PNO - Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia. Tính đến nay, đã có gần 800 ngàn người nhiễm bệnh, hơn 37 ngàn người tử vong ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc trị hay vaccine ngừa bệnh. Theo dự báo, tình hình dịch bệnh trong những ngày tới còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn nữa.
Tập trung mọi nguồn lực, đồng lòng để chiến thắng
Ngày 30/3, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động để chiến thắng đại dịch.
“Hiện nay, chúng ta đang ở vào thời điểm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn, toàn hệ thống chính trị phải tập trung cao độ để tiếp tục chủ động ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; không quá hốt hoảng nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơi lỏng; phải nắm chắc tình hình, dự báo khả năng xấu nhất, kịp thời đề ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, ngăn chặn bằng được sự lan rộng lây nhiễm. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch; ưu tiên nguồn lực, thời gian và công sức cho công việc hệ trọng này.
Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19!”.
Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41) và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, cũng trong ngày 30/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi thư tới các Chủ tịch Nghị viện thành viên AIPA, đề xuất các Nghị viện AIPA chung tay bảo vệ Ngôi nhà chung ASEAN trước đại dịch COVID-19.
Bức thư có đoạn, “Hơn bao giờ hết, cộng đồng ASEAN cần nêu cao tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau trước đại dịch COVID-19. Tôi đánh giá cao tuyên bố và hành động kịp thời của các nhà lãnh đạo các nước trên thế giới, của WHO (Tổ chức Y tế thế giới - PV). Ngày 14/2/2020, sau khi tham vấn lãnh đạo các nước ASEAN, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố của Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN trước sự bùng phát dịch COVID-19. Những hành động kịp thời và hiệu quả của chính phủ các nước ASEAN, những cống hiến không biết mệt mỏi, sự hy sinh quên mình của tất cả các lực lượng trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ các y, bác sĩ đã và đang góp phần nỗ lực ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch ở các nước trong khu vực ASEAN chúng ta".
“Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, với quyết tâm và nỗ lực to lớn, sự đoàn kết và sẻ chia của lãnh đạo và nhân dân các nước ASEAN, chúng ta nhất định sẽ vượt qua khó khăn, đem lại sự yên bình cho mọi người dân. Mỗi nghị viện thành viên AIPA đồng hành, chung tay cùng chính phủ các nước ASEAN đối phó với đại dịch bằng việc phát huy mạnh mẽ vai trò của mình, thông qua các biện pháp và chính sách do chính phủ đề xuất nhằm ứng phó dịch bệnh; tạo thuận lợi phân bổ nguồn lực và tăng cường kết nối với người dân. Là những nghị sĩ, chúng ta cần tiếp tục lan tỏa thông điệp đoàn kết, yêu thương, động viên mọi người dân và nhất là những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch”.
Chính phủ chỉ đạo sâu sát và nhất quán
Chủ trì hàng loạt các cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương trong những ngày qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn đặt trọng tâm mang đến cho người dân 3 chữ “an”: an toàn tính mạng, an sinh xã hội và an tâm chắc chắn đại dịch sẽ đi qua.
Thủ tướng nêu rõ, cách ly xã hội là hành động cần thiết để ngăn chặn hiệu quả việc lây lan ra cộng đồng, “chúng ta không được chủ quan, không được lơ là, vì chúng ta có nhiều biện pháp mạnh mẽ nhưng trên đường phố vẫn đông người, trên bãi biển vẫn còn rất nhiều người và trong một số điểm vẫn chưa thực hiện nghiêm về số người tụ tập”. Đây thực sự là nguy cơ lây nhiễm cao.
Nhắc lại quan điểm đây đang là “thời điểm vàng”, “giờ vàng” trong phòng chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo, điều hành, không được chủ quan, “chống dịch như chống giặc”. Việt Nam có 12 ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972, giờ đây chúng ta có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
“Đây là trách nhiệm nặng nề, vinh dự của tất cả hệ thống của chúng ta” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu “tỉnh nào ở tỉnh đó, huyện nào ở huyện đó, xã nào ở xã đó, thôn nào ở thôn đó, khu phố nào ở khu phố đó, nhà nào ở nhà đó” ít nhất trong vòng 15 ngày để tránh lây nhiễm.
Thủ tướng nêu rõ, cơ bản dừng vận chuyển công cộng, hạn chế tối đa phương tiện cá nhân; yêu cầu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc tách riêng khu cách ly cũ và mới để tránh lây nhiễm chéo giữa người cũ và người mới vào khu cách ly.
Đối với các bệnh viện trong toàn hệ thống, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nên có quy định phù hợp để tránh trường hợp một cá nhân nhiễm COVID-19 đi khám mà ảnh hưởng đến toàn bộ bệnh viện. Các cơ quan bố trí cán bộ làm việc ở nhà và xử lý công việc qua công nghệ thông tin, trừ trường hợp đặc biệt phải đến cơ quan. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm nếu để cơ quan có nhiều người lây nhiễm do không nắm vững các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Trước hết, ngành y tế phối hợp chặt chẽ với TP. Hà Nội, TPHCM và ngành công an… tranh thủ từng phút, từng giờ, rà soát khoanh vùng những đối tượng nguy cơ lây nhiễm ở ổ dịch Công ty Trường Sinh, Bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha. “Tinh thần là thần tốc và cương quyết, dồn mọi nguồn lực dập bằng được ổ dịch này”, không để rơi vào thế bị động.
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 - sáng 30/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường kêu gọi cả nước chung sức, chung lòng ủng hộ đội ngũ y bác sĩ và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch; không kỳ thị nhân viên y tế và người nhà của họ. Các địa phương cần bố trí khu vực riêng phục vụ nhân viên y tế và các lực lượng phòng, chống dịch cách ly, nghỉ ngơi, bảo đảm sức khỏe trong giai đoạn căng thẳng này.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với Bộ Y tế, Bộ Thông tin - Truyền thông, UBND TP. Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai về các biện pháp dập dịch ở Bệnh viện Bạch Mai chiều 28/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta đều thấy việc dập được các ổ dịch có tính quyết định khi dịch đã lan vào cộng đồng. Chúng ta đã làm tốt với ổ dịch tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), ổ dịch ở Bình Thuận và chuyến bay VN0054.
Hiện chúng ta có hai ổ dịch cần đặc biệt lưu ý là quán bar Buddha ở TPHCM và Bệnh viện Bạch Mai. Trong những ngày qua, UBND TP. Hà Nội đã rất chủ động, tích cực, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai thực hiện các biện pháp cần thiết. Tới đây, nhất định chúng ta phải quyết liệt hơn. Ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai rất phức tạp, nhưng các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để dập bằng được ổ dịch này”.
Về an sinh xã hội cho người dân, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ bàn vấn đề này vào ngày 1/4, trước hết là đối với người thu nhập quá thấp, trên tinh thần ngân sách Trung ương và địa phương cố gắng hỗ trợ. Mức và đối tượng cụ thể sẽ được thảo luận tại phiên họp Chính phủ sắp đến. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, lương thực thiết yếu, bảo đảm giá cả phù hợp, chất lượng, không để người dân quá khó khăn.
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng và các đại biểu đã bàn bạc về việc chủ động bảo đảm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Trước hết, về sản xuất khẩu trang y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được 5 triệu khẩu trang y tế/ngày và cũng chủ động được nguồn nguyên liệu. Về khẩu trang chuyên dụng (N95), các doanh nghiệp có thể sản xuất được sản phẩm có chất lượng tương đương với các nước trên thế giới. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp tiến hành sản xuất khẩu trang với công suất tối đa. Doanh nghiệp nào có năng lực thì mở rộng dây chuyền.
Về trang phục bảo hộ y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, hiện chúng ta cũng đang sản xuất bộ quần áo bảo hộ với chất lượng tương đương nhập khẩu. Bên cạnh đó, các cơ quan khoa học, y tế cũng đang phối hợp với chuyên gia nước ngoài và một số doanh nghiệp lớn tập trung nghiên cứu, sản xuất máy thở để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Địa phương nỗ lực kiểm soát tình hình
Chiều 30/3, trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nghị quyết của HĐND TPHCM hỗ trợ cho người mất thu nhập do dịch sẽ tương đương khoảng 25% tổng thu nhập của công chức dành ra để hỗ trợ cho người mất việc.
Ông nói, với tình hình hiện nay, mỗi người dân phải chịu thiệt, ăn uống cũng hạn chế, đi lại hạn chế, thậm chí công việc phải nghỉ. Việc hạn chế sẽ gây thiệt hại cho người dân, nhưng thiệt hại đó nhỏ hơn rất nhiều nếu chúng ta không khống chế nổi dịch.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, khi dịch bệnh đã bùng phát, người dân sẽ bị cấm cả việc đi lại. Do vậy, mỗi người chịu thiệt một chút về kinh tế, thu nhập để đất nước bình yên, sau đó chúng ta sẽ làm lại. Thành phố hiểu doanh nghiệp là phải kiếm lời, kinh doanh, nhưng trong điều kiện này, không phải thời cơ kinh doanh. Nếu cố tình kinh doanh để dịch bệnh lây lan, đó là tội đồ của đất nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Thành phố không lo bị thiếu thực phẩm. TPHCM luôn đảm bảo dự trữ thực phẩm ít nhất 6 tháng, thậm chí dự trữ cả một năm đối với những mặt hàng thiết yếu.
Ông cũng đánh giá cao công tác phòng chống dịch COVID-19 của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Người dân vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường. Chúng ta không quá tải bệnh viện. Dân số khoảng 100 triệu dân, từ ca đầu tiên đến nay là khoảng 70 ngày, nhưng không có ai ở Việt Nam tử vong vì COVID-19, đây là điều đáng tự hào. Cuộc sống của chúng ta không rối loạn, bấn loạn, đây là điều đáng ghi nhận và trân trọng”.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nói, cơ sở vật chất đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cách ly, chữa trị trong kịch bản xấu nhất. Hiện Thành phố đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, kể cả với tình huống xấu nhất, cam kết không quá 150 ca nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn TPHCM.
TPHCM hiện có 36 khu cách ly tập trung với 12.000 giường, sắp bổ sung một số khu để nâng công suất lên 24.000 giường. Thành phố có 4 cơ sở chuyên sâu điều trị COVID-19 với 2.300 giường bệnh, 47 bệnh viện có thể tiếp nhận bệnh nhân với hơn 700 giường.
Một số điều kiện, thiết bị khác cũng sẵn sàng như: 10.000 bộ xét nghiệm độ nhạy cao để tầm soát diện rộng những trường hợp nghi nhiễm, tiếp xúc gần các ca bệnh; 7 triệu khẩu trang y tế, 40 triệu khẩu trang vải.
Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở lưu trú, rà soát người lang thang, người già không nơi cư trú để chăm sóc, theo dõi sức khỏe dưới sự giám sát của cơ quan y tế; huy động lực lượng tại địa phương để hỗ trợ các hộ là người già neo đơn trong việc mua sắm và vận chuyển nhu yếu phẩm, đảm bảo người trên 60 tuổi được ở nhà toàn thời gian.
“Chính phủ đã dừng dịch vụ xổ số kiến thiết, kéo theo một bộ phận người bán vé số sẽ gặp khó khăn. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần có phương án hỗ trợ với các trường hợp này, vì đa phần người bán vé số phải kiếm ăn từng bữa”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Lan Khanh
Chia sẻ bài viết: |
Đến 14 giờ 30 ngày 21/11, lực lượng chức năng vẫn chưa tìm thấy 2 người mất tích trong vụ xe gom rác bị rơi từ cầu treo Bình Thành xuống sông.
Trong quá trình thi công cải tạo hệ thống thoát nước tại ngõ 167 Tây Sơn (Hà Nội), nhóm công nhân phát hiện nhiều tiểu quách, bên trong có hài cốt.
Bằng thủ đoạn cho số trúng độc đắc, một phụ nữ ở Long An bị lừa 41 lần với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.
3 giám đốc trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng bị HĐXX TAND tỉnh Quảng Ngãi xử phạt cải tạo không giam giữ.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Ngày 21/11, UBND TPHCM đã có quyết định ban hành giá vé dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện trên tuyến đường sắt đô thị số 1...
Chiếc xe gom rác chạy trên cầu treo Bình Thành (Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) thì bất ngờ lao xuống sông Hương khiến 2 người trên xe mất tích.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với các địa phương có dự án cao tốc đi qua tại khu vực ĐBSCL để gỡ những khó khăn đang vướng phải.
Ngoài trụ sở UBND quận 1, trụ sở Cục Hải quan, đền thờ Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ kiểm duyệt ty... cũng được xếp hạng di tích đợt này.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, hiện đã có dự án đường sắt riêng để kết nối Hà Nội - Lạng Sơn và TPHCM - Cần Thơ.
Việc triển khai các biện pháp xử lý bao gồm cả dự án, công trình dừng thi công, chậm tiến độ, trụ sở, công sở không hoặc sử dụng chưa hiệu quả.
TAND tỉnh Long An vừa tuyên tử hình đối với bị cáo Mển về hành vi vận chuyển 25kg ma túy qua biên giới.
Ngày 20/11, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025.
ĐBQH Dương Khắc Mai khẳng định, nguồn lực trong dân còn rất lớn, nếu phát hành trái phiếu với lãi suất đủ hấp dẫn, người dân sẵn sàng mua.
Sau tiếng động mạnh, nam công nhân được nhiều người khác ôm ra khỏi công trình, đưa lên xe đi cấp cứu.
Bộ Chính trị đồng ý thành lập Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện tại TPHCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã bàn giao 100% mặt bằng, chỉ còn khoảng 200m tuyến nối nằm trên địa bàn TP Cần Thơ vướng bãi rác.