Thời trước, người ta chuẩn bị đón Tết kỹ hơn thời nay. Mấy ngày trước Tết, việc đầu tiên là phải lau dọn bàn thờ gia tiên, đồ đồng phải đánh sáng loáng, sạch bong; thức đêm nấu bánh chưng, mổ heo, nấu nước ngũ vị tẩy uế trong nhà; rồi trồng cây nêu... Tết Nguyên đán bắt đầu từ lúc giao thừa với lễ Trừ tịch - bàn thờ được đặt trước sân nhà, hoa quả, nghi ngút trầm hương thành kính.
Về “nguyên tắc” là thế, chứ tự thâm tâm người ta bắt đầu đón Tết từ 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về trời.
Thiếp hỏi chàng, ông gì chết không chôn
Đem gởi cây cao bóng mát, chuột với chồn không ăn?
Xin thưa, đó là bếp lò bằng đất nung, vốn rất quen thuộc trong tâm thức của nhiều người. Không chỉ là cái bếp lò, nó còn là nơi “ngự trị” của ông Táo, còn được gọi là Vua bếp, Thần bếp, Táo công, Táo quân... Mẹ tôi bảo, ông Táo là người ghi chép mọi chuyện tốt, xấu trong một gia đình, để cuối năm cưỡi cá chép bay về trời báo cáo với thiên triều. Rồi bà kể luôn về sự tích:
Thế gian một vợ một chồng
Nào như Vua bếp hai ông một bà
Thử hỏi, ai lại không có chuỗi ngày tuổi thơ, đi học về, bụng đói, lùi vài củ khoai trong tro bếp? Ai lại không có chuỗi ngày hoa niên, sáng sớm mùa đông, trước lúc đi học đã ngồi hơ bàn tay bên ánh lửa cháy liu riu? “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm (Bằng Việt). Nhớ quá, phải không?
Sực nhớ thời trẻ, ra Hà Nội, đi ngang qua khách sạn Hilton, có người bạn bảo: “Gọi phố Hỏa Lò, vì ngày xưa nó thuộc thôn Phụ Khánh, chuyên làm các loại ấm đất, siêu đất, các loại hỏa lò bằng đất nung bán khắp kinh kỳ”. Hỏa lò là lò làm bằng đất để đun nấu, vậy, cũng là một cách gọi cái bếp đấy nhỉ? Đi vào miền Nam mến yêu của nước Việt, còn nghe thêm một tên gọi khác:
Bếp cà ràng cào than dúm lửa
Nhắn chị Hai mày hé cửa anh chun
|
Bếp củi gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người Việt (Ảnh: Internet) |
Bông lơn mà da diết. Đôi khi chỉ cần ba cục gạch, xếp theo thế chân kiềng, người ta cũng có một bếp lò. Nhà nghiên cứu Tần Hoài Dạ Vũ cho biết: “Theo tín ngưỡng dân gian, để tỏ lòng biết ơn bếp lửa trong nhà, không thể không thờ Vua Bếp. Vua bếp chính là ông Công, hay Táo quân. Ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) là ngày Táo quân lên chầu trời, tâu việc Thiện - Ác của nhân gian. Mọi nhà đều làm lễ cúng tiễn, gọi là Chạp ông Công, hay nói nôm na là đưa ông Táo về trời. Ngày chạp, người ta mua vàng mũ hia mới về để thờ trong bếp, và đốt vàng mũ hia cũ đã treo thờ từ cuối năm trước. Do đó, nghĩ thật tội cho Táo quân, vì năm nào cũng phải đội mũ, mặc áo, mang hia cũ về chầu trời.
Phan Kế Bính, trong Việt Nam phong tục, kể một truyền thuyết: Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đến nỗi phải bỏ nhau. Sau, người vợ lấy được người chồng khác giàu có. Một hôm cúng, đang đốt vàng mã ngoài sân, vô tình người chồng trước vào xin ăn, vợ nhận ra, động lòng thương cảm, đem cơm gạo, tiền bạc cho; người chồng sau biết chuyện, người vợ xấu hổ lao đầu vào đống vàng mã đang cháy, chết thiêu. Người chồng cũ cảm kích, nhảy vào lửa chết theo. Chồng sau ân hận, cũng nhảy vào nốt. Cả ba đều chết cháy. Ngọc Hoàng thương vì cả ba người cùng có nghĩa, phong cho làm Vua bếp.
Không phải chỉ có con người mới tôn thờ ngọn lửa bếp, mà ở cõi thiên đình cũng chăm lo việc củi bếp, bằng chứng là theo sách xưa Tần thư, có chức quan Thiên trù (tên một vì sao) chăm lo việc bếp núc ở nhà trời; do đó, Thiên trù cũng có nghĩa là bếp của trời.
Trong dân gian còn có lệ, mỗi khi khánh thành nhà mới (hoặc ngay cả những người ở nhà thuê, mỗi khi dọn đến nhà mới thuê) đều phải mang ba ông Táo vào bày biện trước tiên. Ngay cả sau này, khi dùng bếp dầu hay bếp gas, khi dọn nhà mới, người ta cũng vẫn mang cái bếp vào nhà trước tiên. Vì phong tục dân ta cho rằng như vậy mới giữ được sự sung túc, giúp cho gia đình luôn ổn định và thịnh vượng”.
Thời buổi này, hầu như các nhà ở thị thành không mấy ai còn dùng đến cái bếp “quê mùa” nữa. Nó đã mất dần theo năm tháng. Trước hết là sự xuất hiện của cái “lò xô” được sử dụng bằng dầu Huê Kỳ, vừa sạch sẽ, vùa tiện lợi, có thể điều chỉnh ngọn lửa theo ý muốn, đỡ gây hỏa hoạn. Bây giờ, lại là bếp gas tiện dụng hơn nhiều, không sợ khói bám tường nhà ốp gạch trắng muốt...
Điều này cũng hợp lý thôi.
Nhưng liệu cái bếp gas có đủ sức gắn liền với “huyền thoại” tuyệt vời như bếp lò ngày xưa không? Ta không tiếc một bếp lò mất đi trong nhịp sống hiện đại, dù có tiếc cũng không được. Dòng chảy của đời sống cuốn trôi những gì không còn phù hợp, đặng tiếp cận với những gì phù hợp hơn, tiện ích hơn. Nhưng rồi ta bùi ngùi khi nghĩ đến một giá trị tinh thần gắn liền với cái bếp lò cũng nhạt dần chăng?
Tôi nghĩ rằng không.
Lê Minh Quốc