Trợ cấp giới tính?

30/09/2015 - 14:04

PNO - Phụ nữ vốn dễ chạnh lòng về thân phận, trước tin này, nhiều người đã nghĩ hóa ra việc phân biệt con trai con gái nay còn được luật hóa.

Không biết do nhà làm luật nào nghĩ ra, hay trên cơ sở lý luận nào, từ thực tế cuộc sống nào, mà dự thảo Luật Dân số lần này đưa ra quy định hỗ trợ gia đình sinh một bề con gái.

Khi dự thảo luật này được lấy ý kiến, chuyện sinh con gái, chuyện con trai hay con gái báo hiếu giỏi hơn, chuyện bất bình đẳng giới tính… được xới lật lên nhiều tầng lớp, gây nhiều tranh cãi.

Phụ nữ vốn dễ chạnh lòng về thân phận, trước tin này, nhiều người đã nghĩ hóa ra việc phân biệt con trai con gái nay còn được luật hóa nữa, không phải chỉ phân biệt có một thời điểm, mà là phân biệt suốt đời, từ lúc bé gái mới sinh ra, đến khi cha mẹ bé gái đã về già… Chuyện sao nghe ngược đời vậy, cả thế giới đang kêu gọi bình đẳng giới tính kia mà?

Ai làm ra khoản tiền ấy, để có thể đem cho như một khoản trợ cấp đặc biệt? Theo dự thảo, “Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội…”.

Ngân sách, tức là trong đó có tiền nộp thuế của người dân, của doanh nghiệp. Có bao nhiêu người phụ nữ đã tham gia trong lực lượng lao động của nước nhà, đã góp phần tạo ra ngân sách, để rồi một phần ngân sách ấy được đem chi trợ cấp vì con gái không thể phụng dưỡng cha mẹ già? Thật là nghịch lý.

Có lẽ, khi mới nghe qua, người ta dễ ảo tưởng về cái bóng “nhân văn” của chính sách này. Nhưng nghĩ cho cùng, phụ nữ Việt Nam chưa bao giờ là người lệ thuộc, phụ thuộc, đến mức phải có một chính sách dành riêng, một chính sách chỉ làm nổi bật lên sự bất lực của họ trong việc báo hiếu cha mẹ già.

Khi xây dựng những chính sách liên quan đến con người, cần nhìn nhận quá trình lao động, cống hiến và đóng góp của họ trong thực tế. Phụ nữ Việt Nam tảo tần, chịu thương chịu khó nuôi chồng nuôi con không hề thờ ơ với cha mẹ ruột của mình.

Cái nghèo, cái cơ cực, cái bất lực của họ xuất phát từ thực tế không làm ra được nhiều tiền, không có nghề nghiệp ổn định, không có cơ hội học hỏi để vươn lên, chứ không phải vì bản thân họ là người đàn bà vô dụng.

Trao cho người thân của họ món tiền “trợ cấp giới tính” này, cũng là một cách nói rằng ông bà thật không may chỉ đẻ toàn một lũ vịt giời, và chắc chắn rằng lũ vịt giời đấy là bất hiếu, tội nghiệp ông bà! Khoản tiền này thật tiêu biểu cho “con cá” trong câu thành ngữ “cho cần câu, đừng cho con cá” - bởi trong chính sách này hoàn toàn không có chiếc cần câu!

Tro cap gioi tinh?
Ảnh mang tính minh họa - Nguồn: Internet

Một thời gian dài, người ta nhìn nhận những cô gái Việt lấy chồng nước ngoài với con mắt kỳ thị. Cũng phải bao nhiêu công sức, từ trái tim của những n gười làm báo đi cùng với từng cảnh đời, người ta mới hiểu được phần nào sự hy sinh của những cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc: trong những lý do để lấy chồng xa xứ, có mong muốn báo hiếu, phụng dưỡng tuổi già của cha mẹ, thay đổi cái nghèo khổ, cơ cực trong cuộc sống của cha mẹ.

Từ logic hình thức, từ bên ngoài, có thể thấy việc gả con lấy chồng biệt xứ là mất người phụng dưỡng sớm hôm, là hoàn cảnh neo đơn cần trợ cấp. Nhưng xin hãy nhìn xa hơn: nếu có cơ hội để tìm hạnh phúc ở gần, có công ăn việc làm, thu nhập đủ sống, ở gần cha mẹ… thì câu chuyện này hẳn sẽ khác.

Thay vì cho khoản tiền trợ cấp, sao không dùng tiền ấy cho việc nuôi dạy các cô gái, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bao nhiêu thế hệ phụ nữ ở xứ mình?

“Của cho không bằng cách cho” là vậy. Hãy cho người phụ nữ cơ hội để phát triển, để vươn lên làm chủ số phận mình, cuộc đời mình, hãy cho phụ nữ cơ hội để học tập, nghiên cứu, tiến bộ và giúp cho chị em mình cùng thoát khỏi mặc cảm phụ thuộc, hơn là cho các bé gái một khoản tiền “trợ cấp giới tính”, để rồi mãi mãi lẩn quẩn trong cái vòng phụ thuộc chồng con, hoặc tệ hơn là phụ thuộc và trở thành gánh nặng trách nhiệm của xã hội.

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI