Trò chuyện với bác sĩ của ma túy và những đêm nhạc từ thiện

10/02/2019 - 07:01

PNO - Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển luôn mang theo trong người đến 3 chiếc điện thoại di động: 1 chiếc dành cho bệnh nhân, 1 chiếc dành cho bạn bè - người thân, 1 chiếc dành dành riêng cho quỹ từ thiện Trái tim trên tường.

Sinh năm 1962, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cầm tinh tuổi con cọp (Nhâm Dần). Ông đang là Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, kiêm Trưởng khoa T3 Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, chuyên gia phân tích về các chất gây nghiện và phản biện chính sách y tế.

Ông là người sáng lập chi hội từ thiện Trái tim trên tường (thuộc Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM), tổ chức đêm nhạc Blouse Trắng quyên góp quỹ từ thiện. 

Tro chuyen voi bac si cua ma tuy va nhung dem nhac tu thien
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển 

Ngày đầu Xuân, chúng tôi xin một cuộc trò chuyện với bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển trong quán cà phê cạnh nhà ông, ở con hẻm nhỏ trên đường Cách mạng tháng tám (quận 3, TP.HCM). 

Đến giờ hẹn, ông xuất hiện với dáng vẻ tất tả, trên tay là chiếc laptop đang mở sẵn để tranh thủ trả lời câu hỏi của chúng tôi để kịp quay về nhà chuẩn bị cho các chương trình từ thiện đầu năm.

Kéo ghế, ông đặt trên bàn 3 chiếc điện thoại di động, ông giải thích: 1 chiếc dành cho bệnh nhân, 1 chiếc dành cho bạn bè - người thân, 1 chiếc dành dành riêng cho quỹ từ thiện Trái tim trên tường.

Bác sĩ tâm thần nhưng chuyên gỡ rối về chất gây nghiện

Cuộc trò chuyện của chúng tôi thường bị ngắt quãng giữa chừng do tiếng chuông từ chiếc điện thoại dành riêng cho bệnh nhân. Từ thông tin… nghe lỏm qua cuộc trò chuyện của ông, chúng tôi biết được đó là câu chuyện của một cô gái ở Phú Yên luôn rơi vào cảm giác sợ hãi những người xung quanh.

Dù đã tốt nghiệp xong một trường cao đẳng nhưng xin việc ở bất cứ nơi đâu, cô cũng chỉ làm một thời gian ngắn rồi xin nghỉ vì quá sợ hãi. Sau khi đến khám và điều trị ở phòng mạch của bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, cô về quê và được bác sĩ Hiển động viên tiếp tục công việc mới. Cuộc điện thoại là từ người mẹ của cô gái muốn xin tư vấn qua điện thoại về tình trạng bệnh của con gái mình.

Tro chuyen voi bac si cua ma tuy va nhung dem nhac tu thien
Hình ảnh bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển chụp năm 2008 ở thành phố Venice, Ý - sau khóa tu nghiệp về chất gây nghiện ở Bỉ ông đã đến đây du lịch. Tại Venice  - nơi có câu chuyện ly cafe trên tường. Từ chuyến đi này, ông có ý tưởng thực hiện hoạt động từ thiện Dĩa cơm trên tường và sau đó là Trái tim trên tường.

Một lát sau, có thêm cuộc điện thoại nữa, từ một người nhà của nữ học sinh ở Vĩnh Long thông báo cho bác sĩ tình trạng của em tiến triển khá hơn. Đây là một trong những trường hợp rất thú vị vì cách chữa bệnh… không giống ai của bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển.

Cô gái bị hội chứng rối loạn ám ảnh và có hành vi kỳ dị là thích nhổ tóc trên đầu. Em đang học lớp 9 nhưng mái tóc thì xác xơ vì sở thích kỳ lạ. Em nói rằng mỗi lần một sợi tóc được nhổ là mỗi lần em cảm giác rất khoan khoái. Sau vài toa thuốc nhưng có vẻ không thay đổi được thói quen này, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển mạnh dạn đưa ra cách trị liệu của mình: đó là nói với mẹ cô bé cạo sạch mái tóc của em kết hợp với uống thuốc.

Ông giải thích: “Tóc cạo rồi sẽ mọc lại, còn với đà tiếp tục nhổ tóc như vậy thì trước sau gì cũng trọc vĩnh viễn. Cạo tóc sẽ tạo một cú sốc mạnh khiến em mất thói quen nhổ tóc. Trong khi đó, vẫn tiếp tục dùng thuốc. Sau một thời gian, thuốc phát huy tác dụng trong khi thói quen bị lãng quên dần do không còn tóc để nhổ. Phương án này sẽ hiệu quả như cách cai cơn nghiện ma túy”. 

Tro chuyen voi bac si cua ma tuy va nhung dem nhac tu thien
Là bác sĩ tâm thần kinh nhưng bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển lại rất có duyên khi nói về các chất gây nghiện

Những câu chuyện như vậy khiến người viết bỗng cảm giác đây dường như không phải là bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển quen thuộc nữa. Vì đơn giản ông được nhiều người biết đến là một chuyên gia về các chất gây nghiện. Ít ai nhớ đến ông như một bác sĩ chuyên khoa 2 về tâm thần kinh, hiện vẫn đang công tác tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.

Với ma túy, bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển là người có thâm niên trên 20 năm. Ông hiểu rõ từng chất gây nghiện, triệu chứng trên người sử dụng, tiếng lóng của dân chơi ma túy, giá cả của tép heroin, của 1 con tem giấy hay 1 gói cỏ Mỹ, 1 bịch cần sa, “một chấm” ma túy đá…

Thậm chí cả những loại ma túy mới xuất hiện trên thế giới, chưa xuất hiện ở Việt Nam cũng đều được ông quan tâm tìm hiểu. Không chỉ trả lời báo, đài về ma túy mà ông còn là báo cáo viên cho các bệnh viện, trường học về tác hại của ma túy và cách nhận biết, hỗ trợ các bác sĩ cấp cứu về trường hợp bệnh nhân là con nghiện nhập viện.

Tro chuyen voi bac si cua ma tuy va nhung dem nhac tu thien
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển trong một buổi nói chuyện tại trường học về tác hại của các loại ma túy
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển giải thích, nghiện chất là 1 nhóm bệnh thuộc chuyên khoa tâm thần: “Trong bảng phân loại quốc tế về bệnh tật của Tổ chức Y tế Thế giới có đúng 100 loại bệnh tâm thần thì nghiện chất chiếm hết 10 bệnh. Sau khi học xong chuyên khoa 1 về tâm thần, tôi tiếp tục học lên chuyên khoa 2 và chọn 1 chuyên ngành hẹp trong tâm thần là nghiện chất và nhờ được tu nghiệp tại Thái Lan và Bỉ cùng với việc trực tiếp điều trị và giảng dạy nên tôi có điều kiện đào sâu trong lĩnh vực này”.

Người viết có hỏi ông phải chăng nghiên cứu ma túy… có sức thu hút với ông hơn là bệnh lý tâm thần? Vị bác sĩ có lẽ hơi giật mình một chút rồi lắng lại, nhỏ nhẹ nói: “Thật sự, về bệnh lý tâm thần như: trầm cảm, rối loạn lo âu hay tâm thần nhi thì tôi không bằng một số đồng nghiệp. Nhưng về ma túy thì chắc tôi là người tìm hiểu kỹ nhất rồi đó”.

Vị bác sĩ nở lại nụ cười sảng khoái khi câu chuyện đề cập đến các loại ma túy. Ông cho biết hơn 20 năm tìm hiểu về ma túy, tiếp xúc với hàng trăm người chơi ma túy nhưng chưa từng thử qua một loại ma túy nào cả: “Lý do chính là tôi biết rõ tác hại của ma túy nên không bao giờ thử.

Tôi tiếp xúc khá dễ dàng với người chơi ma túy nhờ rành các tiếng lóng của họ và luôn xem họ là một bệnh nhân. Vì nghiện ma túy là 1 bệnh lý mãn tính của não bộ (theo như định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới).

Tro chuyen voi bac si cua ma tuy va nhung dem nhac tu thien
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển thường góp ý kiến từ một góc nhìn khác để chính sách y tế tốt hơn và tránh sai lầm do chủ quan

 “Y học gần đây tiến bộ rất nhanh nên bác sĩ cần phải liên tục trau dồi chuyên môn, nếu không sẽ bị tụt hậu, nhưng chính sách cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Bạn không thể làm tốt trong một chính sách có nhiều khiếm khuyết hay trói buộc.

Hiện nay bác sĩ bỏ quá nhiều thời gian cho các thủ tục liên quan đến bảo hiểm y tế nên sẽ làm giảm thời gian dành cho bệnh nhân, đó là điều trăn trở của tôi. Ở nước ngoài, bác sĩ chỉ cần biết bệnh nhân này chẩn đoán như thế nào, cần can thiệp ra sao…Những việc còn lại là của người thư ký y khoa” (BS Huỳnh Thanh Hiển).

Con đường từ bác sĩ của ma túy đến bác sĩ của những đêm nhạc

Quỹ từ thiện Trái tim trên tường với hoạt động chính là gom tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm từ các đêm nhạc Blouse Trắng để giúp đỡ bệnh nhân nghèo đã trở thành thương hiệu, luôn gắn liền với vai trò của bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển.

Ông hiện nay là chủ tịch của quỹ từ thiện Trái tim trên tường. Những đêm nhạc Blouse Trắng được tổ chức mỗi thứ bảy hàng tuần ở một quán café. Người biểu diễn thường là người của ngành y như bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, điều dưỡng…

Tro chuyen voi bac si cua ma tuy va nhung dem nhac tu thien
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển là người "chủ xị" các đêm nhạc Blouse Trắng gây quỹ từ thiện

Số tiền thu được từ các đêm nhạc được dành hết vào hoạt động từ thiện như trợ giúp tiền ăn cho bệnh nhân tâm thần nghèo, bệnh nhân hôn mê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, mua trứng cho bệnh nhân tâm thần, mua băng vệ sinh cho nữ bệnh nhân tâm thần…

Tro chuyen voi bac si cua ma tuy va nhung dem nhac tu thien
Hình ảnh chính bác sĩ Hiển chụp chiếc xe máy chở đầy quà từ thiện của nhà hảo tâm. Ông mang đến tận nơi là một trung tâm nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần ở Thủ Đức, TP.HCM

Là bác sĩ của người tâm thần nên có lẽ đi đâu ông cũng hay để ý đến họ trước. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển nói rằng có lần ông đi đến một trại tâm thần, nhìn thấy những bộ quần áo đang mặc trên người bệnh nhân tâm thần lem bẩn vết máu của chu kỳ kinh nguyệt, ông không khỏi giật mình.

Đồng nghiệp cho biết kinh phí nhà nước cấp không đủ nên có khi không còn tiền mua băng vệ sinh cấp phát cho bệnh nhân nữa. Sau khi kêu gọi, có nhà hảo tâm là một người đàn ông, xin không công khai danh tính đã tài trợ món quà đặc biệt này từ nhiều năm nay cho bệnh nhân nữ tâm thần.

“Làm từ thiện giống như mình thấy 1 chiếc bình được chất đầy đá, thoạt nhìn thì thấy đã đầy, nhưng mình vẫn có thể đổ thêm cát, thậm chí khi đã đổ đầy các thì mình vẫn có thể đổ thêm nước vào.

Có nhiều cách thức làm từ thiện, chúng tôi tìm những góc khuất từ trong cuộc sống mà các nhóm từ thiện khác không hoặc chưa làm để làm”. (Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển)

Tro chuyen voi bac si cua ma tuy va nhung dem nhac tu thien
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển và các thành viên của quỹ từ thiện Trái tim trên tường hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư tại BV Ung Bướu TP.HCM

Cũng trong những lần vào các trại tâm thần khác ở các tỉnh thành xa, thấy bệnh nhân tiều tụy nên ông về và đi xin trứng cho họ. Ông nói, trứng là món ăn không đắt  tiền nhưng lại cung cấp nhiều dinh dưỡng cho bệnh nhân tâm thần.

Rồi hàng tháng có hàng ngàn quả trứng gà từ nhiều năm nay vẫn liên tục đến các trại tâm thần ở TP.HCM, Bình Dương và Bình Phước.

Khi người viết thắc mắc, làm sao một vị bác sĩ còm nhom lại có nhiều năng lượng đến thế, ông cười thoải mái bảo rằng: “Có lẽ làm nhiều việc vì vậy mà tôi ốm nhom ốm nhách. Thực ra, để làm bất cứ việc gì đều đòi hỏi phải ham thích, tôi thích câu chuyện ly cà phê trên tường bên Venis (Ý) và biến nó thành Dĩa Cơm Trên Tường và bây giờ là Trái Tim Trên Tường và đêm nhạc Blouse Trắng”.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI