Trở lại Cù Lao Chàm

05/05/2018 - 17:19

PNO - Mảnh đất có diện tích chỉ hơn 15km2 và dân số trên 3.000 người này đang ngày càng phát triển, trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Gần 10 năm trước, tôi đi chuyến tàu chợ (xuất phát lúc 9g mỗi ngày từ bến Cửa Đại) mất gần một giờ để đến với cù lao Chàm (thuộc xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ngày trở lại, ngồi trên ca-nô lướt sóng vun vút ra cù lao chỉ chưa đầy 20 phút. Càng bất ngờ hơn khi biết phương tiện đến với cù lao Chàm hiện nay còn có trực thăng. Mảnh đất có diện tích chỉ hơn 15km2 và dân số trên 3.000 người này đang ngày càng phát triển, trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước.

Tro lai Cu Lao Cham
 

Tour "xe ôm" ngắm đảo

Ngay khi xe bắt đầu lăn bánh từ TP.Đà Nẵng, Phương - hướng dẫn viên - đã nhắc nhở mọi người không được sử dụng túi ni-lông ở cù lao Chàm. Quy định này có từ năm 2009 khi cù lao được UNESCO bình chọn là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Món hàng đầu tiên được người địa phương chào bán ngay bến tàu là những chiếc túi môi trường. Mức phạt cho người ném túi ni-lông bừa bãi trên cù lao có thể lên đến vài ba triệu. Tôi chưa chứng kiến trường hợp bị phạt, nhưng gần như du khách đều có ý thức bảo vệ môi trường ngay khi đặt chân lên cù lao. Đây cũng là thông điệp cần thiết cho bất kỳ khu du lịch biển nào. 

Tro lai Cu Lao Cham
Bữa cơm trưa dành cho du khách trên cù lao

Ngoài những bãi tắm xanh biếc, cù lao Chàm có rất nhiều yếu tố thu hút khách tham quan. Một trong những điều bất ngờ là hiện na y đã có “đội ngũ” xe ôm kiêm hướng dẫn viên là người địa phương trên đảo. Nếu ngồi sau xe các bác tài, bạn chỉ cần trả 100.000 đồng cho một tour vòng quanh cù lao. Nếu thuê riêng xe máy, chi phí là 150.000 đồng và cũng sẽ có một người chạy xe theo hướng dẫn lẫn chụp ảnh cho bạn. “Tour xe ôm” gồm các điểm tham quan chính: sân bay trực thăng (vị trí chụp ảnh rất đẹp), vịnh tránh bão, chùa Hải Tạng (tuổi đời hơn 400 năm), bến cảng, giếng cổ...

Dịch vụ này chỉ mới hoạt động được hơn ba năm. Du lịch cù lao Chàm ngày càng phát triển, người dân nói rằng, phần lớn họ sống nhờ làm du lịch (chỉ khoảng 30% trai tráng đi biển, còn lại tham gia vào đội xe ôm kiêm hướng dẫn viên, phục vụ quán ăn…). 

Một ngày ở cù lao Chàm, du khách có thể trải nghiệm cảm giác bơi lội ngắm san hô hoặc đăng ký tour lặn biển có hướng dẫn viên chuyên nghiệp theo cùng (700.000 đồng/người, thời gian 30 phút). Mạo hiểm hơn có thể tham gia trò chơi dù lượn trên biển. Buổi trưa, người cù lao sẽ đãi bạn bữa cơm 11 món đủ cả cá, tôm, sò, mực, thịt, trứng, rau… Tráng miệng sẽ là món bánh ít lá gai đặc sản. Chiếc bánh nhỏ thôi nhưng đậm đà hương vị, nếu muốn dùng thêm, khách có thể mua với giá 30.000 đồng/chục. Những mẹt bánh được các cụ già bày bán quanh khu vực giếng làng, dưới những bóng cây nhìn hiền lành như bánh của bà, của mẹ ở quê xưa. Giải khát có món sữa dừa thơm đượm hoặc kem đá đậu xanh, đậu đỏ…

Còn thương chiếc võng ngô đồng

Mười năm trước, tôi lặn lội ra cù lao Chàm chỉ để được đến thăm người cuối cùng còn đan võng ngô đồng: cụ bà Nguyễn Thị Môn (năm ấy cụ đã 85 tuổi). Ngày tôi đến, thấy một người già lưng còng gầy nhom ngồi đan võng. Phải mất khoảng ba tháng mới xong một chiếc võng (có giá 700 đồng/chiếc vào khoảng giữa năm 2009). Hiện tại, giá của một chiếc võng ngô đồng đã lên đến vài triệu và được TP.Hội An đưa vào quảng bá du lịch.

Tôi mừng vì thấy cụ Môn vẫn khỏe và rất đẹp lão. Năm xưa bà còng lưng gánh nước giữa trưa, bây giờ ngồi ôm cháu thảnh thơi bên hiên nhà lúc nào cũng treo sẵn chiếc võng ngô đồng cho du khách chiêm ngắm. Hỏi “bà có còn nhớ con không?” mà lòng bùi ngùi. Năm tháng trôi quá nhanh, còn mình cũng chỉ là một trong những người dừng chân phút giây ngắn ngủi với bà. Rồi đi, rồi quên lãng…

Tro lai Cu Lao Cham
Cụ bà Nguyễn Thị Môn đã gắn bó cả đời với nghề đan võng ngô đồng

Ngày trở lại bỗng nhớ câu chuyện đan võng ngô đồng được nghe trong năm cũ. Rằng người thợ phải lên rừng, tìm những thân ngô đồng rắn rỏi, mang về thả xuống suối, ngâm một hai tuần cho cây mềm, dẻo dai rồi tước sợi, phơi khô… Rồi tiếp tục được người đan võng ngồi cong lưng suốt hàng tháng trời, cần cù nhẫn nại đan từng sợi ngô đồng, tạo thành chiếc võng bền chặt có thể “bảo hành” đến 20 năm. Chiếc võng gắn bó với những người già cù lao một thời, bây giờ trở thành biểu tượng văn hóa, là giá trị tìm đến cho khách thập phương như nét đẹp bất biến của đất cù lao dù cho năm tháng đổi dời. 

Võng ngô đồng cũng xuất hiện trong chương trình Đêm cù lao (diễn ra vào mỗi tối thứ Bảy, Chủ nhật), phục vụ du khách ở lại đêm trên cù lao (hiện chỉ có homestay). “Mỗi đêm được trả công 800.000 đồng” - bà Môn cười hiền hậu. Chương trình hoạt động từ khi cù lao Chàm được vinh danh là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Mảnh đất hiền lành nằm lọt thỏm giữa biển khơi, có cảnh đẹp, người dân thân thiện mến khách, những món ăn ngon và những nghề truyền thống được gìn giữ cho đến bây giờ. Dải cù lao nhìn từ đất liền mờ như bóng núi giữa trùng khơi, vậy mà níu chân du khách, là địa điểm mà đi một lần rồi du khách vẫn sẽ còn muốn quay trở lại.

Buổi trưa nằm nghỉ trên chiếc võng mắc dưới rặng dừa, tôi ước cù lao sẽ ngày càng thu hút du khách, để người cù lao có đủ tiền cho con em vào đất liền học tiếp cấp III, rồi còn lên đại học (hiện tại cù lao Chàm chỉ có trường tiểu học và trường THCS). Một thế hệ tương lai sẽ trở về cống hiến cho cù lao theo một cách khác…

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI