Bộn bề lo chất lượng học sinh lớp Một
Năm học này trở thành vô tiền khoáng hậu khi mà từ khai trường cho đến gần giữa học kỳ II, học sinh tiểu học ở TP. Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương mới có thể đến trường học.
Khoảng cách giữa thầy và trò thực sự gây ra ít nhiều hệ lụy bởi đối với bậc tiểu học, nhất là với học sinh lớp Một, điều cần nhất là được người lớn “cầm tay chỉ việc” trong thời gian đầu làm quen con chữ, phép tính. Suốt mùa dịch, việc học online nào có trôi chảy, hết “mất mạng”, đến phần mềm bị lỗi, chưa kể nhiều đứa trẻ ở vô số vùng quê còn không có nổi một chiếc máy cũ để học. Việc học thực sự đã từng gián đoạn trong thời đại dịch.
|
Học sinh tiểu học học online cần có sự hỗ trợ tích cực của thầy cô và gia đình |
Nhưng khi đó, thầy cô lẫn cha mẹ đều quan tâm đến an toàn sức khỏe của trẻ hơn là lỗ hổng kiến thức. Đến khi đi học trở lại, đã ở giữa học kỳ II nhưng nhiều học sinh từ mẫu giáo lên lớp Một gần như là… “tờ giấy trắng”, đến bảng chữ cái cũng chưa đọc thông.
Cô giáo Nguyễn Hà Trang, dạy lớp Một tại TP. Hà Nội, kể có những thời điểm, cô và trò cùng “đánh vật” cố gắng uốn nắn từng li từng tí cho học sinh mà còn chưa đạt. Đến thời điểm này, có những em vẫn chưa nhớ hết các chữ trong bảng chữ cái.
“Nếu là những năm học trước thì việc này cũng không quá khó khăn, vì mỗi buổi lên lớp cô lại hướng dẫn vài chữ, khoảng hai tuần là các em có thể bắt nhịp với việc học chương trình mới nhưng năm nay thì không thể. Giai đoạn khó khăn nhất có lẽ là để các em phân biệt “s/x” và ghép âm “p, qu” thế nào cho đúng. Có em lại không viết được hoặc viết không đạt theo đúng yêu cầu”, cô Trang chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Yến, dạy bậc tiểu học ở H. Ba Vì, cho biết: Dạy tập đọc, tập viết bằng hình thức trực tuyến khiến bài học trừu tượng hơn nên rất khó tiếp thu. Ví dụ, trước kia học trực tiếp, khi học âm K, học sinh sẽ được nhận biết, được tập đọc, đồng thời tập viết âm K đó để nhớ. Nhưng dạy trực tuyến, giáo viên rất khó kiểm soát hết được học sinh trong lớp đã viết đúng chưa, bởi việc cầm tay các em viết từng nét chữ là không thể.
Xin cho con ở lại lớp
Chị Thục Đoan, phụ huynh lớp Bốn một trường tiểu học ở Q. Bình Thạnh, cho biết: “Tôi vừa cho con nghỉ học vì tôi hiểu con mình đã bị mất căn bản. Nếu để con tiếp tục lên lớp theo “đúng tiến độ” thì khổ cả con lẫn cô. Quá nửa năm lớp Bốn con học online, đến khi vào học được ít hôm thì lớp có cô thành F0 nên cả lớp nghỉ ở nhà học online. Hết cô đến bạn… thời gian học online quá nhiều khiến con gần như hổng kiến thức của khối lớp này”.
Do đó, chị đã kiếm cô dạy kèm cho con ở nhà. Qua nhiều bài kiểm tra, cô nói con chị mất căn bản, cần phải học lại từ từ. Chị đã mạnh dạn quyết định cho con nghỉ luôn từ tuần rồi để tự học ở nhà với cô giáo riêng, năm sau có thể xin chuyển trường học lại lớp Bốn.
Cô Trương.T.Ng., dạy lớp Một tại H. Nhà Bè, kể sau khi đi học trực tiếp trở lại, lớp của cô có một vài em đánh vần chữ nhớ chữ quên, chưa thành thạo kỹ năng theo tiến độ chương trình. Đây có lẽ là do kết quả của việc học trực tuyến quá lâu, không được giáo viên trực tiếp uốn nắn.
Ở những khu công nghiệp, xóm trọ công nhân, khi dịch xảy ra, trẻ theo mẹ về quê, suốt thời gian học online rất khó khăn. Đến thời điểm nhập học thì cũng cho con vào học trễ vì phải phụ thuộc vào thời gian xin được việc làm của cha mẹ. Và hầu hết phụ huynh không có phương pháp và thời gian học cùng con dẫn đến kết quả trực tuyến không cách nào bằng trực tiếp nên các giáo viên đều tích cực giúp học sinh bù đắp lại trong thời gian này.
Một số giáo viên lớp Một tại TP. Hà Nội cho biết với học sinh không nhận biết được mặt chữ phần lớn là do cha mẹ đi làm để con tự học. Các em cứ ngồi nhìn máy, cô không ngồi kế bên để kèm cặp được nên chưa rành mặt chữ. Giáo viên đã báo với nhà trường và có kế hoạch “làm lại từ đầu” cho các em.
Theo các cô, tình trạng này ở TPHCM và TP. Hà Nội không nhiều, nhưng ở các tỉnh, thành mà điều kiện dạy và học online chưa đảm bảo thì nhiều vô kể.
Lên kế hoạch dạy lại cho học sinh
Theo cô Nguyễn Hà Trang, với những học sinh đuối hơn các bạn khác, cô phải nhờ sự hỗ trợ từ phụ huynh, đồng thời dành thêm thời gian ngoài giờ hướng dẫn riêng. “Năm học này tôi mong phụ huynh nên tạm thời bỏ qua thành tích của các em. Tôi chỉ mong các em sớm trở lại trường, để tôi trực tiếp giúp các em củng cố kiến thức”, cô Trang nói.
Thời gian học sinh quay lại học trực tiếp, cô giáo Yến đã dành thời gian ôn tập và củng cố lại kiến thức nhưng hành trình này quá gian nan. Cô Yến tính có thể đề xuất kéo dài việc ôn tập cho học sinh vào dịp hè.
Với những học sinh yếu quá, cô Yến cũng từng nghĩ phải trao đổi với phụ huynh cho con lưu ban. Nhưng tất nhiên đó chỉ là dự tính, chứ cô sẽ cố hết sức để học sinh đạt yêu cầu lên lớp.
Liên quan đến chất lượng học sinh lớp Một năm nay, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, cho biết trên địa bàn quận cũng có những học sinh lớp Một học đuối nhưng cũng không đến nỗi là gần hết năm học mà không biết ghép chữ. Với những học sinh không theo kịp các học sinh khác thì giáo viên phối hợp với phụ huynh kèm thêm. Mong muốn thời gian sớm nhất học sinh nội thành đến trường thì việc hỗ trợ cũng tốt hơn.
Đứng ở góc độ quản lý chuyên môn, cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ (Q. 11, TPHCM), đưa ra giải pháp: Để có căn cứ đánh giá một cách tổng thể, khách quan, nhà trường tổ chức 2 - 3 kỳ kiểm tra học kỳ I để tất cả học sinh được kiểm tra ở thời điểm thuận lợi nhất về sức khỏe, tâm thế.
Từ kết quả này, cộng với sự quan sát trên lớp, giáo viên lọc ra những em chưa theo kịp mặt bằng chung, trao đổi với phụ huynh để lên kế hoạch bù đắp kiến thức. Mỗi tuần, cô sẽ dành 4 - 6 tiết ở các buổi hai trong ngày để kèm thêm cho học sinh. Những kiến thức nào thấy các em bị thiếu hụt giáo viên sẽ dạy lại.
“Tuy nhiên, dù thời gian online các cô dạy kỹ như thế nào thì sự phối hợp của cha mẹ hết sức quan trọng, phải hỗ trợ các con học. Ở thời điểm này cũng vậy, vai trò của cha mẹ cũng rất quan trọng để cùng thầy cô giúp con lấy lại phong độ bằng cách kèm con học và động viên tinh thần con em mình”, cô Hương nhấn mạnh.
Một năm khó khăn với học sinh lớp Một Em Phạm Minh Châu, lớp 1.6 Trường tiểu học An Thới (P. An Thới, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ), là một trong rất nhiều trường hợp gặp khó khăn khi học trực tuyến trong suốt thời gian phòng, chống dịch. Do học trực tuyến không thể bằng học trực tiếp nên ở môn tập đọc, toán hầu như em không thể tập trung học. Ngoài bài tập giáo viên giao, hằng ngày chị Phan Thị Thúy (phụ huynh cháu Minh Châu) phải ôn lại kiến thức từ đầu cho em. Việc không đến trường là một thiệt thòi rất lớn không chỉ Minh Châu mà nhiều học sinh đang theo học lớp Một tại TP. Cần Thơ. Theo chị Thúy, thời gian chống dịch, chị làm việc ở nhà nên có thể theo sát củng cố kiến thức cho Minh Châu. Tuy nhiên, nhiều gia đình không có thời gian nên rất khó kèm cặp các cháu. Ngoài ra, học trực tuyến, nhiều em tiếp thu bài chậm, có trường hợp khó khăn khi đánh vần, ghép chữ. Kể từ sau tết Nguyên đán, em Nguyễn Gia Ph., học sinh lớp Một Trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi (P. Tân An, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ), được đến trường học trực tiếp. Hồi cuối tháng 2/2022, Ph. phải xin vắng kỳ kiểm tra học kỳ I do sốt. Hiện tại, em đang cố gắng ôn tập chuẩn bị cho kỳ kiểm tra môn toán, tiếng Việt và tiếng Pháp sắp tới. Anh Nguyễn Gia Long, cha của Ph. cho biết: “Ở môn tiếng Pháp, cháu chỉ biết bập bẹ thôi. Nói về chương trình thi tiếng Pháp sắp tới thì cháu theo không kịp rồi”. Theo anh Long, trong thời gian học trực tuyến, đối với môn toán và tiếng Việt thì phụ huynh thấy tạm ổn vì giáo viên có gửi bài nhiều và dạy. Riêng ở môn tiếng Pháp, do chuyên môn kỹ thuật, anh Long chỉ biết một phần tiếng Anh nên không thể hướng dẫn gì được cho con. “Trong thời gian học trực tuyến, tôi chỉ nhận được clip và bài giảng, cũng không biết phải hướng dẫn cho con học tập thế nào. Giờ tôi cũng không biết làm sao nữa”, anh Long bày tỏ. Q.Thư |
Gia Tuệ - Đại Minh