Bắt chồng cho con gái vì “sợ nó có bầu”
Vừa nhìn thấy tôi, Thị Nhơi đã nước mắt nước mũi tèm nhèm, khóc lóc “mình khổ quá bạn ơi”. Rồi như nước lũ mùa mưa, chị nói chuyện nọ xọ chuyện kia, không cách nào ngăn được. Anh chồng Điểu Trưng đi cùng, giật mạnh cánh tay Thị Nhơi, cắt đứt mạch kể của chị: “Thằng Điểu Tron chuẩn bị lấy vợ, mà nhà mình khó quá. Bạn cho mình mượn trước tiền, rồi mình đi hái cà (cà phê - PV), làm cỏ trừ tiền công dần được không?”.
Đây không phải là gia đình đầu tiên của bon Jung Dú - xã Đắk R’Tíh, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông - xin ứng tạm trước tiền công cưới chồng, cưới vợ cho con. Nhà Điểu Nhông, nhà Thị Rơi... ăn tết vừa xong, mới mùng Năm đã đến nhà xin ứng tiền công để đi Bình Phước bắt chồng cho con. Nhà Điểu Nhông 5 đứa con sàn sàn tuổi nhau, đứa con gái lớn nhất 16 tuổi, vừa có chồng trước tết. Nay đứa con gái kế tiếp, 15 tuổi thiếu, đang học lớp Mười, cũng nhất định nghỉ học để đi lấy chồng.
|
Một cảnh đám cưới của đồng bào M’Nông |
Hỏi mai mối làm sao mà đi “bắt chồng” ở tận Bình Phước. Điểu Nhông cười khà khà: “Tụi nó quen nhau qua mạng. Nhà thằng kia mẹ mất, cha đi lấy vợ khác rồi. Nó ở với ông bà nội, nó thương con gái mình, chạy xe máy từ Bình Phước qua nhà mình mấy lần rồi, dính chặt nhau và rồi con gái có bầu, phải lo “bắt” chồng thôi, để nó bỏ đi thì nguy”.
Khi tôi nói rẫy của mình không cần người làm công mà đã khoán cho người khác. Điểu Nhông không ngại ngần đề nghị được bán cà phê non, vay lãi… miễn sao có đủ tiền cho con gái đi “bắt chồng”. “Mình thương con mình lắm, không được đám cưới rình rang như người Kinh thì cũng đầy đủ theo phong tục của người M’Nông, chứ không thì tội con”.
Nghèo đám cưới cũng phải 3 ngày
Thị Nhơi cầm xấp tiền công hái tiêu, tôi trả trước, bần thần chia ra từng phần nhỏ, rồi kể cho tôi nghe những khoản phải lo cho đám cưới của thằng Điểu Tron.
Thằng Điểu Tron khi vừa ý con bé Thị Lem rồi thì mang đến tặng cho nó 1 cái lược, 1 chuỗi hạt cườm và 1 vòng đeo tay để làm tin. Gia đình nhà trai đồng ý thì nhờ già Điểu Nhiêu làm ông mai đến nhà Thị Lem nói chuyện. Tôi hỏi: “Điểu Tron mới 16 tuổi, Thị Lem cũng mới 15.
Cả hai chưa đủ tuổi kết hôn, sao cha mẹ lại đồng ý cho cưới?”. Thị Nhơi lắc đầu, giọng thiểu não “Không đồng ý cũng không được mà. Nó không chịu nghe đâu. Không cưới nó bỏ đến ở nhà con Thị Lem thì mình mất con à. Lũ trẻ con bằng tuổi Điểu Tron ở trong bon cưới nhiều rồi. Có ai nói gì đâu. Mình cũng đã đem một con dao, một con gà, một ống măng chua cùng ông mối sang nói chuyện với nhà gái rồi. Tiền này mang về còn lo nhiều việc khác”.
Tôi khuyên Thị Nhơi nhà khó, chỉ làm phiên phiến cho có thôi nhưng cô không đồng ý. Trong ngày ăn hỏi, gia đình Thị Nhơi vẫn mang sang một con heo 60kg, một gùi măng chua cùng nhiều ché rượu cần và đồ vật có giá trị khác nữa. Lễ cưới cũng được tổ chức 3 ngày liền ở nhà gái.
Sau đó đến lượt nhà trai tổ chức lễ cưới. Hôn lễ ở nhà trai mở đầu bằng việc nhà gái đem biếu nhà trai mỗi người 1 chum gạo đầy.
Mỗi chum gạo tương đương một ché rượu mà nhà trai đã mang sang tặng nhà gái. Nhìn 2 đứa nhỏ Điểu Tron và Thị Lem được ông mối Điểu Nhiêu dắt đến bên cột nhà chính, cầm chiếc khăn buộc vào cột nhà, rồi đưa đôi vợ chồng trẻ nắm vào chiếc khăn, ý nói tình cảm 2 người đã được buộc chặt, luôn gắn bó bên nhau. Sau đó Điểu Nhiêu xúc cho cô dâu, chú rể mỗi người 3 muỗng cơm, trông chẳng khác gì cha đang bón cơm cho 2 đứa trẻ.
Nhiều người đi dự cưới lắc đầu, tặc lưỡi. Chị Quỳnh - một khách mời trong đám cưới của Điểu Tron - lầm bầm: “Lít nhít thế này thì làm mẹ, làm cha kiểu gì không biết”.
Làm gì được tụi nó
Thị B’Râu không che giấu sự khó chịu khi nói về đứa con dâu 15 tuổi của mình: “Đúng là con nít cả vợ lẫn chồng, không làm gì được. Cái gì cũng gọi, mình phải chăm cả vợ chồng, thêm con của nó nữa chứ. Đứa con dâu hư quá mà, chăm sóc mình còn không được, hỏi sao đứa con nhỏ chẳng quặt què ốm đau suốt”.
Tôi nhìn Thị B’Râu, ái ngại thay cho chị. Mới 35 tuổi mà chị đã héo rũ như tàu lá chuối thiếu nước khi suốt ngày quần quật ngoài nương rẫy cùng bầy trẻ nhỏ cả con trai, con dâu, lẫn cháu xung quanh mình.
|
Chú rể Điểu Tron - 16 tuổi, học đến lớp Mười, nghỉ học lấy vợ. Cô dâu Thị Lem - 15 tuổi, mới học đến lớp Năm |
Gia đình Điểu Khie cũng chẳng khá gì hơn. Chồng 16 tuổi, vợ 14 tuổi đã sinh con, thiếu tháng thiếu ngày, không đủ dinh dưỡng, con trai 2 tuổi rồi mà còi cọc chưa đầy 10kg. Nhà Thị Bơi thì như phường hề, dăm bữa nửa tháng vợ chồng đánh đuổi nhau chạy quanh làng, lũ trẻ con lúc bu cha, lúc bám mẹ khóc ơi ời mắt mũi tèm nhem.
Già làng Điểu Phi - bon Jung Dú - cho hay tình trạng tảo hôn ở bon rất nhiều. Chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đã có 8 đám cưới mà cô dâu, chú rể chưa đến tuổi đăng ký kết hôn, nhưng: “Làm gì được tụi nó. Cha, mẹ nói mà nó còn không nghe, nói chi mình. Bây giờ tụi nó thích là về nhà bắt cha, mẹ cưới thôi, ai nói cũng không nghe đâu. Bon mình cũng vậy mà mấy bon xung quanh cũng vậy. Tụi nó còn nhỏ, còn ham chơi, không lo làm ăn, rồi cãi nhau, đánh nhau miết. Nhưng mà mình không biết làm gì đâu”.
Hỏi chuyện anh Nguyễn Xuân Hoan - Phó chủ tịch xã Đắk R’Tíh - về tình trạng tảo hôn trong thanh, thiếu niên vùng đồng bào dân tộc. Anh cho biết có nghe, có thấy, cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, tìm cách xử lý, nhưng vẫn chẳng cải thiện được bao nhiêu, bởi việc cưới xin trong vùng đồng bào không cần đăng ký kết hôn.
Việc xây dựng hạnh phúc gia đình của đám trẻ vẫn cứ như một trò chơi may rủi.
Thủy Vũ