Trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên

12/02/2025 - 10:20

PNO - Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh mục tiêu tăng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày đề án của Chính phủ về việc điều chỉnh mục tiêu tăng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 - Ảnh: Media Quốc hội

Sáng 12/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Theo đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên - cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích.

Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026). Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Kịch bản tăng trưởng, Chính phủ đặt ra là tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 9,5% trở lên (trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% trở lên); dịch vụ tăng 8,1% trở lên; nông, lâm, thủy sản tăng 3,9% trở lên). Các khu vực kinh tế tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024; công nghiệp - xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.

Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 500 tỉ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

Các động lực tăng trưởng gồm: tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỉ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỉ USD); trong đó đầu tư công khoảng 36 tỉ USD (tương đương 875 ngàn tỉ đồng, cao hơn khoảng 84,3 ngàn tỉ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790,7 ngàn tỉ đồng), đầu tư tư nhân khoảng 96 tỉ USD, FDI khoảng 28 tỉ USD, đầu tư khác khoảng 14 tỉ USD...

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5-5%.

Để thực hiện kịch bản tăng trưởng đạt 8% trở lên, Chính phủ đề nghị phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TPHCM. Các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.

“Trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP”, tờ trình của Chính phủ đề xuất.

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế trong tờ trình của Chính phủ.

Dù vậy, Ủy ban Kinh tế nêu, tình hình sản xuất, kinh doanh đầu năm 2025 chưa có nhiều khởi sắc. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án, đặc biệt cần chú trọng các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.

Về đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đề xuất này là cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ kế hoạch sử dụng số bội chi, nợ công tăng thêm trong trường hợp điều chỉnh; đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công; quyết liệt điều hành để bảo đảm bội chi, nợ công.

“Nghiên cứu, bổ sung các chính sách cụ thể về tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm thực chất thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp; có giải pháp đột phá về khởi nghiệp, tạo việc làm bền vững” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI