Trò nối tiếp thầy đi trao con chữ

06/06/2022 - 06:34

PNO - Ngày 4/6, vợ chồng nhà giáo Nguyễn Tất Hữu - Võ Thị Bích Vân, Trung tâm Học tập cộng đồng P.15, Q.Tân Bình, TPHCM đón xe cùng đoàn thiện nguyện thẳng tiến về Trường tiểu học Tân Bình (H.Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), mang ngày Quốc tế thiếu nhi, dù muộn, đến với học sinh của trường. Nơi đây, người học trò lớp xóa mù ngày xưa của họ đang là cô giáo.

Cho con chữ và dẫn lối vào đời 

Điểm trường (cơ sở 3) mà đoàn tới chỉ cách biên giới Campuchia vỏn vẹn 7km, có năm khối lớp với chưa tới 90 học sinh, lớp học đông nhất 18 em, các lớp còn lại trên mười em. Học trò ở cơ sở 2 của trường cũng khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Thế là ý tưởng mang ngày Quốc tế thiếu nhi dù muộn lên vùng biên cho tất cả 168 đứa trẻ ở hai điểm trường nằm sát biên giới cứ vậy mà thành hiện thực. 

Ngày cô giáo Nguyễn Thị Ngọc (bìa phải) vào nhà mới, quà tặng của cô Võ Thị Bích Vân (bìa trái) ngoài những đồ gia dụng còn có một thùng sách để làm tủ sách cho học trò
Ngày cô giáo Nguyễn Thị Ngọc (bìa phải) vào nhà mới, quà tặng của cô Võ Thị Bích Vân (bìa trái) ngoài những đồ gia dụng còn có một thùng sách để làm tủ sách cho học trò - Ảnh: Diễm Chi

Nhìn lũ học trò lần lượt đi về trong nụ cười tươi rói, cô giáo chủ nhiệm lớp 1 - Nguyễn Thị Ngọc cảm động, ôm chầm lấy cô Vân: “Cô ơi, con cảm ơn thầy cô nhiều lắm!”.

Vui lây với tình cảm cô trò thân thiết, thầy Hà Hiếu Minh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Bình, nói: “Nếu không có cô Ngọc chắc học trò chúng tôi không có ngày vui hôm nay”. Quả thật, với Trường tiểu học Tân Bình, mấy năm qua cô Ngọc như người bắc cầu mời gọi nhà hảo tâm, thiện nguyện trợ giúp nhà trường tổ chức rất nhiều chương trình ý nghĩa. Nhưng ít ai biết được, cô Ngọc làm được điều ấy bởi có sự hậu thuẫn của các thầy cô từng xóa mù chữ cho mình từ năm chín tuổi. “Mà không phải xóa mù thôi đâu, thầy cô như người sinh ra chị em chúng tôi thêm lần nữa”, cô Ngọc tâm sự.

Năm 1994, sau khi mỏi mắt tìm chồng khắp nơi trên đất bạn Campuchia mà không tìm ra tung tích, bà Lê Thị Xuyến, mẹ của Ngọc, đã dắt díu bốn đứa con về quê hương ở H.Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Cuộc sống khó nhọc, mẹ con bà phải thay nhau bám trụ ở khu vực bến xe Tây Ninh kiếm sống qua ngày bằng nghề bán mắt kính, áo mưa dạo... Suốt ngày chật vật lo kiếm miếng ăn, bà đành nhìn các con đang tuổi lớn mà không được đến trường. Sau đó, may mắn bà tìm được một lớp tình thương nên đưa hết bốn đứa con vào học. Ngọc là con đầu, lúc đó chín tuổi, đứa nhỏ nhất mới lên bốn. Rồi cơ duyên, người ta giới thiệu tới lớp cô Vân, thầy Hữu.

Biết mấy đứa trẻ không khai sinh, bà không hộ khẩu, thầy cô đã chạy khắp nơi làm giấy tờ tùy thân cho những đứa trẻ, rồi vừa dạy, vừa bảo ban, động viên chúng học. Đã vậy, thầy cô còn kiếm gạo, mì, nhu yếu phẩm chia sẻ cho mấy mẹ con, giúp họ qua những cơn ngặt nghèo. 

Nối tiếp những yêu thương

Bà Xuyến kể: “Cứ vậy, nhờ lớp học tình thương của thầy cô mà bốn đứa trẻ đều được hòa nhập cộng đồng người biết chữ, còn tôi yên tâm lo làm lụng, mới nuôi được các con khôn lớn. Giờ Ngọc làm giáo viên, em gái làm kế toán, em trai làm kỹ thuật viên bảo trì điện và em út hiện công tác trong ngành công an. Thầy cô đâu chỉ cho bọn trẻ con chữ mà còn cưu mang cả cuộc đời của chúng”.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Ngọc phải đi làm công nhân để giúp mẹ nuôi các em. Ngay lúc Ngọc đang lưỡng lự chọn nghề, thì lời động viên của cô Vân qua điện thoại “con thi sư phạm thử xem…” đã làm Ngọc “tỉnh lại” và quyết tâm thử sức. Ba năm sau, Ngọc về vùng biên giới này, cùng học trò nghèo mày mò đi tìm con chữ.

Càng làm, cô giáo trẻ càng yêu nghề. Cô lập gia đình với một thầy giáo cấp II cùng tỉnh. Cuộc sống khó khăn khi hai con nhỏ lần lượt ra đời vẫn không làm cô Ngọc chùn bước. Cô Ngọc kể: “Mỗi lần gặp chuyện không vui, tôi nghĩ ngay về cô Vân, thầy Hữu để tự động viên mình hãy cố lên. Tôi đi dạy còn có lương, chứ thầy cô đi dạy những năm tháng đó chẳng có đồng nào. Cứ vậy mà tôi bám trụ được với nghề”. Cách đây ba năm, cô Ngọc thi và đạt giải nhì cuộc thi viết chữ đẹp của ngành giáo dục H.Tân Biên. 

Nhắc chuyện ngày gặp lại thầy cô, cô Ngọc cười bẽn lẽn: “Sau khi lấy chồng, sinh con và được cậu cho miếng đất cất nhà riêng, tôi mừng quá gọi báo tin cho thầy cô. Nào ngờ thầy cô lên, thấy nhà tôi rồi buồn hiu. Nhà vách tranh bốn phía, bàn tiếp khách không đủ ghế ngồi, cái vạt gỗ vừa làm chỗ ngủ, vừa làm chỗ ăn cơm. Sau lần đó, thầy cô lên Tân Biên này nhiều hơn, nói là nhờ tôi kết nối chăm lo cho trẻ em nghèo, nhưng thật sự tôi biết thầy cô canh cánh chuyện nhà cửa của tôi”. Năm 2021, Tân Biên chịu những trận giông lốc kinh hoàng, mái nhà tranh đơn sơ của cô giáo Ngọc bị gió cuốn chỏng chơ. 

Hay tin, thầy Hữu, cô Vân mất ăn mất ngủ. Và rồi, thầy cô kêu gọi nhà hảo tâm được 70 triệu đồng; bạn bè, gia đình cho vay mượn 70 triệu đồng nữa, ngày 21/5 vừa qua, căn nhà đầy ắp tình người của cô giáo Ngọc đã hoàn thành. Cô Vân và nhóm thiện nguyên lên tổ chức bàn giao, chung vui cùng học trò cũ, để rồi khi nghe chuyện những đứa trẻ miền biên đang buồn hiu hắt vì phải kéo dài năm học do dịch bệnh, thầy cô lại lần nữa không yên. Cứ vậy, họ lại theo học trò, hành trình về biên giới… 

Diễm Chi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI