Triều Tiên tăng cường chống dịch COVID-19 bằng y học cổ truyền

25/07/2022 - 16:09

PNO - Giữa tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị và vắc xin, Triều Tiên tăng cường sử dụng thuốc y học cổ truyền để điều trị các ca nhiễm COVID-19.

Nhân viên của Nhà máy Dược phẩm Junggu Koryo Medicine sản xuất thuốc Koryo ở Bình Nhưỡng
Nhân viên nhà máy dược phẩm Junggu Koryo Medicine sản xuất thuốc Koryo ở Bình Nhưỡng

Lee Gwang-jin, sinh viên y khoa ở Triều Tiên, cho biết anh đã điều trị sốt và các triệu chứng nhẹ khác bằng thuốc y học cổ truyền khi các bệnh viện bên ngoài Bình Nhưỡng thiếu xe cứu thương, giường bệnh, thậm chí cả điện trong những lúc cần thiết để cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân nguy kịch.

Lee nói rằng anh nghi ngờ khi các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố, y học cổ truyền Koryo đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 của quốc gia này.

Là người từng nghiên cứu về Koryo trước khi rời Triều Tiên vào năm 2018 để đến sống ở Hàn Quốc, Lee cho biết: “Triều Tiên sử dụng thuốc Koryo rất nhiều để điều trị COVID-19, nhưng đó không phải là phương thuốc chắc chắn. Những người khỏe mạnh sẽ sống, nhưng thuốc không thể giúp cứu những người đang chết".

Triều Tiên chính thức đưa thuốc cổ truyền Koryo - được đặt theo tên của một vương quốc cổ đại tại bán đảo - vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng vào những năm 1950. Kể từ giữa những năm 1990, thuốc Koryo ngày càng quan trọng khi quốc gia này bắt đầu thiếu hụt các phương tiện y học hiện đại.

Quá trình điều trị bằng Koryo gắn liền với việc pha chế thảo dược - đôi khi bao gồm các bộ phận của động vật, kết hợp châm cứu, giác hơi, xoa bóp thông kinh lạc. Những phương thuốc cổ xưa cũng được sử dụng ở nhiều quốc gia châu Á và phương Tây. Ở những quốc gia này, các phương pháp y học cổ truyền và hiện đại hoạt động độc lập, còn Triều Tiên lại kết hợp chúng với nhau.

Tại trường y, sinh viên bất kể học chuyên ngành gì cũng đều được yêu cầu học cả y học hiện đại và y học cổ truyền. Vì vậy, một khi trở thành bác sĩ, họ có thể thực hành cả hai lĩnh vực. Mỗi bệnh viện ở Triều Tiên đều có khoa thuốc Koryo. Ngoài ra còn có các bệnh viện chỉ dùng thuốc Koryo.

Một dược sĩ tại Phòng khám Kaeson ở quận Moranbong của Bình Nhưỡng, Triều Tiên bốc thuốc Koryo truyền thống cho một bệnh nhân đang đợi bên ngoài
Dược sĩ tại phòng khám Kaeson ở quận Moranbong của Bình Nhưỡng, Triều Tiên kê đơn thuốc Koryo cho một bệnh nhân đang đợi bên ngoài

Khi các phương tiện truyền thông nhà nước tung ra những câu chuyện về hiệu quả của thuốc Koryo cũng như những nỗ lực để sản xuất thuốc hàng loạt, thì vẫn có nhiều người đặt câu hỏi, liệu các bệnh nhân nặng có được điều trị đầy đủ hay không.

Các chuyên gia tin rằng Triều Tiên tăng cường huy động thuốc Koryo là vì nước này không có đủ thuốc kháng COVID-19.

Bác sĩ Yi Junhyeok, đồng thời là nhà nghiên cứu truyền thống tại Viện Đông y Hàn Quốc, nhận xét: “Điều trị các triệu chứng nhẹ bằng thuốc Koryo không phải là một lựa chọn tồi, nhưng COVID-19 không chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ. Triều Tiên cần vắc xin, hệ thống chăm sóc khẩn cấp và các nguồn lực y tế khác để giảm thiểu tử vong”.

Hơn 2 tháng đã trôi qua kể từ khi Triều Tiên thừa nhận đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên. Trong 7 ngày qua, nước này báo cáo mỗi ngày có trung bình 157 ca sốt, giảm đáng kể so với mức đỉnh khoảng 400.000 ca/ngày hồi tháng 5.

Bình Nhưỡng cũng duy trì một tuyên bố gây tranh cãi, rằng chỉ có 74 trong số khoảng 4,8 triệu bệnh nhân đã chết, tương ứng tỷ lệ tử vong là 0,002% - mức thấp nhất thế giới, nếu đúng.

Trước đó, một số chuyên gia dự đoán rằng đợt bùng phát COVID-19 có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng ở Triều Tiên vì phần lớn dân số 26 triệu người (với khoảng 40% bị suy dinh dưỡng) của nước này chưa được tiêm vắc xin.

Dù thế giới nghi ngờ tính xác thực của các số liệu thống kê được báo cáo tại Triều Tiên, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy đợt bùng phát đã gây ra thảm họa ở nước này.

Linh La (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI