Một loạt câu hỏi được đặt ra khi Bình Nhưỡng, bất chấp áp lực từ 3 cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ-Trung Quốc-Nhật, cũng như nguy cơ bị LHQ gia tăng các biện pháp trừng phạt, để tiến hành cuộc thử tên lửa thứ 9 trong năm 2017, tiến xa thêm một bước trong chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của mình.
“Nước cờ tàn” của Triều Tiên là gì? Hàn Quốc có những sự lựa chọn nào và ai đang nắm giữ chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng không có điểm dừng này?
Chương trình vũ khí của Triều Tiên tiên tiến đến đâu?
|
Triều tiên đã đạt được những thành tựu nhất định trong chương trình tên lửa của mình - Ảnh: Channel NewsAsia |
Theo quân đội Hàn Quốc, vụ thử tên lửa mới nhất cho thấy tên lửa được phóng lên là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud, có tầm bắn khoảng 450km.
Trước đó một tuần, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung, và ngày 14/5 Bình Nhưỡng đã phóng thành công tên lửa tầm trung Hwasong-12, được cho là có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân "hạng nặng" và đặt lục địa Bắc Mỹ vào trong tầm bắn.
Theo quân đội Hàn Quốc, vụ thử tên lửa mới nhất cho thấy tên lửa được phóng lên là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud, có tầm bắn khoảng 450km.
Ngày 28/5, Triều Tiên còn tuyên bố đã thử nghiệm thành công một loại vũ khí phòng không mới, do đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát.
Chương trình vũ khí của Triều Tiên không chỉ gây lo ngại đối với một số nước láng giềng Đông Bắc Á, nó còn khiến những nơi xa hơn, như Hawaii cũng phải giật mình.
Đó cũng là lý do khiến các quan chức Mỹ tuần trước cho biết họ sẽ lần đầu tiên thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Mặc dù các ý kiến chuyên môn thống nhất rằng Triều Tiên chưa hoàn thiện việc phát triển một tên lửa ICBM có tầm bắn đến Mỹ, nhưng họ thừa nhận rằng Bình Nhưỡng đã có nhiều tiến bộ.
Thậm chí, ông Yang Uk, nhà nghiên cứu trưởng tại Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc (KDSF), còn đưa ra dự báo: "Có lẽ cuối năm nay hoặc trong năm sau, họ (Triều Tiên) sẽ bắt đầu thử nghiệm một ICBM”.
Bình Nhưỡng sẽ đi đến đâu?
|
Triều Tiên đã làm việc cật lực vì vũ khí hạt nhân vì đây là sức mạnh “giúp cho sự sống còn của họ”, là vũ khí răn đe của Bình Nhưỡng đối với Mỹ và Hàn Quốc - Ảnh: AFP |
Không chuyên gia nào ngây thơ nghĩ rằng chiến tranh là một lựa chọn Triều Tiên đang cân nhắc.
Nhà nghiên cứu Yang Uk của KDSF nhắc lại rằng, từ năm 1994 đến nay, Bình Nhưỡng nhiều lần đe dọa “sẽ biến Seoul thành một biển lửa".
Thực tế, Seoul nằm trong tầm bắn của pháo binh tầm xa và hoả tiễn, nhưng về mặt quân sự thì sử dụng nó đối với thường dân là một điều ngu ngốc, vì lãng phí các hệ thống phòng thủ quý giá.
Hơn nữa, bất kỳ hành động quân sự nào từ Triều Tiên cũng không khác gì "tự sát", vì nó sẽ kích hoạt một cuộc tấn công đáp trả từ Mỹ và các đồng minh.
Chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asan của Hàn Quốc, ông Hahm Chaibong, nói rằng trong một thời gian dài, chưa rõ liệu chương trình hạt nhân của Triều Tiên có phải là đòn bẩy để đổi lại viện trợ kinh tế như một số người nhận định hay không, nhưng kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, rõ ràng Bình Nhưỡng không tìm kiếm một thỏa thuận thay đổi hay từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ông Chaibong nhấn mạnh, "họ (Triều Tiên) đã làm việc cật lực vì vũ khí hạt nhân vì đây là sức mạnh giúp cho sự sống còn của họ”. Đây cũng là vũ khí răn đe của Bình Nhưỡng đối với Mỹ và Hàn Quốc.
Hàn Quốc có những sự lựa chọn nào?
|
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ mang lại một cách tiếp cận hòa giải hơn đối với Bình Nhưỡng sau một thập niên cầm quyền của phe bảo thủ - Ảnh: AFP |
Tình hình bán đảo Triều Tiên là, láng giềng phía Bắc không ngừng phô trương sức mạnh, trong khi Hàn Quốc mới có các bước đi chậm rãi sau một cuộc khủng hoảng chính trị làm tê liệt đất nước.
Đầu tháng 5/2017, ứng cử viên Moon Jae-in thắng cử trở thành Tổng thống Hàn Quốc, chấm dứt 3 tháng đất nước không có tổng thống, sau khi bà Park Geun-hye bị luận tội và phế truất vì bê bối tham nhũng.
Chiến thắng của chính trị gia theo khuynh hướng tự do được mong đợi sẽ mang lại một cách tiếp cận hòa giải hơn đối với Bình Nhưỡng, sau một thập niên cầm quyền của phe bảo thủ.
Bất chấp việc Bình Nhưỡng “chào đón” ông Moon trở thành Tổng thống Hàn Quốc bằng 3 lần thử tên lửa liên tiếp, các chuyên gia tin rằng nhà lãnh đạo Hàn Quốc sẽ kiên định theo đuổi đối thoại, trong khi duy trì áp lực và chế tài để khuyến khích thay đổi.
Theo ông Choi Kang, Phó Chủ tịch diễn đàn Asan, trong khi Tổng thống Moon đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc thu hút sự can dự của Triều Tiên, ông có thể thúc đẩy đối thoại về cung cấp viện trợ nhân đạo như thực phẩm và vật tư y tế, cũng như tổ chức đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Moon dự kiến sẽ đi Washington cuối tháng 6/2017, hội kiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump, và Triều Tiên sẽ là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao Mỹ-Hàn.
Trung Quốc đóng vai trò thế nào trong vấn đề Triều Tiên?
|
Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên ngày càng yếu đi - Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, Hoa Kỳ và các đồng minh đã kêu gọi Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Mặc dù Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên hầu hết các nguồn lương thực và năng lượng, và chiếm gần 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên, Bắc Kinh cũng đóng vai trò quan trọng trong ngoại giao đối với Bình Nhưỡng, nhưng ảnh hưởng của đại lục đối với Triều Tiên đang yếu đi.
Nhà nghiên cứu Yang Uk của KDSF nhận định: "Theo quan điểm quốc tế, Trung Quốc và Triều Tiên có thể giống như một đội, nhưng khi nhìn vào bên trong, dường như không phải như vậy”.
Ông nói Triều tiên cám ơn sự giúp đỡ của Trung Quốc, nhưng quan điểm của một người Triều Tiên bình thường là “Trung Quốc là người ngoài và sẽ vẫn là người lạ” mà thôi.
Ông lưu ý về ý chí độc lập mạnh mẽ của Triều Tiên, một nước luôn chống lại ý tưởng bị coi là một con rối của Bắc Kinh, và đó là “lý do tại sao họ chống lại áp lực để phát triển vũ khí hạt nhân của mình”.
Trong thực tế, quan hệ của Bình Nhưỡng với "người anh lớn" Bắc Kinh đã nguội lạnh, minh chứng cho điều này là lãnh đạo hai nước chưa gặp nhau kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011.
Các học giả của Đại học Yonsei (Hàn Quốc) cho rằng, quan hệ giữa hai đồng minh lâu đời đã xấu đi trên tất cả các cấp độ - giữa các nhà lãnh đạo, các tầng lớp quyền lực của mỗi quốc gia cũng như công chúng bình thường.
Có thể làm gì để giải quyết cuộc khủng hoảng?
|
Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố “Kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược” đối với Triều Tiên đã kết thúc - Ảnh: AFP |
Không có lối thoát dễ dàng, mặc dù phần lớn các chuyên gia mà Channel NewsAsia phỏng vấn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn.
Các chuyên gia của diễn đàn Asan cho biết, các biện pháp trừng phạt trước đây "quá yếu" và chỉ mới được tăng cường nhờ cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Mỹ Trump.
Ông nói rằng bây giờ tình hình đang phát triển đến mức Mỹ có thể sử dụng sức mạnh của mình đối với hệ thống tài chính toàn cầu để áp đặt trừng phạt thứ cấp đối với các công ty kinh doanh với Triều Tiên.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ chiến lược "kiên nhẫn chiến lược" của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thất bại hay không, ông Hahm nói: "Mọi quốc gia từng tham gia bàn đàm phán 6 bên về Triều Tiên đều thất bại”. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố thẳng thừng: “Kỷ nguyên kiên nhẫn chiến lược” đã kết thúc!
Giáo sư Kim của Đại học Yonsei tin rằng Hoa Kỳ có vai trò then chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Các chuyên gia khác kêu gọi các nước ASEAN làm nhiều hơn nữa, vì tất cả các thành viên ASEAN đều có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Đặc biệt, Indonesia, Việt Nam, Lào, Campuchia và Malaysia có đại sứ quán ở Bình Nhưỡng.
Được hỏi về vấn đề này, nhà nghiên cứu Yang Uk nói: "Tôi nghĩ rằng các nước ASEAN có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến hành vi của Triều Tiên thông qua Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), một diễn đàn đa phương duy nhất Bình Nhưỡng tham gia, bằng cả nỗ lực chính trị và ngoại giao".
Việt Hưng (Theo Channel Newsasia)