Trở lại với cuộc sống sau tự tử bất thành

20/02/2025 - 06:10

PNO - Làm thế nào để trở lại cuộc sống sau khi cố gắng tự tử là điều các nhà tâm lý và chuyên gia y khoa các nước nỗ lực giải đáp.

Makoto Sakamoto đã treo cổ tự tử bất thành cách đây 10 năm. Là một thợ cắt tóc 46 tuổi, tiệm cắt tóc của anh ế ẩm, vợ anh không chung thủy. Một đêm nọ, anh trở về nhà trong tình trạng “kiệt sức” và đã hành động dại dột. May mắn là anh được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên anh và vợ ngày càng xa cách. Họ ly hôn. 2 đứa con đi theo con đường của riêng chúng. Sakamoto chuyển đến căn hộ 1 phòng buồn tẻ. Anh vẫn làm nghề cắt tóc. “Tôi sống nhưng sống chỉ để chết, dù thi thoảng tôi cũng thấy cuộc sống nhiệm màu. Nhưng cả 2 thứ ấy cứ dằn vặt tôi” - anh tâm sự.

Kasumi Yamagawa hiện nay 21 tuổi, vẫn không quên năm 17 tuổi, cô đã lao khỏi cửa sổ căn hộ tầng 6 của gia đình. Cô được cứu nhưng phải sống với nỗi ám ảnh về người cha nghiện rượu đã đánh đập và cưỡng hiếp cô. “Tôi chỉ muốn chết, nhưng thậm chí không thể chết được”. 2 năm sau, ở tuổi 19, cô nghe nói về một người nổi tiếng Hàn Quốc đã chết vì ngộ độc khí CO và một lần nữa cô thử. May mắn, cô được cứu. Sau đó, Kasumi đã phải điều trị tâm thần.

Người từng tìm cách tự tử cần được hỗ trợ vượt qua các khó khăn về cảm xúc, thể chất để tiếp tục cuộc sống - ẢNH: YAMASAN (iStock)
Người từng tìm cách tự tử cần được hỗ trợ vượt qua các khó khăn về cảm xúc, thể chất để tiếp tục cuộc sống - Ảnh: YAMASAN (iStock)

AP Looze - 28 tuổi, ở Minnesota, Mỹ - kể: “Khi trải qua khóa điều trị tâm thần, tôi bắt đầu cố gắng hòa nhập lại cuộc sống. Tôi nhận ra mình phải học cách cho và nhận tình cảm giữa mình và người khác. Tôi đã nỗ lực nói lên nỗi đau và những khó khăn của mình. Tôi hiểu rằng, tất cả chúng ta đều đau khổ. Đó là sự thật của cuộc sống và chúng ta cần yêu thương, chăm sóc lẫn nhau và bản thân mình phải vượt qua nó. Tôi đã học được cách không cảm thấy xấu hổ khi đã cố gắng tự tử. Khi gặp khó khăn, tôi sẽ nhờ giúp đỡ. Tôi nói chuyện với những người tôi tin tưởng, nhắc nhở bản thân rằng cảm giác đó sẽ qua đi, giống như mọi cảm giác khác”.

Tự tử đang gia tăng trở lại ở Nhật Bản và Mỹ. “Nhiều người cảm thấy xã hội của chúng ta là một xã hội bất hạnh nhất. Họ cảm thấy họ không muốn sống nữa. Nhưng thật ra, nó chỉ là một phần rất nhỏ của cuộc sống. Vấn đề là chúng ta đã nhìn nó dưới một góc độ rất hẹp mà không nhìn ra tổng thể” - Takeshi Yoro - bác sĩ, tác giả, nhà văn, triết gia người Nhật - nói.

Làm thế nào để trở lại cuộc sống sau khi cố gắng tự tử là điều các nhà tâm lý và chuyên gia y khoa các nước nỗ lực giải đáp. Tiến sĩ Stacey Freedenthal - một nhà trị liệu tâm lý ở Denver, Mỹ - chia sẻ: “Khi ý định đó xuất hiện, bạn sẽ nghĩ rằng tại sao chúng ta phải chịu đựng nó và muốn kết thúc. Nhưng sự biến dạng về mặt tinh thần này không phải là vĩnh viễn. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để nhìn nhận nó ngay lúc đó và khi trải qua khoảnh khắc tồi tệ đó, mọi thứ lại trở lại bình thường. Thông điệp ở đây rất đơn giản: nếu bạn có thể chờ đợi, khoảnh khắc đó có thể sẽ trôi qua” - bà nói.

Bác sĩ Takeshi Yoro thì cho rằng, đưa người từng tự tử bất thành đến với những khóa trị liệu và giúp họ nhận diện tâm trí mình là điều quan trọng bởi chỉ có họ mới nhận thức hết được bản thân mình, suy nghĩ của mình. Nâng đỡ, hỗ trợ họ là điều cần thiết. Bà kể về bệnh nhân Satoshi Yoshino (31 tuổi) của mình sau khi anh nỗ lực tự tử vì thấy bất hạnh khi sống trong gia đình nghèo túng, mẹ bị suy kiệt, cha nghiện rượu và bản thân là người đồng tính nhưng phải che giấu. Satoshi nhảy lầu nhưng không chết. “Sau đó, anh sống trong một cơ sở chăm sóc và đang lấy lại tinh thần. Anh ấy đang dần chấp nhận tình trạng của mình.

Không còn nơi nào khác ngoài việc phải tiến lên và anh ấy đã làm như vậy. Khi trò chuyện cùng tôi, anh ấy nói ước mơ hiện tại là được tái hòa nhập với xã hội và sống một cuộc sống trọn vẹn. Điều đó thật tốt đẹp làm sao” - bác sĩ Yoro kể.

Thu Thanh (theo Japan Times, Today, New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI