|
Khu vườn vạn thọ rực rỡ của cha trong những ngày tết |
1.
Những ngày tết, trời miền Tây mát mẻ nhưng nắng trưa vẫn gắt gỏng. Tiếng máy bơm nước ồn ào như phá tan bầu không khí tĩnh lặng. Tiếng cha tôi vọng từ xa: “Trời ơi, cái ống nước này sao cứ xoắn lại”, “Sao nghẹt nữa rồi”, “Bao nhiêu công chuyện ngày tư ngày tết mà làm miết không xong”…
Gương mặt ông đăm đăm dưới vành nón lá cũ mèm, đôi chỗ đã rách. Sự ngột ngạt giữa trưa lại tăng đôi ba phần.
Nào chỉ máy bơm, ống nước, chuyện con gà nhảy ổ cào cấu xoèn xoẹt trên mái tôn; lá rụng đầy vườn chưa kịp quét khi ngày 30 tết đã cận kề; nắp cống bị lục bình che nghẹt; xe ba gác chạy ồn ào giữa trưa… Tất cả đều có thể trở thành chuyện để cha càm ràm, than phiền.
Khổ nhất vẫn là việc dọn dẹp nhà cửa. Cha tôi tích trữ, gom nhặt nhiều thứ nhưng chẳng bao giờ dùng. Chị em tôi muốn dọn dẹp, vứt đi để mua mới mà chưa bao giờ thành công, lần nào cũng bị cha bắt quả tang khi “phi vụ” còn chưa kịp bắt đầu.
Chỉ cần chúng tôi lôi thứ gì đó từ trong xó xỉnh nào của căn nhà, là cha đã “chặn đầu”: “Cái nồi cơm điện nhìn cũ vậy nhưng còn xài ngon nha”; “Cái bình thủy này bữa đi nuôi đẻ con Hai cũng đỡ tốn tiền thuê ở bệnh viện”; “Cái nồi đó không quăng được vì là kỷ niệm của má mày với tao thuở còn hàn vi”…
Vật gì cũng có lý do để tiếp tục chiếm chỗ trong nhà và còn bởi vì theo ông, nó còn xài được thì không có lý do gì để mua mới. Từ đôi dép cũ mòn, đến cái chậu hoa đều có thể bùng lên những cuộc tranh cãi.
Mỗi năm, đây là thứ “gia vị” không thể thiếu trong câu chuyện ăn tết của gia đình tôi. Dĩ nhiên, chúng không hề dễ nêm nếm. Biết tính cha như vậy, anh chị em tôi đều cố gắng né nhưng làm sao thoát được. Gặp mặt đứa nào, ông cũng phân tích, lý giải, càm ràm. Chị em tôi hay đùa: “Hình như chưa có gì làm vừa ý cha được”.
|
Cha tôi năm nay đã 64 tuổi vẫn miệt mài trồng rau, nuôi cá… |
Chiều 28 tết, cha ngồi kỳ rửa đống chậu cây đã phủ đầy bùn đất, rong rêu. Khoảng sân nhỏ rộn ràng bởi những câu chuyện phiếm xen những lời phàn nàn rằng tết đến nhanh, khiến cha không kịp làm hết việc.
Chị tôi chọn cách im lặng nhưng tôi thì không. Bữa cơm tối đó, thay vì để cha lên tiếng như mọi khi, tôi chọn nói trước: “Tết sẽ đến và công việc sẽ luôn nhiều vào thời điểm này. Cha có thể chọn bỏ bớt để thấy vui vẻ, bớt áp lực hơn. Còn nếu ôm đồm làm hết thì không bao giờ thấy khỏe khoắn, thoải mái. Chọn gì là do mình thôi”.
Ông vẫn bảo vệ lý lẽ của mình, rằng đó là thói quen, là những chuyện cần phải làm… không thể khác đi. Câu chuyện không có điểm kết vì mỗi người nghĩ mỗi hướng. Mà “kết thúc không có hậu” này cũng là điều chị em tôi đoán trước.
2.
Câu chuyện về quê ăn tết lúc nào cũng rôm rả trong các hội nhóm bạn bè, đồng nghiệp của tôi. Hầu như ai cũng từng hoặc đang trong những xung đột với phụ huynh như thế, không nhiều thì ít. Tôi phì cười vì mình không đơn độc trong “cuộc chiến” này. Tôi có lý do để tin mình đúng.
“Bây giờ em thấy như vậy nhưng sau này sẽ thấy khác. Ba chị nay chỉ nằm một chỗ, nhớ nhớ, quên quên. Nhiều khi chị thèm một lời càm ràm của ba mà đâu có được, buồn lắm” - một chị đồng nghiệp nhắn cho tôi. Mấy chữ gọn lỏn nhưng khiến tôi giật mình.
Bởi lẽ trong cuộc chiến với thời gian, chúng ta chưa bao giờ thắng. Tuổi xuân, sức khỏe đều bị bào mòn theo năm tháng, mà không ai biết trước mắt là gì.
Giữa trưa nắng, cha vẫn hì hục nhổ, bó, chở vạn thọ ra chợ bán. Cha phải nhấc chân phải lên trước, sau đó mới nhích cả người lên xe được. Đôi tay dường như đã yếu đi nhiều. Giờ đây, cha chỉ có thể lái xe rất chậm. Mái tóc ông gần như bạc trắng còn gương mặt cũng hốc hác đi rất nhiều.
23 năm trước, cũng người đàn ông này chân đạp xe thoăn thoắt hơn chục cây số, ẵm đứa con 5 tuổi rẽ đám đông để xem khánh thành cầu Mỹ Thuận. Đôi chân đó từng băng đồng, lội ruộng miệt mài trong những năm đầu giải phóng để làm đủ chuyện kiếm cơm. Đôi tay đó đã từng cầm búa chẻ từng gốc nhãn to tướng, chất thành những đống củi lớn, đủ dùng cả năm. Tôi từng nghĩ cả thế giới nằm trong tay cha, trên đôi vai sậm màu theo từng vạt nắng.
Thời gian, nhịp sống hối hả dường như khiến trí nhớ con người không còn tốt. Tôi quên cơn tai biến tưởng chừng như khiến cha phải nằm một chỗ năm ông 40 tuổi. Chân phải của ông từng gãy cách đây 8 năm trong một lần trèo cây xịt sâu, để con cháu có trái ngon thưởng thức. Khớp gối của ông thoái hóa nhiều năm qua, không thể trị dứt điểm.
Chưa kể đến hàng tá bệnh lặt vặt khác đang ngày một ăn mòn sức khỏe của người đàn ông đã bước qua nửa con dốc cuộc đời. Người già trở nên khó tính, nhạy cảm hơn vì nhiều sự thay đổi, cả sức khỏe lẫn tâm lý. Việc làm lụng cũng là cách để họ cảm thấy không phụ thuộc con cháu, cũng là cách giúp họ tìm niềm vui trong cuộc sống. Đôi lúc, chúng tôi quên đi điều đó.
|
Trong vườn, cha trồng nhiều rau, dưa leo để ăn, bán |
Tôi hay nói với bạn bè rằng dù chỉ cách 5 tuổi nhưng chúng tôi và thế hệ đi sau dường như là 2 thế giới bởi những suy nghĩ, lối hành xử rất khác biệt. Vậy nhưng tôi lại quên rằng khoảng cách giữa tôi và cha mình là 35 năm.
Ở quê, cơ hội kiếm tiền không nhiều như ở thành thị. Thực tế này khiến nhiều người, trong đó có cha tôi, dè dặt trong việc chi tiêu.
Cha vẫn thường ăn cơm hấp mỗi sáng thay vì đi chợ, ra hàng quán như nhiều người. Thói quen ấy đã tồn tại hàng chục năm, chắc chắn rất khó thay đổi khi người đã đến đoạn cuối của cuộc đời. Một món đồ mới, chỉ vài chục ngàn, khá nhỏ nhặt với chúng tôi, có khi lại rất lớn trong suy nghĩ của ông.
Nhờ sự cần mẫn, lẫn những lời càm ràm ấy, vườn cây lúc nào cũng xanh tốt. Nhà tôi mỗi dịp tết lúc nào cũng rực rỡ bởi sắc hoa vạn thọ, sao nhái, mào gà… Rau sống, dưa leo tươi ngon từ vườn nhà cũng chưa bao giờ thiếu. Nhà cửa lúc nào cũng tươm tất, gọn gàng. Bất chấp những đau đớn, khó nhọc trong việc đi lại, cha vẫn cần mẫn đón đưa đứa cháu đi học mỗi ngày, dạy cháu điều hay, cách ứng xử sao cho đúng…
Ngày trở lại TPHCM, người người tay xách nách mang đầy đủ quà quê còn tôi chỉ xin được mang theo những hình ảnh của cha, để biết mình còn hạnh phúc, còn nơi bình yên để trở về.
Dĩ nhiên, thật không dễ để xem những lời càm ràm ấy là niềm vui, nhưng học cách chấp nhận nhẹ nhàng hơn là điều có thể. Có những thứ hạnh phúc mà khi còn, người ta lại xem nhẹ hoặc chẳng nhận ra.
Bài và ảnh: Trung Sơn