Trò chuyện với nhà văn cựu binh Mỹ Marc Levy

30/04/2020 - 07:30

PNO - Một ngày mùa thu năm 2018, nhà thơ - dịch giả Nguyễn Bá Chung lái xe đưa tôi và đạo diễn Nguyễn Hoàng đến căn hộ của Marc Levy ở Salem, Massachusetts.

Tôi thật sự ấn tượng với gương mặt phảng phất nét buồn của anh. Giống như tâm trạng nhiều nhà văn cựu binh Mỹ, họ đã phải trải qua rất nhiều khó khăn khi rời Việt Nam trở lại Mỹ, đối mặt với hội chứng PTSD (hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương) để hội nhập vào cuộc sống đương đại. Và khi đến Trung tâm William Joiner, họ tìm thấy văn học có phép mầu chữa lành tâm hồn. 

Trầm Hương: Trở lại với câu chuyện của anh, điều gì mang anh tới Việt Nam? 

Marc Levy: Cha mẹ tôi là những người bị tổn thương về mặt tình cảm. Tôi thất vọng, buông trôi từ thời còn đi học. Tôi không biết nhiều về chính trị, chưa có một đạo nghĩa vững chãi. Những áp-phích chiêu mộ, những sự tuyên truyền trên truyền hình, báo đài là tất cả những gì tôi cần nghe, mà tôi cũng không thể nghi ngờ chúng, vì tôi chưa có óc phản biện. Vậy là tôi đầu quân. Tôi muốn làm một y sĩ. Rồi tôi được nhận.

Marc Levy ở Việt Nam, năm 1969 - Ảnh: Marc Levy cung cấp
Marc Levy ở Việt Nam, năm 1969 - Ảnh: Marc Levy cung cấp

Việc huấn luyện rất tệ. Nó không liên quan gì đến chiến tranh du kích, không hề nhấn mạnh văn hóa, ngôn ngữ, chiến trường thực tế, hay y tế nhiệt đới. Tôi được gửi tới Brooklyn, mất một năm cho việc huấn luyện, rồi nhận lệnh tới Việt Nam, vào tháng 11 năm 1969, và rời đi tháng 11 năm 1970.

Trầm Hương: Trải nghiệm của ông về những thương binh trong chiến tranh? 

Marc Levy: Trải nghiệm đầu tiên của tôi ở chiến trường là một trận phục kích, khi những người lính Việt cộng hay NVA (quân Bắc Việt) không có chút cơ hội nào. Có khoảng 20 lính Mỹ và ba lính Bắc Việt. Những người Mỹ chỉ bắn và nhặt họ lên. Tôi đứng cách đó khoảng 30 feets và được an toàn, còn chân những người đó thì nổ tung. Họ gào thét, cố gắng trốn chạy, nhưng…

Tôi nhớ rằng tôi đã quỳ xuống với khẩu M16 vây quanh người, bật khóc nức nở và tự hỏi ai lại có thể làm như vậy? Khoảng hai ba tháng sau, tôi thay đổi. Tôi cảm thấy hoàn toàn ngược lại, với tư cách một người y sĩ. Năm 1969 là một năm rất xấu cho đơn vị tôi, sư đoàn Kỵ binh số 1, cụ thể là tiểu đoàn của tôi.

Nhưng năm 1970 là lúc sĩ khí xuống rất thấp... Đôi khi, trên căn cứ hỏa lực, có những cuộc tấn công bằng tên lửa và súng cối làm tiêu hao lực lượng. Trận lớn nhất ở Campuchia. Trận chiến diễn ra hằng ngày, cách ngày, không có trận lớn, chỉ có các trận nhỏ lẻ, trừ ở một căn cứ. Đó gọi là một bãi đáp, bãi LZ. Các công binh đã tràn vào đó. Rất nhiều người Mỹ đã chết, một số nhiều hơn thì bị thương.

Trầm Hương: Anh có khi nào trở lại Việt Nam?

Marc Levy: Chỉ một lần. Tôi tới Singapore, tới Lào, rồi đi máy bay từ Viêng-chăn tới Hà Nội. Khi máy bay hạ cánh xuống Hà Nội, tôi thấy nhiều hố bom và những cảm xúc khi nhìn thấy chúng đã thực sự chạm đến tôi. Khi đi bộ trên một con đường lớn đông đúc ở Hà Nội, cảm giác như tôi đang nghe tất cả những âm thanh đẹp đẽ này.

Đó là 24 năm trước. Xe đạp, tiếng lốp xe, chuông xe, tiếng người tràn ngập không trung. Nhưng tôi thấy nhiều người ở bên kia đường mặc quân phục Bắc Việt. Họ ngồi chồm hổm. Và tôi bắt đầu cảm thấy rất bấn loạn. Trời thì nóng, người đổ mồ hôi. Có một nhà thờ sau lưng tôi, rồi chuông nhà thờ vang lên. Nghe như một trái bom nổ. Tôi không nhớ gì, chỉ cố quay về phòng càng nhanh càng tốt.

Đó là một căn phòng nhỏ, tường dày khoảng mười inches. Tôi khóa cửa và nhào lên giường, kéo một chiếc gối lên đầu. Tôi ngủ suốt mấy tiếng đồng hồ. Tôi ngủ và khóc. Mất một lúc lâu sau mới ngồi dậy được. Ở Hà Nội, tôi gặp một người Mỹ. Chúng tôi du lịch từ Hà Nội tới Hạ Long, Đà Nẵng. Cuối cùng, tôi muốn về An Lộc ở Lộc Ninh nên chia tay người bạn ấy… 

Nhà văn  Marc Levy và  nhà văn  Trầm Hương  ngày 13/8/2018,  ở Salem,  Massachusetts -  Ảnh: Nguyễn Hoàng
Nhà văn Marc Levy và nhà văn Trầm Hương ngày 13/8/2018, ở Salem,  Massachusetts - Ảnh: Nguyễn Hoàng

Trầm Hương: Anh đi tìm gì ở An Lộc? 

Marc Levy: Tôi muốn tới đó vì nó từng có một căn cứ hỏa lực nhỏ gọi là “LG Comptant”. Chúng tôi hành quân từ đó. Chúng tôi đi tuần xung quanh An Lộc đặc biệt là trong đồn điền cao su khoảng một, hai tháng. Tôi không hề biết gì về Mùa hè đỏ lửa năm 1972, cũng không biết rằng hằng năm, bên Mỹ thường tái chiếm những vị trí mà họ từng bỏ, hoặc là quân Cộng hòa từng giữ rồi bỏ đi hay sao đó. Tôi chỉ thấy An Lộc năm 1970.

Thế thôi, không biết, không quan tâm việc chưa từng có người Mỹ nào đã ở An Lộc từ năm 1967 hay sáu mươi mấy đó. Tôi chỉ muốn trở về nơi chúng tôi đã đi tuần, đã bị phục kích một số lần. Thế nên tôi xuống xe, và trong vòng hai phút, một đám đông dân làng xuất hiện. Tôi thích điều này vì nó không nằm trong sách hướng dẫn.

Có một anh đến gần tôi, tôi nói: “Tuyệt! Tôi cần một người dẫn đường. Anh dẫn đường cho tôi nhé?”. “Được thôi”. Tên anh ấy là Thanh. Rồi tôi nói: “Tuyệt, tôi cần một chỗ ở”. “Được, chúng ta sẽ tới khách sạn Bình Long ở An Lộc”. Nơi đó rất tệ. Nó như một chỗ bắt lửa vậy, chỉ cần một que diêm là nó… Ôi trời! Căn nhà nặng nề, làm bằng gỗ, dành cho công nhân, không phải khách du lịch. Chỉ có hai đô la rưỡi một đêm. Thanh từng làm cho người Mỹ, là bạn của Ba - chủ khách sạn. Họ từng bị bắt vào các trại học tập cải tạo. Chúng tôi ngồi với nhau và nói chuyện, họ trở nên khá lo lắng. Họ không muốn kể về chuyện đó. 

Một hôm, Ba cho tôi một chiếc xe đạp, loại dành cho trẻ con. Yên xe rất nhỏ và thấp lè tè. Tôi nói: “Okay”, rồi đạp chiếc xe con nít vòng quanh An Lộc để tới rừng cao su, tìm lại dấu vết bệnh viện chính của An Lộc. Nó đã bị phá hủy. Tôi đi loanh quanh và ghi chép… Buổi chiều ngày thứ tư ở An Lộc, cảnh sát tới phòng tôi. Họ đập cửa ầm ầm. Tôi hỏi: “Ai đó?”. Họ nói: “Công an đây!”. Tôi nói: “Tôi đang ngủ. Tôi không muốn bị làm phiền”… 

Trầm Hương: Đó là năm nào?

Marc Levy: Năm 1994. Sau đó họ rời đi. Nhưng Ba gặp tôi và nói: “Ngày mai anh phải đến đồn công an. Nếu không sẽ có rắc rối lớn”. Tôi hỏi: “Tại sao?”. Anh ta nói: “Cứ đi đi”. Thế là sáng hôm sau, Thanh chở tôi trên chiếc Honda Cup tới đồn công an. Họ bắt tôi ngồi trên một cái ghế nhỏ. Tòa nhà cũng nhỏ. Có một khu vực treo toàn M16 và những vũ khí khác trên tường.

Họ hỏi những câu như: “Tại sao anh đến đây? Hộ chiếu đâu? Anh sẽ ở đây bao lâu? Anh có máy ảnh không? Anh có chụp hình không?”. Tôi chỉ nói: “Tôi đến đây vì tôi từng chiến đấu ở đây. Đây là hộ chiếu của tôi. Tôi muốn chụp vài tấm hình”. Họ bảo tôi điền vào mấy tờ đơn sao ra ba bản. Tôi đã mất gần một tiếng đồng hồ để làm việc đó, mà không hiểu chuyện gì đã xảy ra. 

Đầu tiên, tôi nói với một trung sĩ, sau đó là một trung úy, rồi lại nói với chỉ huy. Họ bảo tôi: “Anh phải đi khỏi đây. Cút đi!”. Tôi nói: “Tôi không đi đâu cả khi tôi không hiểu đã xảy ra chuyện gì”. Anh ta rất tức giận, rồi vị trung úy đi tới… Tôi nói với trung úy: “Tôi không đi đâu cả. Trả lại hộ chiếu cho tôi”. “Không!”. Ông ta giậm chân bỏ đi. Rồi chỉ huy tới. Ông ta trông già hơn và lỗ tai như bốc khói phừng phừng.

Tôi nói: “Các ông không hiểu. Tôi từng chiến đấu ở đây. Tôi chỉ muốn đi loanh quanh. Đó là mục đích tôi tới đây”. Ông ta nhìn tôi. Không phải từ lời nói, mà từ ánh mắt trào ra một năng lượng vô hình như sấm sét. Ông ta nói: “Đưa tôi hộ chiếu của anh, sáng mai lại đây lấy nó về, và bắt chiếc xe sớm nhất để rời khỏi đây”.

Tôi nói: “Tôi sẽ đưa ông bản sao hộ chiếu, và tôi sẽ rời đi vào ngày mai”. Ông ta chụp lấy một mẩu giấy, trừng mắt nhìn tôi, rồi giậm chân bỏ đi. Nhiều năm sau, tôi mới biết từng có một trận đánh dữ dội, trận An Lộc, Lộc Ninh của mùa hè đỏ lửa. Xe tăng và hàng ngàn đội quân Bắc Việt đánh với quân Cộng hòa cùng với pháo, tăng, không lực do cố vấn Mỹ viện trợ. An Lộc và Lộc Ninh bị san bằng. Hóa ra là như thế. 

Trầm Hương: Anh có thể chia sẻ cuộc sống của anh sau cuộc chiến ở Việt Nam? 

Marc Levy: Khi tôi trở về, mọi chuyện rất gian nan. Tôi còn một năm trong quân ngũ, mà đáng lẽ tôi phải là trung sĩ rồi. Nhưng người có thể đề cử tôi đã bị giết, thế nên khi trở về căn cứ Devens, tôi được phân công làm nhiệm vụ canh gác, nhưng tôi không làm được. Họ nghĩ rằng tôi đang trở nên…

Trầm Hương: Khó chịu?

Marc Levy: Đúng. Tôi có vài huy chương, nên họ nghĩ tôi đang khoe khoang. Sau ba ngày vắng mặt không phép, đến Boston, trở lại đơn vị, thượng sĩ nhất nói chuyện với tôi: “Anh phải làm anh nuôi”. Tôi trả lời: “Tôi không làm anh nuôi”. Ông ta nói: “Đầu bếp sẽ tới giường của anh lúc một giờ sáng. Anh phải thắt một chiếc khăn để đầu bếp xác định đúng giường của anh mà gọi anh dậy”.

Khi đầu bếp tới gọi tôi dậy, anh ta nói: “Anh phải làm nghĩa vụ nhà bếp”. Tôi trả lời: “Không. Tôi không làm bếp”. Thế là họ kỷ luật tôi. Tôi nhận ra rằng tôi phải rời quân ngũ. Nó không dành cho tôi. Tôi không cắt tóc, không chào sĩ quan, chỉ ngồi trong xe tải. Tôi mở radio để nghe một loạt đài Radio Free Devon’s, đài phản chiến duy nhất trong quân đội, phát sóng từ Worcester. Dĩ nhiên quân đội không thích nó.

Tôi bị ra tòa án binh tổng cộng ba lần vì không thực hiện những việc tôi không muốn làm. Tòa tuyên bố tôi có tội, nhưng tôi có một vị luật sư dân sự tốt. Ông khuyên tôi: “Họ đã đồng ý cho anh năm ngày tù và cho anh giải ngũ thông thường (general discharge), cũng tương đương với giải ngũ danh dự (honorable discharge) vậy. Nếu anh không tự thú tội trước thì có nguy cơ không chỉ ở tù tận vài tháng, mà còn bị trục xuất mất danh dự khỏi quân ngũ (dishonorable discharge)”.

Tôi làm theo kế hoạch đó. Trong phiên tòa kéo dài hai tiếng đồng hồ, có một cô thư ký trẻ đẹp chép tốc ký. Khi phiên tòa kết thúc, cô ta tiến đến gần tôi, bỏ vào lòng bàn tay tôi amphetamine (một dạng chất gây nghiện tổng hợp). Cô ta đưa tôi thuốc để tôi lên đỉnh. Thế là tôi vào tù, mà lại có amphetamine trong túi, hai chú quân cảnh kèm hai bên. Việc đầu tiên họ làm là giải tôi tới thợ cắt tóc trong tù. Một anh chàng cầm chiếc tông-đơ và hớt đầu tôi trụi lủi. Lúc ra tù, tôi mới biết là họ phạt tôi 114 đô la và lột hết tước hiệu. Giấy tờ thủ tục mất hai tuần nữa. Cuối cùng tôi cũng giải ngũ.

Trầm Hương: Sau khi giải ngũ, anh kiếm sống thế nào?

Marc Levy: Tôi đã viết về chuyện này. Trong vòng vài tháng tôi làm gác cửa, soát vé cho rạp chiếu phim, rồi một chuỗi công việc vặt vãnh khác. Sau đó tôi vào đại học Seton Hall, New Jersey. Tôi học đại học từ năm 1972 tới 1976, về các tôn giáo trên thế giới. Tôi có hai thể loại bạn: một loại rất thông minh và trưởng thành, còn lũ kia là một bọn tâm thần, khùng điên, hung bạo…

Trầm Hương: Còn phụ nữ thì sao?

Marc Levy: Khi còn đi học tôi khá bất cần. Không hẳn là tình cho không biếu không, nhưng có rất nhiều thứ thoáng qua. Tôi hay nghĩ về những việc đó. Tôi cũng nghĩ một chút tới Việt Nam. Tôi đi chơi với rất nhiều phụ nữ, mà không có chút tình cảm nào với hầu hết bọn họ. Có thể tôi cảm nhận những tình cảm đó được hai hay ba lần, ngoài ra tôi không biết một mối quan hệ là như thế nào.

Khi ở Honduras tôi yêu một phụ nữ thật sự, nhưng cô ấy lợi dụng tôi như tấm vé thoát khổ, nên khi cuộc tình chấm dứt thì tôi rất đau buồn. Nói chung, tôi đã có rất nhiều chuyến phiêu lưu, còn hôn nhân thì… một con số không. 

Trầm Hương: Có mối liên quan nào giữa một con người tự do, mắc hội chứng PTSD, anh trở thành nhà văn?

Marc Levy: Tôi tốt nghiệp, rồi làm việc với cựu chiến binh cho bang New Jersey một thời gian. Trong mọi công việc tôi luôn có vấn đề với cấp trên. Tôi lấy được bằng thạc sĩ ngành công tác xã hội, nên lương tăng được một chút. Nhưng vấn đề với cấp trên bắt đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Tôi đã mắc vào các cuộc cãi tay đôi với nhiều người thật sự tốt…

Sau đó tôi phiêu dạt khoảng một năm, rồi tôi đi Trung Mỹ, tham gia hai nhóm hoạt động xã hội liên quan đến các vấn đề của Trung Mỹ đối với chính sách Hoa Kỳ. Tôi đồng cảm với những con người ở đây, vì những điều người Mỹ đang làm với họ… Rồi tôi kiếm được một công việc công tác xã hội ở New Zealand, làm được một năm. Sau đó tôi đi Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Úc...

Khi tôi trở về từ chuyến du lịch châu Á, tôi nhận ra mình có đủ chất liệu để viết một quyển sách. Tôi bắt đầu với Trung tâm William Joiner, thật sự viết một cách nghiêm túc và học cách viết. Vậy là tôi phải trải qua 15 năm để có đủ chất liệu mà chọn lọc… 

Trầm Hương: Tất cả những ấn tượng và trải nghiệm trong chiến tranh… anh có dùng nó trong tác phẩm của mình? 

Marc Levy: Tôi từng thử viết truyện chiến tranh, nhưng không thành công. Hầu hết những truyện tôi viết coi được, hay hy vọng thế, đều là truyện hậu chiến. Một số sự việc có thật. Một số điều tôi dựng nên. Tôi không đọc truyện chiến tranh. Tôi quá bị ám ảnh, nên viết về thời hậu chiến thì dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng viết thành công vài bài thơ chiến tranh.

Trầm Hương: Hẳn là nỗi ám ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn nằm sâu trong tâm thức anh?

Marc Levy: Phải. Tôi sẽ đọc một đoạn này, có tên là Bốn mươi lăm ngày:

Đồng đội la: “Quăng tôi trái lựu!”
Tôi làm thế. Anh giựt chốt. Bing!
Anh đếm đến ba, quăng trái lựu.
BÙM! Địch chắc phải chết hết thôi.
Nhưng rồi tiếng “tách” nghe kinh khiếp:
Lựu đạn Trung Cộng, địch giật dây.
Hóa chất nóng chảy trong vỏ gỗ
Từ hàng cây rậm cứ bay ra.
Rơi xuống, đốt cong nòng súng máy
Wilson, Dorio, Roy, Beck đứng bật lên.
Wilson la lớn: “Coi chừng đó!
Cánh trái quân thù sẽ xiên ta”.
Tôi quay súng, chúng tôi bắn trả.
Bỗng “tách, BẰNG!”. Bụi đất tối đen.
Các anh ai cũng trúng đạn rồi…
Khi quân y khiêng các anh đi,
Khi kiểm tra xong vết máu, thịt,
Chúng tôi bèn rút khỏi nơi này.
Tuần hành, mai phục, rừng, mưa gió,
Chúng tôi nào có muốn?
Chúng tôi nào có mơ?

Chẳng có khói hiệu trên trảng rộng
Để trực thăng xuống đón chúng tôi
Chẳng chút gió trời cho đến lúc
Trực thăng đáp xuống mặt đất rồi.

Chẳng có gì!

Cả ngày lê lết đường trơn tối,
Trượt rồi lại leo dốc sình lầy,
Lội trong bóng tối, trong khe hẹp,
Cố nhấc thêm một bước nhọc nhằn.

Thả ba-lô xuống trong trời lửa,
Chúng tôi nguyền rủa mà lại yêu
Việt Nam... Việt Nam. 

Trầm Hương (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI