Trợ lực cho phim ảnh

05/08/2018 - 12:30

PNO - Sự kiện ra mắt Quỹ đầu tư giải trí Việt Nam (VEF) tuần qua đã làm nức lòng những người làm phim Việt.

Quỹ do năm nhà đầu tư: Yeah1CMG, R&D Capital Group, Surfing Holdings, MBC Studio và Green International cùng góp vốn, nhằm đảm bảo tài chính cho các nhà sản xuất phim tại Việt Nam.

Tất nhiên, vì là một quỹ đầu tư, VEF sẽ ưu tiên cho những dự án phim điện ảnh có xác suất sinh lợi cao.

Tro luc cho phim anh
Trường học bá vương - bộ phim đầu tiên được VEF đầu tư - công chiếu vào ngày 3/8

Cụ thể, VEF sẽ hỗ trợ vốn cho các đơn vị sản xuất, tư vấn về chiến lược truyền thông, tiếp thị, đồng thời phát triển kênh quảng cáo tại hệ thống các rạp chiếu phim bên cạnh mục tiêu sở hữu cụm rạp mới trên thị trường.

Hoạt động theo mô hình công ty holding (chỉ nắm cổ phần đầu tư của công ty khác mà không hoạt động sản xuất hay kinh doanh trực tiếp), VEF có giá trị vốn hóa lên đến 50 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, quỹ sẽ đầu tư vào 30 dự án điện ảnh hạng A, 20 dự án hạng B; mua bản quyền tất cả các phim đã phát hành giai đoạn 2013-2017; đến năm 2020 sẽ sở hữu cụm rạp mới và đến năm 2022 sẽ liên kết quảng cáo tại 40 cụm rạp trên toàn quốc.

Sự xuất hiện của VEF đã giúp thị trường điện ảnh nước nhà thêm sôi động. Dự báo sang năm sau, nguồn phim Việt ra rạp sẽ đầy ắp khi VEF cho biết đã góp vốn vào nhiều dự án như Trường học bá vương, Tiểu thư đi bụi, Game show tử thần, Thiên linh cái, Thánh nữ (2018), Táo quậy phiêu lưu ký, Yêu bất chấp, Mùa tử đằng yêu em, Những chàng trai xấu tính, Những đứa con từ trên trời rơi xuống, Hoa lê ki ma thép, Ngôi sao may mắn, Trái tim quái vậtThang máy tử thần (2019).

Từ hai năm nay, dòng phim nhà nước đã mất tích hẳn ở các rạp, nhường chỗ cho dòng phim thương mại giải trí của tư nhân. Nay, với sự ra đời của VEF, sự thống trị, độc tôn của dòng phim giải trí sẽ còn tăng cao (vì VEF đã xác định chỉ đầu tư vào những tác phẩm sinh lợi cao, mà ở Việt Nam, phim nghệ thuật không trụ nổi khi ra rạp) dẫn đến nỗi lo mất cân bằng phim Việt.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, nguồn tiền của VEF biết đâu sẽ khiến các nhà làm phim hào hứng mà nâng cao sức sáng tạo, vì suy cho cùng, được định danh là phim nghệ thuật hay thuần giải trí cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu phim làm ra không có người xem.

Hơn nữa, trong lúc Nhà nước còn loay hoay chưa lập được quỹ hỗ trợ, phát triển điện ảnh để sản xuất những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, cùng những hoạt động khác để phát triển điện ảnh thì chí ít người làm phim cũng đã có một nơi để tìm đến.

Một khi số lượng phim tăng lên, tự khắc tay nghề chuyên môn cũng sẽ ít nhiều cải thiện và khi phim có xác suất sinh lợi cao thì người làm phim sẽ có cơ hội tích lũy vốn liếng để đầu tư cho những dự án nghệ thuật hơn, chất lượng hơn. 

Nguyễn Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI