Trình Quốc hội cơ chế, chính sách để tạo đột phá cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia...

15/02/2025 - 12:13

PNO - Nhiều chính sách mới được Chính phủ đề xuất nhằm tạo đột phá cho khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia - động lực quan trọng nhất để phát triển.

Qu
Kỳ họp bất thường lần thứ 9 họp sáng 15/2 - Ảnh: Media Quốc hội

Sáng 15/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thực tiễn, hoạt động đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ (KHCN) của Việt Nam đang có vướng mắc liên quan tới tự chủ của tổ chức KHCN công lập; còn tồn tại bất cập trong xử lý tài sản hình thành từ các nhiệm vụ KHCN, chưa có cơ chế đầu tư tài chính đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động KHCN...

Liên quan tới phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, hiện chúng ta chưa có nhà máy sản xuất mà chỉ có các cơ sở đóng gói và kiểm thử nên phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, tiềm ẩn rủi ro về an ninh chip bán dẫn.

“Nghị quyết được xây dựng nhằm bảo đảm KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế xã hội” - Bộ trưởng nói.

Dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu KHCN theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; quy tắc nguyên tắc về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm nội dung khoán chi tới sản phẩm cuối cùng.

Dự thảo cũng quy định nguyên tắc kinh phí Nhà nước cho KHCN cấp thông qua quỹ; ưu đãi thuế; phát triển công nghệ chiến lược... Đối với hoạt động phát triển công nghiệp công nghệ số chiến lược (bán dẫn): ngân sách Trung ương hỗ trợ để xây dựng nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ.

Một trong những điểm mới nữa tại dự thảo là viên chức, viên chức quản lý làm việc tại các tổ chức KHCN công lập được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Bổ sung quy định về miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, việc ban hành chính sách thí điểm trên đã thể chế hóa những vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết số 57 của Trung ương.

Về việc thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ông Lê Quang Huy đề nghị làm rõ quy định này có thể phát sinh rủi ro, xung đột lợi ích và thiếu cơ chế kiểm soát tài sản công.

Liên quan tới quy định chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng cần làm rõ cơ quan nào quyết định cho tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự; cần quy định để xác định được tổ chức, cá nhân đã làm, đã nỗ lực hết sức, đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định nhưng vẫn xảy ra rủi ro.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết phải làm rõ quy định về thẩm quyền (của Chính phủ hay Quốc hội) về cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai nhiệm vụ KHCN.

Liên quan tới ưu đãi thuế cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo, ông Lê Quang Huy nêu có ý kiến cho rằng không nên quy định ưu đãi thuế cho doanh nghiệp vì đã được hưởng các ưu đãi trong sử dụng Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI