Trò chơi "bịt mắt bắt sâu" trong tiết học kỹ năng sống có mang tính phản cảm?

17/10/2022 - 19:06

PNO - Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4, TPHCM) phản ánh trò chơi "bịt mắt bắt sâu" trong tiết học kỹ năng sống mang tính phản cảm.

Ngày 17/10, trên fanpage có tên Học sinh THPT Nguyễn Hữu Thọ xuất hiện nhiều ý kiến của học sinh cho rằng trò chơi mang tên "bắt sâu" trong giờ học kỹ năng sống ở trường mang tính phản cảm.

"Mọi người học kỹ năng sống có bị bắt chơi trò "bắt sâu" không? Mình thấy trò đó khá kỳ, giống như làm quấy rối nhau vậy... Nhét tờ giấy vào người rồi một bạn khác bịt mắt mò xem tờ giấy ở đâu", một học sinh chia sẻ.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ trong lễ khai giảng
Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ trong lễ khai giảng

Trước thông tin trên, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ xác nhận, có sự việc giáo viên tổ chức trò chơi mang tên "bắt sâu" trong giờ học kỹ năng sống của khối 12, học sinh có bịt mắt khi tham gia trò chơi, song bản chất trò chơi không phản cảm như một số ý kiến phản ánh của học sinh.

Hiệu trưởng này cho hay, ngay khi tiếp nhận có phản ánh của học sinh nhà trường trên mạng xã hội về hoạt động giảng dạy kỹ năng sống, nhà trường đã ngay lập tức trao đổi với các giáo viên dạy kỹ năng sống của trường, đồng thời trao đổi với giáo viên chủ nhiệm các khối lớp để nắm thêm thông tin. Sau khi xác minh, được biết trò chơi "bắt sâu" được một giáo viên dạy kỹ năng sống tổ chức cho học sinh khối 12 nhằm khởi động tiết học, giúp thay đổi không khí lớp học... 

"Trò chơi này được giáo viên tổ chức đối với các lớp học kỹ năng sống vào tiết 4, 5 ở khối 12, nhằm khởi động, thay đổi không khí căng thẳng của học sinh sau các tiết học dài trước khi bắt đầu vào tiết học mới. Khi tham gia trò chơi không phải là nhét mảnh giấy vào người như học sinh phản ánh mà giáo viên cho dán băng keo lên cánh tay, cầu vai của học sinh và bạn học sinh ngồi kế bên sẽ bịt mắt đi tìm như "giải mã mật thư". Giáo viên là người đứng kế bên học sinh để kiểm soát, định hướng tìm bên trái, bên phải, lên trên, xuống dưới trong quá trình các em tham gia trò chơi chứ không phải là học sinh muốn chơi thế nào thì chơi...", ông Đỗ Đình Đảo cho hay.

Hiệu trưởng này cho biết thêm, môn giáo dục kỹ năng sống được nhà trường triển khai theo hình thức dạy thỏa thuận, có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Nhà trường hợp tác với các đơn vị tổ chức giáo dục kỹ năng sống đã được Sở GD-ĐT TPHCM cấp phép. Hiện nay, trường có 3 giáo viên ở trung tâm kỹ năng sống dạy cho 3 khối lớp, với thời lượng 1 tuần/tiết/lớp.

Tại trường, vào mỗi thứ 2 giáo viên chủ nhiệm từng lớp đều báo cáo với hiệu trưởng về tình hình triển khai các hoạt động giáo dục, ý kiến phản ánh của học sinh. Ngoại trừ một số thông tin đăng tải trên mạng xã hội thì đến thời điểm này nhà trường chưa nhận được phản hồi nào từ phía giáo viên chủ nhiệm về trò chơi "bắt sâu".

Tuy nhiên, hiệu trưởng Đỗ Đình Đảo cũng cho biết, trước một số ý kiến của học sinh trên mạng xã hội về trò chơi "bắt sâu" trong tiết kỹ năng sống, trường đã góp ý với giáo viên khi tổ chức các trò chơi khởi động trong tiết học nếu có yếu tố dễ gây hiểu nhầm giữa học sinh trong lớp với nhau thì giáo viên nên lựa chọn trò chơi khác để phù hợp với lứa tuổi, tránh gây hiểu nhầm.

"Ở lứa tuổi của học sinh THPT, tâm lý các em đang rất mong manh, có thể sẽ suy nghĩ theo các chiều hướng khác nhau. Không phải học sinh nào cũng sẽ suy nghĩ tích cực theo mục đích ban đầu mà giáo viên đặt ra. Do vậy, giáo viên phải biết lựa chọn tổ chức trò chơi phù hợp với tâm lý lứa tuổi để tạo môi trường sư phạm nhà trường mang tính tốt đẹp, tránh sự hiểu nhầm của học sinh theo chiều hướng khác...", ông Đỗ Đình Đảo nói. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI