vẫn sẽ là: sức khoẻ và tinh thần của bản thân, của chồng, của con, và ít quan trọng hơn một chút là thái độ của nhà chồng. Với từng vấn đề đó, lại có một cách giải quyết mà Hạnh Dung tin là em đã biết và vẫn đang làm mỗi ngày. Chỉ có điều em làm trong sự nặng nề, hoang mang và có phần bản năng nên khi đêm xuống, những bế tắc mơ hồ vẫn phủ xuống và làm em suy giảm sức khoẻ tinh thần đi rất nhiều.

Vậy thì bây giờ, để tránh hao hụt năng lượng vào những việc không cần thiết, hãy chỉ tập trung vào mục tiêu của mình. Với chồng, em giữ kết nối, hỗ trợ bằng mọi cách, liên hệ sẵn với những nguồn lực y tế để phòng khi cần kíp là gọi ngay để họ đến hỗ trợ.

Với con cái, em có thể liệt kê những việc cần làm và lên lịch cho từng việc, khi vào việc là phải chủ động chế ngự cảm xúc để tập trung hết mức. Có thể thời gian dành cho con đang phải giảm xuống, em phải nhờ người thân trông coi giúp, nhưng với những khung giờ đã hoạch định, em hãy chú tâm để con vẫn có những trải nghiệm chất lượng với mẹ. Tránh để bọn trẻ chịu thêm những thiếu hụt khi gia đình có biến cố, và cũng để chính em được tái tạo năng lượng khi ở bên con.

Với nhà chồng, thời điểm này họ cũng đang quá lo lắng nên có xu hướng đổ lỗi cho một ai đó để “giải toả”. Em không phán xét họ nhưng cũng không nên để họ làm tinh thần mình thêm hao hụt. Trong thời gian này, em có thể chủ động nhắn tin cập nhật về tình hình của chồng mỗi ngày để giúp mọi người đỡ lo, và tránh giao tiếp sâu hơn để tránh cơ hội làm tổn thương nhau. Em hãy chủ động xin phép ba mẹ chồng để em được tập trung lo cho chồng, mọi thông tin cần thiết em sẽ cập nhật, còn những vấn đề khác sẽ trao đổi khi chồng đã ổn. Khi mọi chuyện đã qua, mọi người cũng sẽ tỉnh táo hơn, khách quan hơn để nhìn nhận mọi thứ.

Lá thư của em không có câu hỏi, chắc em cần nhiều nhất bây giờ là một sự lắng nghe và giải toả. Hạnh Dung xin chia sẻ với cảnh ngộ của em bây giờ. Em đang rơi vào stress vì cùng lúc phải gánh chịu quá nhiều áp lực. Đây chính là lúc phải dùng đến ý chí, em ạ. Căn bệnh COVID-19 mà chồng em đang mắc phải cũng đòi hỏi một liều thuốc quan trọng nhất là ý chí. Vậy nên em hãy dồn toàn bộ sự tập trung vào ý chí của mình, thực hiện mọi điều cần làm bằng lý trí mạnh mẽ nhất.

Trên báo Phụ Nữ có một nữ tác giả đồng cảnh ngộ với em đã chia sẻ bài viết có tựa đề Từ xa, vợ giành lại chồng từ tay Cô Vy. Em hãy tìm đọc những thông tin như thế để lấy kinh nghiệm và tăng sức mạnh tinh thần cho mình, em nhé!

Chúc em sớm vượt qua thách thức này!

Hạnh Dung

 

MỜI BẠN CHIA SẺ TÂM TƯ CÙNG CHỊ HẠNH DUNG

 

Việc ở nhà toàn thời gian mùa dịch khiến chúng ta va chạm với các thành viên gia đình nhiều hơn, đồng thời cũng có động lực hơn trong gắn kết tình cảm, hoá giải gút mắc các mối quan hệ...

 

Chị Hạnh Dung - người đã lắng nghe tâm tư bao thế hệ bạn đọc của Báo Phụ Nữ TPHCM đang sẵn sàng 24/7 để nghe những chia sẻ, băn khoăn và hỗ trợ bạn gỡ rối.

 

Mời bạn gõ câu hỏi trực tiếp trong cửa sổ Chat với Hạnh Dung bên cạnh các bài viết của chuyên mục Chat với Hạnh Dung trên trang phunuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

 

 

 

 

 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI