Trình Quốc hội 2 "siêu dự án" vành đai tại Hà Nội và TPHCM

06/06/2022 - 11:34

PNO - Ước tính tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 của dự án Vành đai 3 (TPHCM) là 75.378 tỷ đồng và Vành đai 4 (Hà Nội) là 85.813 tỷ đồng.

 

Dự án vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 Hà Nội đều có tổng mức đầu tư lớn
Dự án vành đai 3 TPHCM và vành đai 4 Hà Nội đều có tổng mức đầu tư lớn

Sáng nay, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra 2 dự án giao thông quan trọng là dự án đường Vành đai 4 (Hà Nội) và Vành đai 3 (TPHCM).

Dự án Vành đai 4 có tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức PPP. Dự án chia thành 7 dự án thành phần tách riêng phần giải phóng mặt bằng (GPMB) và xây dựng đường song hành, triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Riêng dự án thành phần 3, đầu tư theo phương thức PPP, hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9.7km do UBND TP. Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền. Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1341ha, kinh phí GPMB tái định cư khoảng 19.590 tỷ đồng.

Dự án vành đai 3 TPHCM hình thức đầu tư công được chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần GPMB và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương. Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 642,7ha. Kinh phí GPMB tái định cư khoảng 41.589 tỷ đồng. Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 75.378 tỷ đồng.

Thời gian dự kiến thực hiện 2 dự án này là từ năm 2022-2027.

Thẩm tra các dự án trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc cùng một thời gian, trong đó tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2022 - 2025 sẽ cần một nguồn lực rất lớn, do đó sẽ khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá bổ sung đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, nguồn nhân lực... để có giải pháp kịp thời nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho 2 dự án.

Về cơ chế, chính sách với dự án Vành đai 4, trước đề xuất cho phép phần vốn Nhà nước tham gia tối đa 66% tổng mức đầu tư dự án. Ủy ban Kinh tế cho rằng, dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư rất lớn, do đó nếu áp dụng phương thức đối tác công tư sẽ không khả thi về phương án tài chính và khó thu hút nhà đầu tư.

Cũng trong sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa - Vũng Tàu.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI