Trợ giá xe buýt cho các tuyến kết nối dự án của Tập đoàn Vingroup?

29/09/2020 - 12:05

PNO - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM vừa đề xuất mở mới và trợ giá cho 5 tuyến xe buýt sử dụng năng lượng sạch (xe buýt điện) trên địa bàn TPHCM. 4/5 tuyến xe buýt này phục vụ kết nối dự án VinHome Grand Park (thuộc Tập đoàn Vingroup).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đề xuất này được Sở GTVT TPHCM căn cứ vào đề án "Tổ chức hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM" do Tập đoàn Vingroup - Công ty CP lập.

Cụ thể, tháng 3/2020, Tập đoàn Vingroup - Công ty CP đề xuất mở các tuyến xe buýt điện, gồm: tuyến VB01: VinHome Grand Park (quận 9) - Trung tâm thương mại Emart (quận Gò Vấp) dài 27km; tuyến VB02: VinHome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất dài 30km; tuyến VB03: VinHome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn dài 29km; tuyến VB04: VinHome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới dài 8,5 km; tuyếnVB05: Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc Gia dài 10km.

Các tuyến xe buýt điện nêu trên sử dụng 6 điểm đầu cuối tuyến, trong đó có 5 điểm đầu cuối tuyến hiện hữu đang phục vụ hoạt động của xe buýt là: Bến xe buýt Sài Gòn, bãi hậu cần số 1, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bến xe buýt Ký túc xá B Đại học Quốc gia TPHCM, Bến xe Miền Đông mới.

Sở Giao thông Vận tải đề xuất cho Tập đoàn Vingroup thí điểm loại hình xe buýt điện có trợ giá
Sở Giao thông Vận tải đề xuất cho Tập đoàn Vingroup thí điểm loại hình xe buýt điện có trợ giá

Số lượng xe buýt dự kiến đầu tư là 77 xe, sức chứa mỗi xe từ 65 đến 70 chỗ (cả đứng và ngồi). Các xe buýt này sử dụng năng lượng sạch (điện năng), không phát khí thải ra môi trường và hạn chế được tiếng ồn của động cơ. 

Các tuyến xe buýt điện này hoạt động theo phương thức có trợ giá. Giá vé đề xuất: tuyến VB01, VB02, VB03: 7.000 đồng/lượt hành khách thường; 3.000 đồng/lượt học sinh, sinh viên; 157.500 đồng/tập 30 vé. Các tuyến VB04, VB05: 5.000 đồng/lượt hành khách thường; 3.000 đồng/lượt học sinh, sinh viên; 112.500 đồng/tập 30 vé.

Theo GTVT, tại Nghị định 32/2019 quy định về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, thì các sản phẩm dịch vụ vận tải công cộng tại đô thị phải thực hiện theo hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, loại hình xe buýt điện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nên chưa có cơ sở để xây dựng và tổ chức đấu thầu theo đúng quy định.

Do đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TPHCM xem xét chấp thuận chủ trương cho phép Tập đoàn Vingroup - Công ty CP thí điểm thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích đối với 5 tuyến xe buýt điện nêu trên, thời gian thí điểm là 12 tháng. Khi bộ định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho loại hình xe buýt điện được cấp thẩm quyền phê duyệt sẽ tiến hành công tác đấu thầu theo quy định. 

Tập đoàn Vingroup có trách nhiệm thực hiện các thủ tục theo quy định, tự bỏ chi phí đầu tư, xây dựng, lắp đặt bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng để hoạt động ổn định trong thời gian thí điểm.

Trước đó, khoảng đầu năm 2017, TPHCM đã khai trương 4 tuyến xe buýt điện chạy khu vực trung tâm thành phố gồm: tuyến D1 (Công viên 23-9 - Thảo Cầm Viên), D2 (Sky Garden - Cresent Mall), D3 (Riversident - Cresent Mall) và tuyến xe điện tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Việc mở các tuyến xe buýt này nhằm tăng cường hệ thống giao thông công cộng và giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, các tuyến xe buýt này không được trợ giá và người dân phải trả tiền với giá vé khoảng từ 10.000 - 12.000 đồng/lượt. 

Bích Trần

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Lê Tâm 29-09-2020 13:05:36

    Tại sao phải trợ giá cho các tuyến xe buýt điện của vingroup, khi các tuyến xe này chỉ phục vụ cho lợi ích của cư dân các dự án bất động sản của vin

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI