Trợ cấp thâm niên cho nhà giáo nghỉ hưu: Cần sự công bằng

05/09/2013 - 06:48

PNO - PN - Từ ngày 15/10/2013, nhà giáo nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu sẽ hưởng trợ cấp thâm niên dạng “một cục”. việc này đã hợp lý chưa?

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo quy định, người được hưởng trợ cấp là các nhà giáo nghỉ hưu khi trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên, nghỉ hưu trong thời gian từ 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011.

Tro cap tham nien cho nha giao nghi huu: Can su cong bang

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bộ GD-ĐT cho biết, khoản trợ cấp được tính theo công thức: 10% lương hưu hàng tháng nhân với số năm được tính trợ cấp. Trong đó, lương hưu hằng tháng là mức lương hưu đang hưởng tại thời điểm quyết định này có hiệu lực thi hành. Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục công lập đã được tính hưởng chế độ hưu trí. Nếu có tháng lẻ từ ba-sáu tháng được tính tròn là nửa năm; từ trên sáu tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là một năm. Trường hợp đang tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.

Tuy được coi là tin vui đối với các nhà giáo về hưu, nhưng GS Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết, ông rất buồn về mức trợ cấp này. “Chúng tôi đã đưa ra nhiều phương án về mức trợ cấp cho nhà giáo, rút từ 25% xuống 20% rồi khi Bộ GD-ĐT đề nghị giảm xuống 15% vì kinh tế khó khăn thì chúng tôi cũng đồng ý. Tuy nhiên, mức mà Thủ tướng ký là mức tối thiểu” - GS Hạc nói. Theo ông, đây là trợ cấp mà những người cả đời cống hiến cho giáo dục khó có thể chấp nhận, đặc biệt, những nhà giáo nghỉ hưu trong thời gian quy định đều là những người cống hiến cho sự nghiệp giáo dục suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đến nay nhiều người vẫn tích cực tham gia công tác xã hội.

Một GS từng dạy tại một trường ĐH lớn ở TP.HCM cho rằng, quy định này quá bất công với những người cả đời cống hiến như ông. “Có GS cùng trường nghỉ hưu sau tôi ba tháng, hàng tháng được hưởng phụ cấp thâm niên vài triệu, tính ra đến cuối đời, GS này nhận tới mấy trăm triệu, trong khi tôi chỉ được khoảng 20 triệu, thật không công bằng”. Chung quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội nhấn mạnh, các nhà giáo nghỉ hưu cần sự công bằng trong đối xử. “Bộ GD-ĐT từng đưa ra một mức trợ cấp gây phẫn nộ cho các nhà giáo nghỉ hưu là Nhà nước cho họ hưởng trợ cấp một lần từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng. Tôi phải nói ngay, các nhà giáo có thể nghỉ hưu trong nghèo khó, nhưng không thể chết vì thiếu 2,5 hay 3,5 triệu đồng, họ cần sự công bằng trong đối xử và sự trân trọng, chứ không cần sự thương hại. Mức trợ cấp mà Thủ tướng vừa ban hành tuy cao hơn những lần dự thảo trước, nhưng vẫn quá thiệt thòi cho các nhà giáo cả đời cống hiến” - ông Lâm nói.

Theo thống kê của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, hiện có khoảng 190.000 nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 1/1994 đến tháng 5/2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Trong khi đó, các nhà giáo nghỉ hưu sau ngày này được nhận phụ cấp thâm niên hàng tháng theo Nghị định 54 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo. Theo đánh giá của Hội Cựu giáo chức Việt Nam, đây là thiệt thòi lớn, chưa phù hợp với đạo lý “tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Được biết, ngày 4/9, Hội Cựu giáo chức Việt Nam tổ chức họp về quy định trợ cấp cho nhà giáo nghỉ hưu và sẽ có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ.

 DUNG NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI