Trò chuyện với nhà báo Vũ Kim Hạnh: Vẫn miệt mài trên đường cùng hàng Việt...

25/06/2018 - 18:36

PNO - "Bây giờ, với tôi tên tuổi, chức vụ, quyền lực, danh vọng… đâu phải là điều quan trọng nữa; chỉ có bản tính thẳng thắn, nỗi lo lắng bức xúc cho doanh nghiệp, nhiệt tâm hành động là vẫn như xưa", nhà báo Vũ Kim Hạnh chia sẻ.

Tôi muốn nhiều người... sốc

Phóng viên: Vừa đưa 30 doanh nghiệp (DN) Việt Nam sang Thái Lan dự hội chợ Thương mại Quốc tế về Thực phẩm và đồ uống châu Á (Thaifex) từ ngày 29/5 đến 2/6, chị lại vội vã ra Hà Nội dự hội thảo của Ban tư vấn về kinh tế tư nhân của Thủ tướng rồi tức tốc xuống miền Tây. Chị đi nhiều không thua gì những ngày làm báo. Những bài chị viết đều đặn trên báo, trên Facebook vẫn “sôi sục” câu chuyện hàng Việt. Gần đây nhất là chuyện Thái Lan khai thác sản phẩm truyền thống Việt: phở, mắm, gạo, bưởi da xanh… để bán ra thế giới. Chị vẫn là “bộ trưởng bộ than” như có người từng đùa?

Tro chuyen voi nha bao Vu Kim Hanh: Van miet mai tren duong cung hang Viet...
Nhà báo Vũ Kim Hạnh

Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Tại hội thảo ở Hà Nội có khá nhiều lãnh đạo các bộ dự. Tôi đã dự tính, nếu phát biểu, sẽ nói một thực tế gây sốc. Đó là nông dân và DN nhỏ Việt Nam - chiếm tới 90% số DN cả nước-không quan tâm, không am hiểu về một yêu cầu nền tảng trong luật chơi hội nhập: tiêu chuẩn.

* Nhìn thực tế, ta thấy nhiều điều đáng sốt ruột: nông sản thì đổ bỏ ở biên giới và cần giải cứu liên miên, an ninh tiền tệ bị xâm phạm, vụ “du lịch không đồng”, hướng dẫn viên, khách sạn của họ, mua bán tham quan ở các cửa hàng, thanh toán tiền Nhân Dân Tệ thẳng về nước… chưa bao giờ tôi thấy khó như bây giờ. Nhiều khi không biết đầu tư từ đâu.  Đòi hỏi ngày càng khó lên, cán bộ không biết chuyên môn, không hiểu công nghệ, ít chịu học hành lại thêm thiếu cái tâm thì làm sao mà làm?

- Cứ nói mãi chúng ta vẫn xuất thô, qua đường tiểu ngạch nhưng không biết đến tiêu chuẩn, trong khi đó thị trường buôn bán với thế giới họ mua một cọng tỏi, miếng khoai cũng hỏi tiêu chuẩn.

Tro chuyen voi nha bao Vu Kim Hanh: Van miet mai tren duong cung hang Viet...
Gặp chuyên gia Pháp về chỉ dẫn địa lý ở Hà Nội.

* So với cách đây hơn 20 năm, thời chị cùng Báo Sài Gòn Tiếp Thị khởi xướng chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), thì DN cũng nỗ lực và có bước tiến rồi chứ? Các khái niệm kinh doanh hiện đại cũng khá phổ biến rồi. Vậy chị thấy cái khó tiếp theo là gì? 

- Lo lắng nhất của tôi là Việt Nam quá chậm trong việc chuyển đổi kỹ thuật số. Thế giới đi lâu rồi, mình còn xa lạ. Trung Quốc thì hầu như cả nước họ buôn bán, thanh toán đều qua mobile. Sản phẩm xuất khẩu của chúng ta thì bị vướng ngay từ đầu, từ điều kiện “knock out” nên bị “rớt từ vòng gửi xe”.

Tro chuyen voi nha bao Vu Kim Hanh: Van miet mai tren duong cung hang Viet...
Gian hàng Việt tại hội chợ Thaifex.

Thế giới có tiêu chuẩn quốc tế, nằm trong hệ thống kiểm tra toàn cầu. Nhiều DN và nhà sản xuất Việt Nam bất chấp nên “không chơi được với thiên hạ”. Đó là cái dở nhất. Môi trường kinh doanh, sự tiến bộ DN, mình không theo kịp thì tụt hậu rất nhanh.

* Xin chị cho biết ai là tác giả thương hiệu HVNCLC?

- Đây là công trình của một tập thể rộng lớn, khởi xướng năm 1996 của Báo Sài Gòn Tiếp Thị nhằm phục vụ người tiêu dùng, rồi đến các lãnh đạo trung ương và địa phương, các chuyên gia kinh tế, những người làm báo, những nhà hoạt động xã hội. Nhưng quan trọng và nòng cốt nhất vẫn là hai thành phần cơ bản: DN và người tiêu dùng.

* Vậy công sức của chương trình HVNCLC khởi nguồn từ những người làm báo đã giải quyết được những vấn đề gì?

- Chương trình đã xây dựng được bốn cột mốc phát triển cho DN Việt: xây dựng thương hiệu, xây dựng hệ thống phân phối, hỗ trợ DN hội nhập (đưa hội chợ HVNCLC ra các nước trong và ngoài khu vực), hỗ trợ DN đổi mới và sáng tạo.

Gần đây, ta thường nghe nói tới Cách mạng công nghiệp 4.0. Đầu tư tiền của, nhân sự thì nên tập trung làm chứ đừng nói. Chúng ta nói 4.0 nhiều nhất, trong khi Singapore không nói mà đầu tư hạ tầng thông tin dữ liệu, nghiên cứu, triển khai đủ các chương trình lớn về trí tuệ nhân tạo, big data, IoT, các chương trình huấn luyện về chuyển đổi số cho DN, cấp cho các đại học quỹ nghiên cứu về kỹ thuật số. 

* Bây giờ chị mong muốn làm gì tiếp theo?

- Có đồng chí lãnh đạo yêu cầu tôi thử nêu giải pháp để thoát cảnh cứ lâu lâu lại có các chiến dịch giải cứu nông sản. Tôi nói đó là: “chuẩn chất lượng và giá trị gia tăng”. Sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn chất lượng và phải chế biến.

Thế giới người ta ăn đồ chế biến, mình cứ làm tùy tiện, sản xuất thì sử dụng thuốc sâu không theo quy định, rồi trúng mùa cũng chỉ xuất thô, hơn 70% nông sản chỉ bán cho Trung Quốc. 20 năm trước HVNCLC phải lấy yêu cầu và đánh giá của người tiêu dùng làm chuẩn. Nay phải thêm cạnh đó là “chuẩn hội nhập”.

Tro chuyen voi nha bao Vu Kim Hanh: Van miet mai tren duong cung hang Viet...
Chấm thi dự án khởi nghiệp.

Hàng Việt không chuẩn chất lượng: “Rớt từ vòng gửi xe"

* Bây giờ tiến lên bước nữa - Hội doanh nghiệp HVNCLC của chị lại hình thành bộ tiêu chí: HVNCLC - chuẩn hội nhập. Nó là gì vậy, thưa chị?

- Bộ tiêu chí được xây dựng với mục đích bảo chứng về chất lượng sản phẩm, liên quan yếu tố kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng - thể hiện tính cam kết của DN về sản phẩm.

Đây là bước vào thế giới quản lý chất lượng sản phẩm bằng hệ thống tiêu chuẩn với cộng đồng thế giới. Trong cộng đồng này, tiêu chuẩn là quyền lực, đó là cam kết chất lượng uy tín. DN Việt đang phải đối diện sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hội nhập, khi các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết đang đi vào thực thi. Và thước đo cạnh tranh chính là cam kết về tiêu chuẩn.

Hệ sinh thái chất lượng ví như một tam giác: Chính phủ - ban hành tiêu chuẩn và chế tài sự vi phạm. DN: phải tuân thủ. Nhưng nhiều khi họ không biết chọn tiêu chuẩn nào, làm sao lấy giấy chứng nhận, trình với ai.

Thế giới hiện nay nước nào cũng có bên thứ ba là tổ chức hội ngành nghề, tổ chức nghiên cứu và xúc tiến giúp doanh nghiệp, tư vấn, thông tin, hướng dẫn và đồng hành hỗ trợ họ. Chúng tôi chính là “bên thứ ba” này.

* Chị có thể cho biết cụ thể là làm gì không?

- Phải biết DN gặp khó khăn gì. Xây dựng tiêu chuẩn và theo dõi giúp đỡ để DN được cấp giấy chứng nhận, để giảm bớt thời gian và chi phí khi thực hiện tiến trình lấy giấy chứng nhận của các tổ chức quốc tế. Chuẩn này có đầy đủ cơ sở pháp lý, có điều kiện để công nhận đạt chuẩn.

Tro chuyen voi nha bao Vu Kim Hanh: Van miet mai tren duong cung hang Viet...
Tiếp thủ tướng Thái tại Nhà Việt Nam, hội chợ Asian Băng Cốc, tháng 8/2017.

Ưu tiên cho DN được người tiêu dùng Việt tin cậy về chất lượng, được thị trường kiểm định, tức là đạt HVNCLC. Nếu là thực phẩm, tuân thủ luật an toàn thực phẩm, các quy chuẩn của Việt Nam. Thực hành các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế về an toàn thực phẩm (như FDA của Hoa Kỳ, BRC của Anh quốc, IFF của Đức…).

* Lao vào những việc mới mẻ và quan trọng này, chị có thấy khó khăn?

- Để hiểu và làm được, tôi phải tập trung tự học, tìm hiểu những vấn đề hoàn toàn xa lạ với tôi và tiếp cận nhiều vấn đề thực tế rất sốc. Ví dụ như nông dân chưa quen với kỷ luật, rất khó thuyết phục họ, ngay ở những việc đơn giản như ghi nhật ký nuôi trồng, xuất xứ tỉ mỉ cũng không dễ.

Tôi từng biết có doanh nhân muốn đầu tư làm nông sản có tiêu chuẩn để lấy lại danh dự cho nông dân Việt nên thuê cả mấy trăm nhân viên giám sát, đến giúp từng hộ dân, nhưng rồi cũng thất bại.

Nhiều DN và nhà nông không quan tâm đến tiêu chuẩn nên cứ giải cứu hoài, phụ thuộc thương lái Trung Quốc hoài. DN và nông dân chưa thấy phải sống chết tuân thủ thì mới tồn tại được. Chứ không phải “bà Hạnh bịa ra ngáo ộp cho nông dân”.

Chúng tôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận quyền chủ sở hữu danh hiệu “HVNCLC - Chuẩn hội nhập” và giờ càng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp.

Tro chuyen voi nha bao Vu Kim Hanh: Van miet mai tren duong cung hang Viet...
 

* Với kinh nghiệm và sự tận tụy của mình, hẳn chị nhận được nhiều sự giúp đỡ…

- Rất nhiều. Từ các lãnh đạo bộ, ngành, lực lượng chuyên môn sâu về tiêu chuẩn quốc tế của ban dự án. Có cả các câu lạc bộ và chính sách. Rất nhiều trí thức tài năng trong và ngoài nước.

* Theo chị, báo chí có thể hỗ trợ gì cho công việc mới này của chị?

- Hỗ trợ cho nông dân và DN về tiêu chuẩn là việc mới, cần sự chung tay của nhiều người. Lâu nay xây dựng tiêu chuẩn được xem là thuần túy kỹ thuật và có vẻ khô khan, chặt chẽ. 

Trước nhất, cần xây dựng nhận thức để người sản xuất hiểu cuộc chơi mới của thị trường hội nhập đã hoàn toàn thay đổi. Họ cần đạt các tiêu chuẩn chất lượng để đứng vững trong cạnh tranh phát triển bền vững.

Giới truyền thông xúc tiến, khuyến nông hay khuyến công, hãy đồng hành cùng họ và truyền lửa cho họ, thêm động lực cho họ trong làm ăn. Hướng dẫn họ chi tiết, từng khâu của quy trình. Hô hào suông không có tác dụng.

Tro chuyen voi nha bao Vu Kim Hanh: Van miet mai tren duong cung hang Viet...

Tôi đã khác thời làm báo Tuổi Trẻ

* Chị làm được nhiều việc như hiện nay có phần do trước đây đã học về thương mại ở Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn?

- Thời đó qua lâu rồi. Tôi phải trải nghiệm và lớn lên nhiều trong thực tế đời sống, trong đó có cả thời kỳ làm báo. Cái nền học thương mại giúp tôi đi vào vấn đề của DN và kinh tế được nhạy hơn và sâu hơn.

* Chị từng nói làm báo và công việc hỗ trợ DN khá giống nhau?

- Đúng vậy. Công việc ấy gian nan cũng không kém nghề báo. Việt Nam không có nghề xúc tiến thương mại như thế giới. Nghề này, công cụ cơ bản cũng là xử lý thông tin, thuyết phục các bên, kiến nghị chính sách, thực hiện nghiệp vụ hỗ trợ. Phải thêm những kỹ năng khác như: làm việc với lãnh đạo, với DN, với chuyên gia, nghề dạy nghề...

Tro chuyen voi nha bao Vu Kim Hanh: Van miet mai tren duong cung hang Viet...
 

Hai công việc đều dựa trên nền tảng xử lý thông tin, tìm giải pháp cho DN, tìm thị trường; do đó kỹ năng từ nghề báo rất quan trọng. Ví dụ, khi dẫn đoàn DN dự hội chợ ở Thái Lan vừa rồi, tôi mời một số chuyên gia đi để cùng nghiên cứu thực tế, có cái nhìn tổng hợp, đối chiếu, phân tích mới thấy được những nhận định quan trọng dựa trên các thông tin được xử lý tốt. Hai nghề đều là thu thập, xử lý và trình bày thông tin.

* Có người nhận xét chị bây giờ không giống “Kim Hạnh thời ở Báo Tuổi Trẻ”. Vì sao vậy?

- Xưa làm báo mình nhanh nhạy, sôi nổi, quyết liệt, làm gì cũng ráo riết theo đến cùng, không chấp nhận lý lẽ là sát phạt dữ dội. Nay, mình là một Kim Hạnh biết lắng nghe những chê trách, không sát phạt ngay những điều bất bình, biết nhẫn nhục, chịu khó thuyết phục...

Có người thắc mắc nhiều phiên họp không gửi giấy mời mà tôi cũng tới. Thì cũng như nhà báo, đợi mời, đợi phong bì thì làm nghề gì được? Thực ra, tôi đã “luyện công” rất nhiều. Làm nghề xúc tiến thương mại phải biết ưu khuyết của đối tượng để mình bổ sung giúp họ.

Với từng trường hợp cụ thể, tôi phải viết thư, gặp trực tiếp để thuyết phục hoặc nhờ cả người khác giúp… mà nhiều khi cũng không cần cho đối tượng biết. Bây giờ, với tôi tên tuổi, chức vụ, quyền lực, danh vọng… đâu phải là điều quan trọng nữa; chỉ có bản tính thẳng thắn, nỗi lo lắng bức xúc cho DN, nhiệt tâm hành động là vẫn như xưa.

Tro chuyen voi nha bao Vu Kim Hanh: Van miet mai tren duong cung hang Viet...
Thể dục buổi sáng và thư giãn cùng bạn bè.

* Công việc bận rộn, căng thẳng, gần như không còn thời gian cho cuộc sống riêng tư, những năm tháng miệt mài làm việc đã để lại những thay đổi gì trong con người và cuộc sống của chị?

- Vài tháng gần đây tôi cảm nhận cơ thể mình đã bắt đầu có những cơn nhức mỏi (cười), nhưng chỉ vậy thôi, còn trí nhớ và khả năng tư duy vẫn tốt. Điều quan trọng bây giờ là xác định DN thiếu điều gì để mình có thể giúp. Cuộc sống của tôi, cho đến thời điểm hiện tại vẫn không thể thiếu công việc.

Tro chuyen voi nha bao Vu Kim Hanh: Van miet mai tren duong cung hang Viet...
 

* Tôi còn nhớ chị từng mơ ước: sẽ kết thúc bằng nghề giảng dạy?

- Tôi tính sẽ đi dạy, viết sách. Tôi đang cấu trúc lại nhiệm vụ và các chương trình hành động của BSA, xây dựng đội ngũ tốt và tôi vẫn viết bình luận thị trường cho báo Thế Giới Tiếp Thị, viết những gì thấy cần cho trang cá nhân trên Facebook. Hy vọng sau hai năm nữa, tôi sẽ được làm việc mình thích, nghiên cứu và giảng dạy về kinh doanh thương mại.

* Xin cảm ơn và chúc chị thực hiện được những dự định của mình. 

• Từng là tổng biên tập và chủ biên hai tờ báo: Tuổi trẻ và Sài Gòn Tiếp Thị.
• Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).
• Tên chị gắn với “cuộc dân vận về kinh tế” - từ chương trình của một tờ báo, “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn”.
• Tiếp tục góp sức cho sự phát triển của doanh nghiệp với chương trình kế tiếp song song “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập”.

 Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI