Tro tàn quá khứ ở tự truyện của người nổi tiếng

09/03/2018 - 15:20

PNO - Người ta nói 'trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ', đó là điều mà những người kể và chấp bút tự truyện cần đối mặt, nhất là khi trong câu chuyện của họ chứa những tàn tro chưa hết nguội lạnh.

Sau vài tháng loan báo, cuối cùng tự truyện của ca sĩ - diễn viên Hoàng Thùy Linh ra mắt với tên gọi .

Đây không hẳn là cái tên hay, vì nó quá dễ đoán nội dung và dễ bị quy kết là bám vào quá khứ để “PR bản thân”. Hơn thế, khi có nhiều người coi mình là “Phượng Hoàng” (như ca sĩ Thu Minh từng có dự án âm nhạc “Phượng hoàng lửa”) thì chữ ấy dễ bị gắn mác “tự phụ”, thay vì được hiểu theo ý của chủ nhân là thể hiện ước mơ, khát khao vươn lên. Nhưng nếu gạt qua tên sách, những gì trải ra và còn đọng lại đằng sau cuốn sách đó mới quan trọng. 

Tro tan qua khu o tu truyen cua nguoi noi tieng

Hoàng Thùy Linh ký tên cho tự truyện mới ra mắt - Ảnh: Bùi Dũng

Khi người nổi tiếng ra tự truyện có nghĩa họ đã thực hiện một tác phẩm thành văn khắc họa cuộc đời mình. Công chúng là đối tượng có sự tác động gián tiếp từ cuốn truyện đó; chính người kể mới hằng ngày hằng giờ, trong suốt đời mình, đối diện với từng câu chữ đã in, chịu trách nhiệm về chúng. Không như những thể loại khác, đã gọi là tự truyện thì đi liền đó là đòi hỏi tuyệt đối về sự trung thực, dù những gì chọn công bố chỉ là lát cắt.

Với Hoàng Thùy Linh, cô cho rằng, mình đã kể sự thật với nhu cầu “buông bỏ để bước tiếp”. Nhà báo Trần Minh cho rằng, để kể sự thật trong tự truyện có nghĩa Hoàng Thùy Linh đã đủ sức “đạp đổ bức tường quá khứ đau thương để đứng dậy”. Còn nữ ca sĩ - diễn viên sinh năm 1988 nói, cô chỉ vượt qua bức tường dựng lên trong lòng mình để được sống thật, trở thành người có ích, thể hiện lòng biết ơn đến những ai đã tạo nên con người mình hôm nay. 

Với Vàng Anh và Phượng Hoàng, Hoàng Thùy Linh không chỉ cho thấy những khoảnh khắc sụp đổ, về quãng đời “Vàng Anh giãy chết” nơi đống tro tàn quá khứ, đồng thời nhấn mạnh vào từng bước gượng dậy, tiếp tục sống. Cá nhân người kể và người ghi lại còn muốn hướng đến những người đã, đang hoặc có thể gặp nghịch cảnh. “Tôi không đơn thuần chỉ kể lại cuộc đời mình, mà còn để chia sẻ với những ai đang đối mặt với biến cố giống như cách tôi đã chịu đựng, đặc biệt là các bạn nữ”, Hoàng Thùy Linh nói. Với một số người, bức tranh thu nhỏ về showbiz Việt cũng được lột tả trong cuốn sách này. 

Tro tan qua khu o tu truyen cua nguoi noi tieng
Tự truyện của Mike Tyson cũng do nhà báo Trần Minh dịch

Từ kinh nghiệm dịch hai cuốn tự truyện về ngôi sao thể thao và chấp bút cho Hoàng Thùy Linh, nhà báo Trần Minh cho rằng, tự truyện không phải tập hợp những bài báo đã đăng, những gương mặt, tính cách mà báo chí đã biết mà phải đưa ra được mặt tối, khó khăn, uất ức, yếu đuối và cả những sai lầm. 

“Trên thế giới, các nhân vật cũng không kể hết mọi sai lầm, mặt tối của mình. Ngay cả Mike Tyson. Độc giả đừng đòi hỏi đọc một cuốn tự truyện mà biết hết mọi thứ về con người nhân vật. Nhưng điều quan trọng là qua cuốn tự truyện đó, chúng ta nhận được điều gì. Nếu đọc xong, chúng ta rút ra được bài học, thấy đồng cảm, sẻ chia, thì đó là một cuốn tự truyện hay”, anh trả lời phỏng vấn. 

Nếu tổng kết những cuốn sách bị phản ứng nhiều nhất thì chắc đó là sách thuộc thể loại hồi ký, tự truyện. Trên thế giới có nhiều cuốn tự truyện của người nổi tiếng bị đem ra mổ xẻ. Ví dụ, cuốn Thành Long, chưa lớn đã già của ngôi sao phim hành động với người chấp bút là Chu Mục (bạn thân của Thành Long) bị con gái nuôi ghẻ lạnh và anh trai của Đặng Lệ Quân phản đối vì kể chuyện tình quá khứ.

Riêng ở Việt Nam, danh mục sách tự truyện ngày càng dày và cũng không ít cuốn vấp phải chỉ trích. Một dạo, cuốn Lê Vân yêu và sống bị chính người trong gia đình của nghệ sĩ múa kiêm diễn viên điện ảnh một thời quay lưng.

Tro tan qua khu o tu truyen cua nguoi noi tieng
Cuốn tự truyện từng gây rất nhiều ồn ào: Lê Vân - Yêu và sống

Như thế, khi những đống tro tàn được khơi lên thì thời gian chính là “mồi lửa” soi rọi cho chúng. Một cuốn sách kể chuyện bản thân chỉ có thể được coi là tác phẩm nếu nó chứa đựng những lời cảm ơn - xin lỗi song hành, thôi thúc tinh thần “sống để kể lại”; còn không đó chỉ là một sản phẩm thương mại dùng “thủ pháp nghệ thuật” đánh bóng cho sự thật. 

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI