"Trò chơi của trẻ em ở Bắc kỳ": Lời nhắc về cội nguồn và bản sắc

19/03/2023 - 07:08

PNO - Là cuốn sách đầu tiên tập hợp các trò chơi của trẻ nhỏ ở Bắc bộ vào đầu thế kỷ XX, "Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ" của Ngô Quý Sơn lần đầu được bạn đọc biết tới vào năm 1943 bằng tiếng Pháp trên tập san của Viện Nghiên cứu con người Đông Dương. Gần một thế kỷ sau, cuốn sách được chuyển ngữ sang tiếng Việt và giới thiệu rộng rãi trong nước..

Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ (Nhà xuất bản Thế Giới) viết về trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ khi xã hội truyền thống của người Việt bắt đầu có sự chuyển biến dưới chính sách cai trị của người Pháp. Sách được viết bằng tiếng Pháp có lẽ chủ yếu dành cho người Pháp và những người Việt biết tiếng Pháp.

 

Những tài liệu được Ngô Quý Sơn thu thập vào năm 1940 và 1941 tại một số làng ở miền Bắc. Ông quan sát trực tiếp nhiều trò chơi tại tỉnh Hà Đông (cũ), Bắc Ninh và Sơn Tây (cũ). Thông tin về trò chơi ở địa phương khác được người vùng đó tạm trú ở Hà Nội cung cấp.

Cuốn sách chủ yếu cung cấp thông tin về các trò chơi phổ biến ở Bắc bộ nhưng không đi sâu nghiên cứu lịch sử của nó. Tác giả đưa ra hệ thống hơn 100 trò chơi được miêu tả chi tiết, từ các trò liên quan đến cơ thể cho đến dùng que, dùng sỏi, đánh đáo, chơi diều, các bài đồng dao... 

Theo ông Paul Lévy - Trưởng ban Dân tộc học Viện Viễn Đông Bác cổ (thời điểm đó), các trò chơi là sự phản chiếu đời sống xã hội, lao động của người lớn đã được chuyển hóa qua bộ lọc và các thiết lập nội bộ của trẻ. Trẻ em có thể cho phép bản thân vui đùa, giễu nhại những tập tục được người lớn sùng kính và nhất mực tuân thủ. Chính điều này giúp trẻ em giữ lại trong các trò chơi và các bài vè dấu vết nhiều phong tục, nhiều lối nói rất cổ, thậm chí đã bị lãng quên.

Cuốn sách của Ngô Quý Sơn có thể được xem là tác phẩm tiên phong và đặc biệt đáng quý ở 2 điểm. Thứ nhất, đây là một công trình đầy đủ, sáng rõ và trung thực. Các trò chơi, bài vè, ngạn ngữ… được mô tả tỉ mỉ, chỉ rõ địa danh và cung cấp nhiều phiên bản khác nhau. Thứ hai, đây là nguồn tư liệu đáng quý, liên quan đến một chủ đề hiếm khi được khai thác.

Phần cuối sách có các bài viết giới thiệu khá thú vị của các trí thức thời bấy giờ, trong đó bài viết của Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Văn Huyên ghi chép câu chuyện về bài đồng dao Chi chi chành chành liên quan cuộc chạy trốn của Vua Hàm Nghi năm 1885, sau khi Vua Tự Đức qua đời, cũng như lời tiên tri về xứ An Nam.

ảnh: Khắc Hiếu
Ảnh: Khắc Hiếu

Với những miêu tả chi tiết cùng tranh minh họa, cuốn sách đưa độc giả đến thế giới giải trí của trẻ em, tiếp cận tập tục và truyền thống sinh hoạt của người Việt xưa một cách tự nhiên, gần gũi. Theo phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Xuân Đính, cuốn sách còn là lời nhắc nhở mọi người về cội nguồn và bản sắc văn hóa dân tộc dẫu những trò chơi này đã dần mai một theo thời gian. 

Lê Phan

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI