Trở lại để hàn gắn, chữa lành vết thương chiến tranh

27/07/2023 - 07:46

PNO - Các cựu chiến binh Mỹ đã cùng trở lại chiến trường xưa, hỗ trợ cựu chiến binh Việt Nam tìm hài cốt liệt sĩ. Đó là những cuộc hội ngộ và sẻ chia, để chữa lành, hàn gắn vết thương chiến tranh.

Trở lại từ “mảnh ký ức” 

Bộ phim tài liệu Mảnh ký ức (đạo diễn Nguyễn Hoàng Linh, vừa phát sóng trong chương trình đặc biệt lúc 20g40, ngày 23/7 trên VTV1; phát lại lúc 9g, 20g ngày 26/7 và 14g ngày 27/7 trên VTV4) kể câu chuyện vô cùng cảm động, ý nghĩa về cuộc hội ngộ giữa những cựu chiến binh ở 2 chiến tuyến, sau hơn nửa thế kỷ. 

Thiếu tá  Đặng Hà Thụy (thứ hai từ  trái sang)  trò chuyện cùng các cựu chiến binh Mỹ tại đồi  Xuân Sơn - ảnh  trong phim  Mảnh ký ức
Thiếu tá Đặng Hà Thụy (thứ hai từ trái sang) trò chuyện cùng các cựu chiến binh Mỹ tại đồi Xuân Sơn - ảnh trong phim Mảnh ký ức

Đêm 26/12/1966, một trận đánh ác liệt đã diễn ra tại trận địa pháo LZ Bird của quân đội Mỹ (thuộc khu vực đồi Xuân Sơn, tỉnh Bình Định). Bị bộ đội Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng bất ngờ tập kích, binh lính Mỹ trở tay không kịp, thương vong rất nhiều. Trước tình thế đó, địch đã dùng đến loại đạn mang tên Beehive (tổ ong) bên trong chứa 8.000 mũi tên thép, có tính sát thương rất cao. 

Cựu chiến binh Mỹ Spencer Matteson - người tham chiến tại đồi Xuân Sơn năm ấy - nhớ lại: “Đó là một trong những cảnh tượng tang thương nhất tôi từng thấy trong đời, khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng”. Những người lính trẻ năm đó, khi trở về Mỹ, đã phải chịu đựng những sang chấn tâm lý nặng nề, những ám ảnh tàn khốc không thể rời khỏi họ, trong suốt cả cuộc đời.

Năm 2014, ông Spencer Matteson quyết định đăng thông tin về trận đánh đồi Xuân Sơn lên trang cá nhân. Từ manh mối đó, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng - người tìm mộ liệt sĩ - đã kết nối với thiếu tá Đặng Hà Thụy (nguyên cán bộ Đoàn 5501) và hành trình tìm kiếm khu mộ tập thể các liệt sĩ bắt đầu. Người cựu binh già Việt Nam đã không ngại kết nối với những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại đồi Xuân Sơn năm xưa, nhờ họ hỗ trợ, cung cấp thêm thông tin để xác định đúng vị trí ngôi mộ tập thể. 

Các cựu binh Mỹ Ivory Whitaker, Steve Hassett, Kinbourne Lo và Spencer Matteson đã trở lại Việt Nam, dù họ chưa bao giờ nghĩ hay mong muốn phải trở lại chiến trường Xuân Sơn lần nữa. Những cựu binh già rúng động trước hình ảnh tư liệu về trận chiến kinh hoàng năm ấy, họ khóc khi phải nhớ về ký ức mà họ luôn muốn quên đi. “Năm ấy, chúng tôi - những thanh niên mười tám đôi mươi bước vào cuộc chiến mà không hiểu gì về cuộc chiến. Các ông có lý tưởng để chiến đấu, còn chúng tôi cố gắng sống sót để trở về” - cựu binh Spencer Matteson nói với thiếu tá Đặng Hà Thụy.  

Những mảnh ký ức rời rạc và đau xót từ các cựu chiến binh Mỹ đã giúp tìm thấy ngôi mộ tập thể chôn cất liệt sĩ sau 56 năm. Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất trong phim là khi những người cựu binh già ở 2 chiến tuyến, ngồi bên ngôi mộ tập thể, trò chuyện với nhau trước hàng ngàn ngọn nến. Khoảnh khắc đẹp như chia sẻ của cựu chiến binh Spencer Matteson: “Sau tất cả đau thương và mất mát, còn gì quý hơn khi chúng ta có thể ngồi cùng nhau như những người bạn”. 

Cái giá của hòa bình

Cựu chiến binh Mỹ James G.Zumwalt - tác giả cuốn sách Chân trần, chí thép - từng chia sẻ rằng chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề, ở cả hai phía. Những cựu binh Mỹ đã gặp phải rất nhiều vấn đề tâm lý và di chứng hậu chiến. Ông viết sách như một cách giải mã chiến tranh và hòa giải với chính mình. Nhà văn Trầm Hương nói, khi gặp tác giả Chân trần, chí thép cùng nhiều cựu chiến binh Mỹ khác, lắng nghe và hiểu hơn câu chuyện cuộc đời họ, chị đã chọn viết về họ. “Cái giá của hòa bình” là tiêu đề tác phẩm mà nhà văn Trầm Hương đang viết về số phận hậu chiến của các cựu chiến binh Mỹ.

Hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn năm 1966 đã được tìm thấy sau hơn nửa thế kỷ, với sự hỗ trợ của các cựu binh Mỹ.
Hài cốt các liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn năm 1966 đã được tìm thấy sau hơn nửa thế kỷ, với sự hỗ trợ của các cựu binh Mỹ.

“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hậu quả, di chứng từ cuộc chiến ấy vẫn chưa kết thúc. Đằng sau thân phận hậu chiến là những dư chấn tâm lý, những va chạm thế hệ, là nỗi đau mà người trong cuộc phải mang theo cả cuộc đời. Nhà văn viết những câu chuyện từ trái tim, chạm đến cảm xúc của người đọc, chia sẻ và thấu cảm với các nhân vật của mình cũng chính là hướng đến khát vọng hòa giải dân tộc” - nhà văn Trầm Hương bày tỏ.

Trong chuyến đi Mỹ mùa hè vừa qua, chị đã dành nhiều thời gian tìm gặp các cựu chiến binh Mỹ, ghi chép những câu chuyện xúc động về cuộc đời họ. Nhiều người cả đời sống trong những ám ảnh của quá khứ, trải qua và chịu đựng mất mát lớn về tinh thần. Chị chia sẻ thêm: “Rất nhiều cựu chiến binh Mỹ hoặc con cái họ đã đến Việt Nam, làm công tác thiện nguyện, gây quỹ hỗ trợ trẻ em Việt Nam. Tôi nhớ mãi lời con trai của một người lính Mỹ đã hy sinh rằng cha anh đã hứa ông sẽ trở về. Nhưng ông ấy đã hy sinh ở chiến trường Việt Nam khi anh còn rất nhỏ”.

“Cay đắng và phẫn nộ”, “định kiến và hận thù”, “bi thương và mất mát”… là những từ mà các cựu chiến binh Mỹ đã dùng khi nói về những tổn thương hậu chiến đeo đẳng họ suốt thời gian rất dài sau chiến tranh. Cái giá của hòa bình là xương máu, là mất mát, đau xót ở cả hai phía. Những mảnh ký ức, những hành trình tìm lại/trở lại, những cuộc sẻ chia của các cựu chiến binh cũng chính là sự kết nối để hàn gắn, chữa lành vết thương chiến tranh. 

Lục Diệp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI