'Trò chơi' của cha con tôi

11/01/2015 - 11:46

PNO - PNCN - Tôi là con trai duy nhất trong gia đình có hai chị gái, nên từ nhỏ tôi chỉ chờ người khác phục vụ mình, chứ không bao giờ “đụng móng tay” vào những việc của phụ nữ.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thế nhưng, mọi việc thay đổi khi tôi chuẩn bị làm cha. Vợ tôi là người có thể trạng yếu, cô ấy thấp bé, nhẹ cân, lại còn bị bệnh tim. Vì vậy, trong thời gian vợ mang thai và sinh nở, tôi phải học cách làm việc nhà. Chật vật, đổ bể khi phải làm những việc chưa bao giờ nhúng tay khiến tôi cáu bẳn, gắt gỏng và vô tình tạo thêm áp lực cho vợ, cô ấy bị dọa sẩy thai, nguy hiểm đến tính mạng.

Chính trong giây phút ấy, tôi đã trách giận cha mẹ ngày trước không dạy mình làm việc nhà, để bây giờ tôi lúng túng, bất lực thế này. Ngay sau khi vợ sinh con, tôi lên kế hoạch “đào tạo” con trai mình thành một người đàn ông đảm đang. Gần như mọi việc nhà, tôi đều giành phần làm thay vợ nên khi con trai được hai tuổi, tôi đã lôi kéo được bé Su Su vào trò chơi “ai nhanh, ai khéo”.

'Tro choi' cua cha con toi

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Làm việc nhà là một niềm vui”, đó là điều đầu tiên tôi muốn con trai mình hiểu để tạo thành sự tự nguyện trong nhận thức của bé. Bật nhạc, cùng hát theo khi phụ mẹ dọn chén bát ra bàn ăn; đóng giả làm siêu nhân khi “quét” sạch lũ ác quỷ (thu dọn đống đồ chơi lộn xộn của bé)… là trò chơi Su Su được tham gia mỗi ngày với sự hướng dẫn của tôi. Kể cả khi bé làm rơi bể cái chén đẹp của mẹ hay còn sót lại vài mảnh giấy vụn trên sàn, tôi và vợ vẫn không ngớt lời khen con trai thật giỏi, thật chăm. Những lần sau, Su Su đã biết thận trọng, kỹ lưỡng hơn để nhận được những cái vỗ tay tán thưởng của ba mẹ.

Su Su hăng hái giúp mẹ thu xếp ngay ngắn quần áo, cất vào tủ theo từng loại chỉ sau vài lần được tôi hướng dẫn và khen “con khéo tay hơn ba rồi đấy”. Một lần, Su Su khi ấy lên sáu tuổi, tự động lấy khăn lau nhà. Tuy bé làm sàn nhà vằn vện với những vệt bẩn vì vắt khăn không khô, nhưng vợ tôi lại tỏ ra phấn khích: “Thật tuyệt, từ nay mẹ sẽ không bị đau lưng nữa. Cảm ơn Su Su”. Mặt cu cậu sáng bừng, bé đã nhờ tôi bày cách làm sao để lau nhà cho sạch. Thì ra trẻ rất thích được khuyến khích, ghi nhận và ngợi khen.

Nhưng không phải việc gì Su Su cũng duy trì thường xuyên, dù tôi đã phân công cụ thể: đây là việc của con, việc này là của ba. Sau một thời gian hào hứng giúp mẹ rửa chén bát (dù mất nửa tiếng và văng nước khắp nơi), Su Su bắt đầu chán: “Tay con bị nhăn nhúm hết cả. Ba làm thay con đi”. Tôi liền nghĩ ra những thách thức lớn hơn. Tôi giao cho con một cái bàn chà và đôi găng tay nhựa, “nhiệm vụ của Su Su là chà sạch sàn nhà tắm, còn ba sẽ cọ rửa toalet”. Kết quả thật bất ngờ, bé không chỉ chà sàn mà còn cọ bồn rửa mặt sạch bóng. Hóa ra, trẻ cũng thích thay đổi các thói quen, nên ta cần linh hoạt khi phân công cho bé. Tạo ra các thách thức mới cũng giúp kích thích trẻ hăng hái tham gia.

Bây giờ Su Su đã lên chín tuổi, cha con tôi vẫn cùng nhau chia sẻ việc nhà như một niềm vui. Su Su không chỉ khéo léo mà còn rất thông minh. Tuần trước tôi đi công tác hai ngày, Su Su đã giúp mẹ chăm em gái 13 tháng. Khi tôi gọi điện về, vợ tôi khoe: “Su Su đang thay bỉm cho em”. Trong tôi trào lên niềm hãnh diện khó tả, Su Su bé bỏng không chỉ biết tự chăm sóc bản thân, mà còn là chỗ dựa cho mẹ và em gái, con trai tôi đang trưởng thành.

THÀNH LÊ 

(Theo lời kể của anh Minh Hùng, Công ty TNHH Xây dựng Minh Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI