edf40wrjww2tblPage:Content
Tại hội thảo Đi tìm hạnh phúc gia đình do Cung văn hóa Lao Động TP.HCM tổ chức ngày 11/8, những người tham gia đã nhận được thêm sự tự tin trên hành trình trăm năm vì tìm thấy "chân lý": cuộc sống gia đình sẽ chuyển sang gam màu tươi sáng nếu mỗi người biết chủ động thay đổi chính mình...
Không biết đủ
Không biết đủ, không bằng lòng với thực tại, luôn thấy người khác tốt phước hơn mình là vật cản khiến ta không chạm tay được vào hạnh phúc gia đình. Chị Kim Yến (42 tuổi, làm thư ký văn phòng ở Q.6) bùi ngùi kể: “Ly hôn tám năm là ngần ấy thời gian tôi sống trong đau khổ, tiếc nuối. Chính sự nông cạn và tham vọng đã khiến tôi từ bỏ gia đình. Giờ nếu có cơ hội làm lại, tôi sẽ biết đủ ngay khi cuộc sống vẫn còn vất vả”. Chị Yến và chồng cũ quen nhau từ thời sinh viên. Chín năm sau ngày tốt nghiệp, đi làm, vợ chồng chị vẫn chưa mua được nhà, phải ở trọ, tiền bạc thường thiếu hụt những lúc con đau bệnh. Chị bất mãn vì chồng không cầu tiến, không học nâng cao nên mãi là nhân viên tầm thường ở siêu thị, lương ba cọc ba đồng. Trong khi đó, chồng của cô bạn chị lại học hành tấn tới, lấy bằng tiến sĩ, làm giảng viên một trường đại học danh tiếng, tiền lương một giờ đứng trên bục giảng hơn cả một ngày làm việc của chồng chị.
Mỗi khi đến nhà bạn chơi, nhìn cơ ngơi khang trang, ông chồng bảnh bao, thông thái, chị Yến thèm thuồng, mơ ước. Vậy là về nhà, chị thường nói ra nói vào, than nghèo kể khổ, so chồng mình với chồng người. Lời rỉ rả của chị từng ngày chạm tự ái, khiến anh cảm thấy mình là thằng đàn ông vô tích sự. Không vì thế mà gắng chí đổi đời, trái lại, anh bắt đầu nhận thấy vợ là người tham sang phụ khó. Vợ chồng chị từ đó sinh ra cắng đắng, căng thẳng, ly thân rồi ly hôn. Chị không giấu được những giọt nước mắt muộn màng: “Mấy tháng nay, cùng cô bạn nhiều lần đi bắt ghen ông chồng tiến sĩ, tôi càng tiếc người chồng năm xưa, trách mình ngu dại “thả mồi bắt bóng”. Hạnh phúc chỉ là sáng thức dậy, vợ nấu ăn, chồng giục con đánh răng, thay quần áo đi học… mà đến khi mất, đến đi tìm mãi không được, tôi mới biết”.
Không yêu cầu cao đối với bạn đời, anh Ngọc Chí (39 tuổi, làm nghề buôn bán ở Q.Tân Bình) cho biết: “Tôi chỉ cần vợ đừng càu nhàu, nói nhiều. Vậy là đủ. Nhưng, hình như cằn nhằn là thuộc tính của phụ nữ? Mấy ông bạn của tôi cũng đau đầu vì vợ cứ ra rả như đài phát thanh”. Bênh vực cho phái yếu, chị Hồng Tuyến (giáo viên, nhà ở Q.9) đặt ngược lại nhiều câu hỏi khá “nhột”: “Các anh chỉ biết trách vợ, sao không thử nhìn lại mình xem có bù khú quá lố không? Có ém tiền làm “quỹ đen” không? Có đùn hết việc nhà cho vợ, mình thì gác chân trên salon đọc báo? Phụ nữ không thể luôn ngọt ngào, tươi cười nếu phải chịu đựng quá nhiều áp lực”.
Để cỗ máy gia đình chạy tốt, người này phải chấp nhận người kia với tất cả những gì họ có, không kỳ vọng viển vông, không bắt họ rướn cao quá sức, không so sánh, “đứng núi này trông núi nọ”. Tuy nhiên, biết đủ không phải là ỳ, là cam chịu hay dung dưỡng thói hư tật xấu mà phải biết tạo điều kiện để bản thân và các thành viên khác trong gia đình hoàn thiện hơn. Biết đủ là tốt, nhưng “biết thiếu” cũng không hại nếu bạn nhận thức “cái thiếu” ấy là do mình, có thể cải thiện từ phía mình.
Phức tạp hóa
Không ít người, chỉ vì một tin nhắn nửa khuya vào điện thoại của vợ/chồng mà tan nát gia đình. Tất nhiên, bi kịch ấy còn phụ thuộc vào nhiều điều khuất lấp dưới “tảng băng chìm”, nhưng bạn có thể chọn cách hóa giải uyển chuyển, khéo léo nhất. “Đi tìm hạnh phúc là biết làm cho sự phức tạp trở nên đơn giản” - chuyên viên tư vấn tâm lý Vũ Gia Hiền (tư vấn trên sóng của Đài phát thanh truyền hình Bình Dương) đúc kết. Cùng đối mặt với trường hợp này, có bà vợ đã ném phăng cái điện thoại sau một hồi giằng co với chồng; nhưng có bà lại khiến chồng càng yêu, càng nể bằng những câu hỏi thông minh, có văn hóa và tôn trọng chồng. Trước nguy cơ chồng đánh mất lòng chung thủy, người vợ chẳng khờ đến mức không đánh động gì, nhưng cũng đừng dại đến mức kiểm soát, tra vấn, hạch hỏi chồng. Bằng sự suy diễn chủ quan, “nạn nhân” có thể xâu chuỗi những sự việc từ… năm Thìn để củng cố nghi vấn: bạn đời có bồ. Nào là vợ/chồng đi sớm về khuya, hay nói dối, cáu gắt khi bị dò hỏi, thường dấm dúi điện thoại, nào là xài tiền hao, ăn diện bất thường… Khi đó, chỉ cần tin nhắn nhầm thì cơn ghen cũng đã ghim vào tim bạn những mũi tên tẩm độc.
Anh Thanh Bình (41 tuổi, ở Q.Thủ Đức) đang sống trong hoàn cảnh gia đình rối như canh hẹ. Dù anh chưa có ý định ly hôn nhưng từ lâu anh đã không còn cảm nhận được niềm vui, sự đầm ấm trong nhà mình. Hỏi mấu chốt của mâu thuẫn, anh chẳng có gì để kể, tất cả chỉ toàn chuyện vặt, nhùng nhằng, không đáng. Anh nói: “Vợ chồng tôi cãi nhau chừng mười câu là lạc đề, thậm chí không nhớ nguyên nhân vì đâu mà bất hòa. Có khi chỉ vì tôi quên làm việc gì vợ nhờ, vợ đã cho tôi là người đàn ông vô trách nhiệm. Tôi bực tức, xỉa lại vài câu, rồi chuyện nọ xọ chuyện kia, vợ chồng không tiếc lời chỉ trích mắng mỏ nhau. Vợ chồng tôi vẫn yêu nhau, thương con, không ai mắc “tứ đổ tường” nhưng chẳng hiểu sao xáp lại là… nẹt lửa”. Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu quên làm việc vợ nhờ, anh Bình chịu khó xin lỗi. Biết tính chồng hay quên, vợ anh chỉ cần nhắc khéo, đừng chê trách nặng lời, là mọi việc êm xuôi, gia đình vui vẻ.
Ngay cả khi gia đình xảy ra “chiến tranh”, người gây chiến cũng không ngoài mục đích xây dựng. Mỗi người mong bày tỏ nguyện vọng hay nỗi bức bối của mình để đối phương lắng nghe, thấu hiểu, điều chỉnh. Từ đó, kênh giao tiếp nhịp nhàng hơn, ăn khớp hơn. Đích đến là hạnh phúc nhưng nhiều người lại vấp phải “cái tôi” nằm ườn giữa đường. “Cái tôi” lớn tiếng khẳng định “tôi là đúng, anh là sai, chính anh mới phải sửa đổi”… không ai nhường ai, tranh chấp kéo dài khiến vấn đề rối beng, đi quá xa.
Đi tìm hạnh phúc có thể vấp ngã, trầy trụa, lạc lối, thậm chí gặp kẻ cướp, nhưng không đi chắc chắn sẽ không bao giờ đến…
TÔ DIỆU HIỀN