'Trò chơi cảm xúc' bên bàn đàm phán

01/03/2019 - 06:28

PNO - Đàm phán Trump - Kim 2.0 kết thúc sớm hơn dự kiến, gây hụt hẫng cho bất cứ ai yêu chuộng hòa bình, tin rằng người dân Triều Tiên sẽ có một tương lai như họ và lãnh đạo Kim cùng mong đợi.

Khoảng trống định nghĩa “giải trừ vũ khí hạt nhân”

Khi cả thế giới đang đếm lùi chờ đến lúc có một thỏa thuận chung viên mãn nhất sau hàng loạt tín hiệu tích cực truyền thông đăng tải xung quanh triển vọng Trump - Kim 2.0 thì tất cả cảm xúc như bị “đóng băng” với dòng tin “không có thỏa thuận” đồng loạt xuất hiện.

Sau khi Triều Tiên đề nghị dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn, sắc thái đàm phán đã chuyển hướng, kết thúc sớm hơn dự kiến. Hai bên rời đi ngay mà không có bất cứ ký kết nào. Trong cuộc họp báo ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cập yêu cầu này là lý do chính khiến ông phải rời khỏi đàm phán. 

'Tro choi cam xuc' ben ban dam phan

Dỡ bỏ cấm vận không phải là nguyện vọng bất chợt mà đây là điều lãnh đạo cùng người dân Triều Tiên và cả chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In mong đợi bấy lâu. Trong chuyến thăm Triều Tiên tháng 10/2018, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng đã nhận lời đề nghị từ lãnh đạo Kim yêu cầu dỡ bỏ cấm vận kinh tế.

Trong lần gặp Tổng thống Pháp Macron, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng đã khẳng định: “Nếu chúng ta xác định giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên đã đạt đến một giai đoạn không thể đảo ngược, vậy thì chúng ta nên giảm bớt các biện pháp trừng phạt và hỗ trợ quá trình phi hạt nhân hóa”. 

Yêu cầu này đã không “gặp” được nguyện vọng của ông Trump. Tổng thống Trump mong đợi một cam kết khác từ Triều Tiên tiến tới dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn. Khoảng trống giữa hai vị lãnh đạo xuất phát từ khoảng trống trong việc định nghĩa “giải trừ vũ khí hạt nhân”. Mỹ định nghĩa đó là việc Triều Tiên dỡ bỏ tất cả chương trình vũ khí hạt nhân của mình, điều mà Triều Tiên đã dốc sức phát triển chỉ để củng cố sức mạnh tiếng nói trên trường quốc tế.

Triều Tiên có một định nghĩa khác. Với họ, giải trừ vũ khí hạt nhân là dỡ bỏ những cơ sở hạt nhân trong khu vực mà Mỹ cho rằng họ cần phải triển khai quân sự bảo vệ Hàn Quốc cùng các đồng minh khác. Cả hai đã không “gặp” nhau và chưa làm rõ được khái niệm này để có một định nghĩa chung về giải trừ vũ khí hạt nhân. Đó là lý do chính khiến đàm phán gãy. Nhưng liệu có phải như thế?

Bắt được cảm xúc số đông

Trong khi 3.000 phóng viên quốc tế chờ đợi khoảnh khắc lịch sử thì ở Mỹ, các trang tin lớn (đặc biệt) là những trang tin “kém thân” với Tổng thống Trump đồng loạt xoáy sâu vào thông tin phiên điều trần cựu luật sư Michael Cohen của ông Trump trước Quốc hội.

Những thông tin cáo buộc tiêu cực dành cho Tổng thống Mỹ dường như lấn át những nỗ lực đang được thực hiện tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tổng thống Trump trong cuộc họp báo trước khi về nước đã chỉ trích gay gắt việc đảng Dân chủ cố ý sắp xếp phiên điều trần này đúng thời điểm nhạy cảm vì trước đó, ngày ấn định cho hội nghị đã được công khai rộng rãi. 

Bình luận về hội nghị lần này, ông James Jay Carafano - Phó chủ tịch Tổ chức Heritage nghiên cứu chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ - từng nhấn mạnh: “Nếu Tổng thống Trump có thêm những nhượng bộ đáng kể nữa, tôi nghĩ ông ấy sẽ bị lưỡng đảng chỉ trích gay gắt”. Vì thế, ông Trump rơi vào tình huống phải chọn rời đi, thể hiện thái độ không nhượng bộ bước đi này. 

Ông Trump rời đi nhưng vẫn dành những lời tốt đẹp xoa dịu lãnh đạo Kim vì ông cần giữ Triều Tiên ở tình trạng hiện tại, đủ cho ông giữ uy tín, an toàn chạy đua cho nhiệm kỳ lần hai. Giáo sư Peter Kuznick - Giám đốc Viện Nghiên cứu hạt nhân tại Đại học Mỹ - cho rằng: “Miễn là căng thẳng không tái bùng phát trên bán đảo Triều Tiên thì đa số người Mỹ sẽ hài lòng với hiện trạng ấy”.

Ông Trump hiểu rõ và quyết định rời ngay, giữ cho mình được an toàn vào thời điểm này. Trong họp báo, ông không quên nhấn mạnh: “Chưa có Tổng thống Mỹ nào có thể làm được như tôi trong vấn đề Triều Tiên” - một lần nữa “lấy lòng” cử tri Mỹ về thành tựu của mình. 

Tổng thống Trump không xuất thân từ những ngôi trường đào tạo nhà hùng biện, nhà lập pháp hay theo bất cứ mô-típ nào của một chính trị gia trên con đường chinh phục chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng. Ông là một người kinh doanh nên ông hiểu, mọi tính toán không thể dựa trên cảm xúc cá nhân nhưng những tính toán phải bắt được cảm xúc của số đông. 

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI