Triều Tiên thay ngoại trưởng: Không chỉ là chuyện ông Ri này thế ông Ri kia!

22/01/2020 - 14:50

PNO - Việc bổ nhiệm ông Ri Son Gwon làm Bộ trưởng Ngoại giao có thể là bằng chứng mới nhất cho thấy Triều Tiên sẽ có cách tiếp cận cứng rắn vào năm 2020.

Tuần qua, Triều Tiên đã thông báo cho các đại sứ quán nước ngoài tại Bình Nhưỡng rằng ông Ri Son Gwon, một cựu sĩ quan quân đội nổi tiếng “nói thẳng” đã được bổ nhiệm làm ngoại trưởng - một nguồn tin ngoại giao xác nhận với Hãng tin Reuters. Tuy nhiên trước đó, thông tin này đã được tiết lộ trên Báo điện tử NK News (Hàn Quốc) với các mối liên hệ ở Triều Tiên.

Đây được xem là bằng chứng mới nhất về việc Bình Nhưỡng có thể sẽ điều chỉnh lại chính sách đối ngoại sau khi dường như mất hy vọng vào các cuộc đàm phán hạt nhân.

Ông Ri Son-gwon. Ảnh: AP
Ông Ri Son Gwon. Ảnh: AP

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên tiếp tục tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân; Bình Nhưỡng thất vọng với việc Washington đã không đưa ra đủ các nhượng bộ. Việc bổ nhiệm ông Ri Son Gwon làm Bộ trưởng Ngoại giao có thể là bằng chứng mới nhất cho thấy Triều Tiên sẽ có cách tiếp cận cứng rắn vào năm 2020.

Là cựu đại tá quân đội, ông Ri Son Gwon tương đối ít kinh nghiệm ngoại giao và dường như không có lịch sử làm việc về các vấn đề hạt nhân. Gần đây nhất, ông là Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên, chuyên xử lý các mối quan hệ với miền Nam.

Ông Ri Son Gwon đã dẫn đầu các phái đoàn Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán liên Triều, kể cả trong năm 2018. Trong các cuộc hội đàm đó, ông Ri Son Gwon trở nên nổi tiếng với hành vi thẳng thắn và đôi khi lạnh lùng - theo các bản tin truyền thông Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cảnh báo không nên chú trọng quá mức đến danh tiếng hoặc hồ sơ của ông Ri Son Gwon.

“Các nhà ngoại giao Triều Tiên có thể vừa thẳng thắn vừa quyến rũ, tùy theo tình huống. Vì vậy, sự thẳng thừng được biết đến của ông Ri Son Gwon là thứ yếu đối với bất cứ thông điệp nào mà Triều Tiên muốn ông ấy truyền đạt” - ông Ramon Pacheco Pardo, một chuyên gia về Triều Tiên, giảng dạy tại Đại học Hoàng gia London (Anh), nói.

“Các quyết định chính sách vẫn sẽ đến từ ông Kim Jong Un, không phải từ ngoại trưởng. Vì vậy, về thực chất, ai làm ngoại trưởng không quan trọng” - ông Ramon Pacheco Pardo nói thêm.

Ông Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, đồng ý rằng kinh nghiệm và quan điểm chính sách trong quá khứ của ngoại trưởng mới Triều Tiên không quan trọng bằng những gì ông được chính phủ Triều Tiên trao quyền.

“Ông ấy sẽ được giao nhiệm vụ khởi động lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Washington và các cuộc trao đổi liên Triều với Seoul hay không? Hay công việc của ông ấy là cản trở Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, song song với việc giám sát một chiến dịch gây sức ép bao gồm phá hủy các cơ sở du lịch do Hàn Quốc xây dựng tại núi Kim Cương? Những dấu hiệu gần đây từ Triều Tiên không đáng khích lệ” - ông Easley nói.

Ảnh: Pyeongyang Press Corp
Ảnh: Pyeongyang Press Corp

Triều Tiên chưa chính thức tuyên bố ông Ri Son Gwon là ngoại trưởng mới. Không rõ chuyện gì đã xảy ra với người tiền nhiệm Ri Yong-ho, nhà ngoại giao có nghề từng đảm nhận vị trí này trong khoảng 4 năm.

Sự vắng bóng của ông Ri Yong-ho trong bức ảnh tập thể các quan chức cấp cao của Đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 12/2019 đã làm dấy lên đồn đoán về số phận ông này. Một số chuyên gia cho rằng nhà lãnh đạo Kim có thể đang khiển trách ông Ri vì các cuộc đàm phán hạt nhân thất bại.

“Tôi đồng ý rằng đó là một cách thể hiện thái độ không hài lòng với việc thiếu tiến bộ. Nếu có một thỏa thuận, tôi nghĩ chúng ta sẽ không thấy những thay đổi về nhân sự” - ông Pardo nói.

Ông Kim Jong Un đã đặt ra thời hạn cuối năm để Mỹ đưa ra lời đề nghị mới về các cuộc đàm phán hạt nhân. Sau khi thời hạn kết thúc mà không có bất kỳ sự nhượng bộ nào của Mỹ, nhiều nhà phân tích đã dự đoán ông Kim Jong Un sẽ đưa ra một “con đường mới” cứng rắn hơn cho đất nước mình.

Nhưng những phát biểu đầu năm mới của ông Kim lại có tính chất bi quan hơn là khiêu khích. Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cảnh báo về một cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ, đồng thời nói rằng ông không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi việc đình chỉ các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa. Nhưng ông cũng không loại trừ hoàn toàn các cuộc đàm phán.

Ông Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump đã gặp nhau 3 lần. Vào tháng 6/2018, họ đã ký một thỏa thuận mơ hồ nhằm nỗ lực hướng tới việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ tháng 2/2019, khi Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội giữa ông Kim và Tổng thống Trump kết thúc đột ngột mà không đạt được thỏa thuận nào.

Có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ ngoại giao Trump-Kim đã đạt đến giới hạn của nó. Đầu tháng này, một quan chức của Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết, trong khi mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo vẫn “chưa tồi tệ”, thì các cuộc đàm phán sẽ không được nối lại trừ khi Washington lần đầu tiên chấp nhận vô điều kiện các yêu cầu của Bình Nhưỡng.

Quang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI