Trịnh Kim Chi đưa ‘Rặng trâm bầu’ 14 năm trước lên sân khấu

06/04/2018 - 15:52

PNO - Kịch bản vở kịch được chuyển thể từ một bộ phim truyền hình cách đây 14 năm có cùng tên gọi của đạo diễn Bùi Đình Thứ.

Hiện tại, các sân khấu kịch đang ráo riết tập luyện trong những ngày cuối cùng trước khi Liên hoan Sân khấu Kịch nói Toàn quốc 2018 diễn ra tại TP.HCM. Trong đó, sân khấu kịch Trịnh Kim Chi mang đến vở Rặng trâm bầu, được Vũ Trinh chuyển thể từ bộ phim cùng tên của đạo diễn Bùi Đình Thứ. Bộ phim được thực hiện cách đây 14 năm, và Trịnh Kim Chi cũng là người đóng vai chính.

Trinh Kim Chi dua ‘Rang tram bau’ 14 nam truoc len san khau
Sau 14 năm, Trịnh Kim Chi diễn lại vai cũ nhưng với hình thức mới hơn

Nội dung kịch bản nói về nguyên mẫu có thật, gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Đó là bà Đoàn Thị Nghiệp (còn gọi là bà Tám Nghiệp) ở Cai Lậy, Tiền Giang. Bà từng là Phó Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Mỹ Tho. Bà hy sinh vào tháng 4/1972 trong một trận đánh tại Cai Lậy, Tiền Giang. Năm 1978, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1995, bà được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Trinh Kim Chi dua ‘Rang tram bau’ 14 nam truoc len san khau
Trịnh Kim Chi trên màn ảnh nhỏ với phim Rặng trâm bầu vào 14 năm trước

Chia sẻ về vai diễn này, Trịnh Kim Chi không giấu được xúc động: “Khi đóng nhân vật của bà trên phim tôi đã khóc và xả thân rất nhiều cho nhân vật, một người phụ nữ hi sinh tất cả cho cách mạng cho hoà bình của dân tộc, một người mẹ, người vợ đảm đang và là một người con dâu hiếu thảo. Đã 14 năm sau khi thực hiện bộ phim, bây giờ tôi lại được sống với nhân vật Ngọc Hiệp ngay trên sân khấu của mình”.      

Trinh Kim Chi dua ‘Rang tram bau’ 14 nam truoc len san khau
Dàn diễn viên tham gia vở kịch Rặng trâm bầu

Nữ nghệ sĩ cho biết chị yêu thích kịch bản này vì mặc dù kịch bản nói về đề tài chiến tranh nhưng được miêu tả rất nhẹ nhàng sâu lắng, lồng vào đó là những câu chuyện đầy cảm động giữa mẹ chồng, nàng dâu, nỗi nhớ của người vợ có chồng chiến đấu phương xa, tình đồng đội, tình quân dân… Điều này giúp tác phẩm dễ dàng đến gần với khán giả hơn.

Với thị trường hiện tại, việc dựng một vở chính kịch với chi phí đầu tư lớn là một sự mạo hiểm. Tuy nhiên, Trịnh Kim Chi nhấn mạnh vở diễn ra đời là cả sự tâm huyết nên mọi việc đều xứng đáng cả. 

Trinh Kim Chi dua ‘Rang tram bau’ 14 nam truoc len san khau
Dù biết là sự đầu tư mạo hiểm nhưng Trịnh Kim Chi cho rằng vở kịch ra đời là cả tâm huyết thì mọi việc đều xứng đáng

Sân khấu của Trịnh Kim Chi là một trong một số sân khấu xã hội hoá tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch nói Toàn quốc 2018. Chị cũng tạo điều kiện cho nhiều gương mặt trẻ tham gia vở diễn lần này: Mỹ Dung, Chánh Thuận, Lê Khâm, Thành Vinh, Nhựt Huy, Uyên Nhi, Duyên Mỹ… và một số học viên của sân khấu.

Liên hoan Sân khấu Kịch nói Toàn quốc sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 25/4 tới đây.

Thuỵ Khuê
Ảnh: NVCC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI