Trò pickleball tuổi thơ

28/10/2024 - 18:10

PNO - Nào có ai ngờ được cái món đánh vợt tuổi thơ của bọn gã lại có ngày được chơi rộng rãi như thế này.

Bé Phạm Trần Minh Đức trong giải pickleball Báo Phụ nữ 2024 - Ảnh: Huyền - Phương
Bé Phạm Trần Minh Đức trong giải pickleball Báo Phụ nữ 2024 - Ảnh: Huyền - Phương

Chiều đi ngang sân vận động, thấy nhiều nam thanh nữ tú mặc đồ đẹp đang hăm hở tiến lui, cố gắng đánh trái bóng tròn có lỗ qua lưới. Hơi lạ lạ, gã mon men lại hỏi thăm mới hay đó là môn thể thao mới, gọi là pickleball, đang rất hot. Và rồi sau một lúc chú ý quan sát cách chơi thì gã bật cười: môn này gã chơi rồi, từ một thời xa lắm.

Ngày ấy, đám trẻ con quê gã làm gì có đồ chơi. Ở cái xứ miền Trung “chó ăn đá gà ăn sỏi” ấy, đến cơm còn không đủ ăn, phải thường xuyên độn khoai mì thì chuyện được ba mẹ mua đồ chơi quả thật là cái gì đó không tưởng. Kể cả chúng có mơ tưởng đi nữa thì cha mẹ cũng làm gì có tiền mà mua đồ chơi cho con.

Dù vậy, sự sáng tạo của trẻ con là vô hạn. Bạn cứ đưa cho đứa trẻ bất cứ thứ gì - một mảnh giấy, khúc cây, sợi dây thun… trẻ sẽ nhanh chóng biến thứ ấy thành đồ chơi và nghĩ ra vô số kiểu chơi.

Pickleball hiện là môn thể thao thu hút đông đảo người tham gia - ẢNH: PHÙNG HUY
Pickleball hiện là môn thể thao thu hút đông đảo người tham gia - Ảnh: Phùng Huy

Chẳng hạn như món pickleball này, bọn nhóc quê gã đương nhiên không có vợt cầu lông, vợt bóng bàn nên đã nghĩ ra cách lụm mo cau làm vợt. Đứa nào tỉ mỉ hơn chút thì mang mo cau cắt thành hình chiếc vợt, như chiếc quạt mo, trông cho đẹp. Bóng là một cái hạt gì đó, thường là hạt mít hoặc hạt cây bàm bàm - vừa đủ nhẹ nhưng cũng vừa đủ nặng mà không gây nguy hiểm quá nếu lỡ trúng vô đầu.

Sân chơi, lưới cũng không theo quy chuẩn nào cả. Trẻ lớn hoặc đánh đôi, đánh ba thì vẽ cái sân rộng một chút. Trẻ nhỏ thì vẽ cái sân nhỏ hơn rồi giăng sợi dây qua làm lưới là xong. Cả đám con nít chia đội, chia cặp, đánh “thua ra” (ai thua sẽ phải ra ngoài đứng chờ, xem người khác chơi, cho đến khi có người lại thua và đến lượt mình chơi tiếp).

Có những bạn chơi giỏi lắm, đánh mãi không thua. Mà nếu vậy thì lại thành… bất công, vì thắng hoài thì còn gì vui nữa nên bọn trẻ nghĩ ra cách chấp. Người chơi giỏi sẽ chấp 2 người chơi dở hoặc chỉ được đánh bằng 1 tay, phải đánh trên phần sân được vẽ rộng hơn. Đôi khi “bóng” chạm dây hoặc chạm đường kẻ biên là thể nào cũng sinh cãi vã, đứa kêu vẫn còn bên trong, đứa quả quyết đã ra ngoài; đứa bảo vẫn trên dây, đứa kêu dưới dây rồi cả đám con nít cùng làm trọng tài phân xử; ồn ã cả những buổi trưa hè.

Ngày xa xôi đó, chẳng đứa trẻ nào biết pickleball, chỉ gọi là chơi đánh vợt, đánh cầu và cứ thế trò đánh vợt sẽ xoay tua trong vô số trò chơi con trẻ. Hôm nào chán bịt mắt bắt dê thì chuyển qua ô ăn quan, chán ô ăn quan thì lại vòng về đồ hàng, chơi nhà chòi, rồi lại đánh vợt… Cứ thế, tuổi thơ của bọn nhóc nhà quê là những ngày tháng bên nhau rộn rã tiếng cười. Từ những trò chơi ấy, bọn nhóc học được cách phối hợp, cách nhường nhịn nhau, cách tôn trọng sự công bằng và cứ thế lớn lên.

Nhiều đứa trẻ ngày ấy đã rời xa quê. Cũng có những đứa ở lại, thành vợ thành chồng và mỗi khi có dịp gặp nhau là lại tha hồ nhắc chuyện xưa. Ê mày nhớ thằng Tiến không? Cái thằng mà hồi đó chơi đánh vợt giỏi nhất đám mình đó. Nghe nói lên thành phố đi học sư phạm thể thao rồi giờ thành huấn luyện viên tennis, chiều chiều đeo vợt sau lưng ra sân, ngầu lắm.

Ký ức gã dội lên hình ảnh thằng bạn cao nhòng, đen nhẻm hồi đó luôn là đối thủ khó nhằn của gã trong trò đánh vợt. Vì bạn cao hơn nên mấy cú đập của bạn luôn khiến gã phải hụt hơi xoay trở và trước sức tấn công như vũ bão ấy của bạn, gã phải dùng chiêu “bỏ nhỏ” sát lưới mới cầm cự nổi.

Có một chiều muộn, bạn từng nói với gã: “Tao mơ mai này lớn sẽ đi học thể thao, dạy tụi nhỏ chơi đánh vợt”. Nào có ai ngờ được cái món đánh vợt tuổi thơ của bọn gã lại có ngày được chơi rộng rãi như thế này. Thốt nhiên gã nghĩ, biết đâu trong số nam thanh nữ tú đang chơi pickleball kia, có học viên của bạn.

Biết đâu!

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI