Trò lố lưu danh hậu thế

05/11/2018 - 17:26

PNO - Trên khắp dải đất này, gần như chẳng còn nơi nào mà những con người “văn minh”, “hiện đại”, “tràn đầy yêu thương” không khắc, viết tình yêu của mình hoặc lưu dấu tên mình, để thể hiện sự kệch cỡm và hoang dã.

Chỉ một chữ “Hào”, hình vẽ ngôi sao và trái tim trên bệ đá ở vị trí cao nhất của tòa thành cổ Yonago (tỉnh Tottori, Nhật Bản), xây dựng từ thế kỷ thứ XVI, đã giúp dân Việt thêm một lần lan tiếng xấu ở Nhật, bên cạnh chuyện ăn cắp vặt ở siêu thị đã nổi đình đám trước đó.

Tro lo luu danh hau the
Chữ "Hào" viết bậy lên bệ đá hơn 500 tuổi của Nhật Bản

Không phải đợi đến khi các tờ báo ở Nhật đưa tin, chúng ta mới biết về trò vẽ bậy kiểu này. Tình trạng này đã diễn ra hàng chục năm qua, ở khắp các khu di tích, danh lam, thắng cảnh tại Việt Nam, như một bệnh dịch bất trị, khiến biết bao người phiền lòng.

Trong các nhà tù ở Côn Đảo, nơi nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, ngược đãi vì sự nghiệp tranh đấu cho tự do, độc lập của dân tộc, dễ dàng nhìn thấy trên vách tường những cái tên - nhiều đến không nhớ nổi. Trang, Kiên, Hoàng, Nhung, Tuấn... cùng những hình vẽ trái tim lồng vào nhau, những lời hẹn ước “mãi mãi yêu”.

Lên tận đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương, ở độ cao 3.143m, cũng sẽ gặp những cái tên khắc lên những khung gỗ bảo vệ an toàn cho du khách. Qua Yên Bái, đến thăm đồn Nghĩa Lộ - nơi rất nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong cuộc chiến tấn công đồn, sẽ nhìn thấy những cái tên khắc trên thân các cây sứ che bóng mát cho mộ phần các chiến sĩ. Trong Thành nội - Huế, nơi ở của các vị vua cũng bị xâm phạm theo cách tương tự.

Trên khắp dải đất này, gần như chẳng còn nơi nào mà những con người “văn minh”, “hiện đại”, “tràn đầy yêu thương” không khắc, viết tình yêu của mình hoặc lưu dấu tên mình, để thể hiện sự kệch cỡm và hoang dã.

Những khu di tích nằm đó, oằn mình trước gió bụi thời gian, lưu lại cho hậu thế những câu chuyện hào hùng của dân tộc, đồng thời giữ lại cho đời sau chứng tích về sự mông muội của một bộ phận không nhỏ những đứa con của dân tộc.

Tro lo luu danh hau the
Những kẻ kém ý thức viết, ký tên lên cột mốc trên đỉnh Fansipan.

Tôi đã đứng bên bức tường gạch cũ ở thành cổ Quảng Trị - nơi thấm máu của không biết bao nhiêu anh hùng, nhìn dòng chữ “Khải yêu Thủy” nguệch ngoạc khắc ở đấy, tự hỏi không biết vào khoảnh khắc chàng Khải nào đó vung tay lưu dấu tình yêu, đã nghĩ gì. Hay chỉ đơn giản là đang muốn thể hiện cho cô gái thấy sự quyết liệt của mình trong tình yêu?

Có lẽ họ không biết hay chính xác hơn, họ chẳng màng tới. Buồn cho di tích và buồn cho cả một chuyện tình.

Hôm nay, trò lố ấy vượt khỏi biên giới Việt Nam, đến tận một di tích tuổi đời hơn 500 năm của nước bạn. Không, Hào không đơn thuần là một cái tên của một người. Nó đại diện cho rất nhiều cái tên khác của những gã trẻ trâu (dù tuổi đời có thể đã lớn) tay luôn nhanh hơn não và ý thức kém cỏi của biết bao người.

Xin đừng bi phẫn với Hào. Đừng thấy bị xúc phạm khi báo Nhật lên tiếng, bởi sự xấu xí của một số người Việt, thế giới đã biết rồi - từ chuyện chúng ta xông vào trang cá nhân của hoa hậu Philippines để chửi rủa cô ấy, chuyện chúng ta xả rác, đến chuyện trộm cắp trong siêu thị...

Những chuyện ấy đang xảy ra ở đây, từng ngày được nuôi dưỡng bằng sự thờ ơ của nhiều người, bị bỏ quên trong cách chúng ta dạy dỗ thế hệ tương lai. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân rằng liệu có bao giờ mình làm những điều xấu xí ấy hay góp phần vào đấy.

Nếu không thể xử lý câu chuyện từ gốc rễ, chúng ta sẽ còn phải muối mặt nhiều lần nữa với thế giới mai sau.

Phạm Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI