Cơ quan chức năng vào cuộc vụ Trịnh Sảng
Tối 29/4, CCTV đưa tin nhà nước Trung Quốc đã yêu cầu Tổng cục thuế quốc gia phối hợp với Tổng cục phát thanh truyền hình để rà soát, kiểm tra toàn diện vấn đề tài chính (bao gồm việc trả lương, đóng thuế...) của ngành điện ảnh, truyền hình. Không khó để đoán được động thái này xuất phát từ ồn ào của Trịnh Sảng trong mấy ngày qua.
Cụ thể, nữ diễn viên bị bạn trai cũ Trương Hằng tố dùng "hợp đồng âm dương" để trốn thuế khi đóng phim Tân thiện nữ u hồn. Trong 77 ngày quay phim, Trịnh Sảng nhận cát-sê 160 triệu NDT (khoảng 24,6 triệu USD). Tuy nhiên, trên giấy tờ chính thức, mức cát-sê chỉ được ghi 48 triệu NDT (khoảng 7,4 triệu USD). Phần còn lại được chuyển vào công ty mang tên cha mẹ Trịnh Sảng với danh nghĩa khoản tăng vốn tự nhiên.
Cục thuế thành phố Thượng Hải cũng đã vào cuộc điều tra Trịnh Sảng và Công ty Văn hoá Bắc Kinh. Nữ diễn viên cho biết sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra và thông báo sau khi có kết quả.
|
Trịnh Sảng bị tố dùng hợp đồng âm dương để trốn thuế khi đóng phim Tân thiện nữ u hồn |
Luật sư Phong Dược Bình cho biết nếu là lần đầu tiên vi phạm, Trịnh Sảng có thể nộp phạt lớn hơn nhiều so với trường hợp của Phạm Băng Băng năm 2018. Nếu tái phạm, ngoài nộp phạt, nữ diễn viên có thể ngồi tù 3-7 năm. Thực tế, vào đợt cơ quan chức năng rà soát thuế của nghệ sĩ vào năm 2018, Trịnh Sảng là một trong những cái tên tự giác xin nộp bổ sung. Vì thế, theo đánh giá có thể lần vi phạm này của nữ diễn viên là tái phạm.
Cơ quan chức năng cũng điều tra bạn trai cũ của Trịnh Sảng (năm 2019 vẫn còn làm quản lý cho nữ diễn viên) và cha mẹ của nữ diễn viên để xem ai là chủ mưu, tòng phạm trong vụ việc này, nếu việc trốn thuế là có thật.
Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc đánh giá việc trốn thuế này không chỉ xuất phát từ cá nhân mà phải có một hệ thống nhân lực đứng sau để giải quyết các thủ tục. Vì thế, việc điều tra, xử lý cần được mở rộng hơn nữa.
"Hợp đồng âm dương" chỉ việc nghệ sĩ dùng từ 2 hợp đồng trở lên để trốn thuế. Trong đó, hợp đồng chính thức để đóng thuế cho cơ quan thuế có giá trị thấp hơn con số mà diễn viên, nghệ sĩ thực nhận.
|
Làng giải trí rúng động thêm lần nữa
Năm 2018, vụ Phạm Băng Băng trốn thuế đã khiến làng giải trí Trung Quốc rúng động. Một số luật định được ra đời để khống chế cát-sê của nghệ sĩ. Nhưng sự việc của Trịnh Sảng lại cho thấy dường như luật cũng không thực sự hiệu quả.
Tờ Nam Phương nhật báo cho biết cát-sê Trịnh Sảng nhận được khó thể tưởng tượng bởi con số này bằng 90% lợi nhuận ròng của công ty sản xuất. Còn theo tờ Nhân dân nhật báo, thu nhập trung bình của người dân Trung Quốc là 1.500 USD/tháng, vậy họ phải mất 1.600 năm mới có thể có được tổng thu nhập của Trịnh Sáng chỉ trong 2 tháng hơn.
Một người trong nghề tiết lộ với tờ QQ, ngoài Trịnh Sảng cũng có trường hợp nghệ sĩ nhờ "hợp đồng âm dương" đã hợp thức hoá được khoản cát-sê lên đến 120 triệu NDT. Trong đó, có một khoản cát-sê được thanh toán bằng tiền mặt, còn lại được chuyển vào các tài khoản của các công ty khác nhau do họ đứng tên. Người này cho việc khống chế cát-sê của nghệ sĩ là bất khả thi vì giá trị của họ do thị trường quy định.
|
Làng giải trí Trung Quốc cũng từng rúng động năm 2018 với vụ trốn thuế của Phạm Băng Băng |
Trong 20 năm qua, thù lao của nghệ sĩ nhận được trong các dự án phim ảnh tăng phi mã. Giai đoạn 2000-2005 chỉ chiếm 20-35% tổng kinh phí thì đến năm 2018 đã đến 70-80%. Thường, rơi vào các nghệ sĩ hạng A hoặc các ngôi sao trẻ có nhiều người hâm mộ.
Mỗi khi các con số được tiết lộ là mỗi lần công chúng phải giật mình, tờ Nhân Dân nhật báo bình luận. Chẳng hạn, năm 2006 khi đóng Thần điêu đại hiệp, cát-sê của Dương Mịch chỉ khoảng 7.700 USD, thì đến năm 2018 mỗi tập phim nữ diễn viên nhận khoảng 132.000 USD.
Để có thể chi trả khoản thù lao lớn cho các ngôi sao, các NSX buộc phải siết chặt các khâu khác, tạo ra sự mất cân bằng. Một nhân viên của đoàn phim Tân thiện nữ u hồn sau khi biết về cát-sê của Trịnh Sảng đã lên tiếng, cho biết đoàn phim vắt kiệt sức của họ với thù lao bèo bọt chỉ khoảng 30-46 USD/ngày, trong khi diễn viên chính nhận 331.000 USD/ngày.
Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, có 75 nghệ sĩ xin thoái vốn, rút giấy phép kinh doanh và xóa sổ phòng làm việc cá nhân. Trong đó, Huỳnh Hiểu Minh và Chương Tử Di có con số cao nhất, lần lượt là 47 và 29. Nhiều nghệ sĩ cũng từng phải nộp bù thuế trong đợt truy quét cách đây 3 năm.
Tờ Sohu đánh giá có thể đây là nơi nghệ sĩ lách thuế với mức chênh lệch thuế theo quy định đến 5%. Một luật sư cho rằng việc xin thoái vốn, xoá sổ công ty không hẳn có ích bởi các chứng từ giao dịch vẫn còn đó.
|
Nhiều nghệ sĩ xin thoái vốn, xoá bỏ phòng làm việc cá nhân sau khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra thuế, thu nhập của nghệ sĩ |
“Cơ quan chức năng mở rộng điều tra, có bao nhiêu ngôi sao ăn không ngon, ngủ không yên? Lưu Hiểu Khánh ngồi tù, Phạm Băng Băng mất trắng sự nghiệp vẫn chưa là đòn giáng mạnh để các ngôi sao sáng mắt?”, tờ Tân Hoa xã đặt vấn đề, bình luận.
Hiện, nhiều công ty sản xuất phim ảnh lớn tại Trung Quốc đang hứng chịu khủng hoảng nặng nề khi giá trị cổ phiếu đã giảm đến 60%. Họ lo sợ cuộc truy quét lần này có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn hồi năm 2018, khiến làng giải trí đóng băng trong một thời gian.
Thanh tra Cục phát thanh, điện ảnh, truyền hình Thượng Hải cho biết sẽ điều tra làm rõ, sớm xử lý cá nhân, tổ chức sai phạm. Hiệp hội Truyền hình Trung ương Trung Quốc cũng có phát ngôn chính thức, cho rằng nghệ sĩ làm việc phải tuân thủ đạo đức, pháp luật, nếu sai phạm bị xử lý thích đáng và không nên có cơ hội quay lại.
Trung Sơn (theo QQ, Sina, Sohu)