Triết lý sống từ căn bếp

17/10/2024 - 17:52

PNO - Mỗi gia đình có cách giữ lửa riêng, người giữ lửa không ai khác ngoài bà mẹ. Nghĩa đen là vậy, nhưng nghĩa bóng có thể hiểu mẹ là ngọn lửa trong gia đình, truyền cảm hứng sống, năng lượng tích cực cho các con...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không ai có thể bắt tay vào làm việc gì đó mà hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên. Một nồi cơm, cho dù chỉ là vo gạo và đổ nước rồi cắm điện, thế nhưng cũng có khi nhão, khi khô; và kinh nghiệm sẽ dạy bạn với gạo nào bao nhiêu nước thì vừa. Nấu lần đầu tiên có thể nồi cơm hơi bị khô hay nhão, lần thứ hai chắc chắn cơm sẽ ngon.

Nấu nồi canh nêm nếm vừa ăn, nồi kho để lửa riu ra sao, món xào nhiệt độ thế nào, bao lâu thì tắt lửa, hạ nhiệt; nướng bao lâu, bao nhiêu độ thì miếng thịt chín mềm, ngon, thơm... cùng món ăn, cách chế biến chung (theo nguyên tắc) là vậy nhưng mỗi gia đình với khẩu vị và ý thích riêng nên không nhất thiết rập khuôn mà phụ thuộc vào thực tế, tăng hay giảm bớt nguyên liệu đều từ kinh nghiệm.

Kinh nghiệm từ bếp cũng chính là kinh nghiệm của cuộc sống. Biết bao câu ca dao tục ngữ mà người xưa đã đúc kết từ bếp và để lại cho hậu thế. Từ việc nhóm lửa cho đến nấu nồi cơm. Phải biết giữ lửa như thế nào, bớt lửa ra sao…

Tôi nhớ ngày xưa má tôi có một cái nồi nhôm cũ, sứt sẹo, móp méo, trong đó có lớp tro mỏng. Nấu nướng xong, má gắp những cục than hồng bỏ vào cái nồi ấy, rồi đậy nắp kín lại. Má gọi là nhốt than, không có ô xy than sẽ tắt lửa. Những cục than này dành để nấu lần sau. Má cũng có một cái trả là cái thau mẻ, cũ mèm, bên dưới thau có một lớp tro. Má bỏ vài cục than hồng vào trả rồi phủ lên một lớp tro mỏng, má gọi là giữ lửa. Thế hệ tôi, chắc nhiều người còn nhớ. Sau này má tôi không còn ủ than nữa vì đã có ngo (từ gỗ thông chẻ nhỏ) để nhóm lò.

Bài học kinh nghiệm là ở đây, ủ thế nào cho than vẫn giữ được lửa để khi khơi lớp tro ra, gắp cục than (còn) hồng để nhóm bếp lửa mới. Mỗi gia đình có cách giữ lửa riêng, người giữ lửa không ai khác ngoài bà mẹ. Nghĩa đen là vậy, nhưng nghĩa bóng có thể hiểu mẹ là ngọn lửa trong gia đình, mẹ biết cách giữ lửa, giữ gìn mái ấm; truyền cảm hứng sống, năng lượng tích cực cho các con...

Một gian bếp đã lâu không dọn thường rất nhiều món đồ ở lại vì tâm lý "lỡ khi cần lại không có"... Khi dọn bếp, bà nội trợ phải quyết định bỏ thứ không cần dùng đến vài năm rồi, thứ vẫn thường dùng thì để sao cho dễ thấy, dễ lấy. Thứ lâu lâu mới dùng thì để vào nơi đặc biệt hơn... Tủ lạnh vài tháng phải dọn một lần, thứ gì còn ăn được, thứ gì bỏ đi, không nên tiếc, vì đồ ăn thức uống là thứ đưa vào cơ thể "bệnh từ miệng mà vào...".

Bếp - trước tiên phải gọn gàng, sạch sẽ - vật nào chỗ nấy. Làm đến đâu dọn đến đó, tránh việc để bừa bộn dụng cụ, nguyên liệu... khiến khâu sau vướng phải đồ đã xong của khâu trước. Lúc nào cũng có sẵn khăn lau bếp trong tầm tay, xong một công đoạn, lau sạch bếp trước khi chuyển qua công đoạn khác. Tập thói quen nấu xong là lau sạch sẽ bếp, hàng tuần làm vệ sinh bếp một lần; một năm tổng vệ sinh nhà bếp hai lần, chẳng hạn.

Việc "đảo kho" cho tủ đông cũng quan trọng không kém, theo nguyên tắc “vào trước, ra trước”. Tránh việc có thể bỏ quên thức ăn trong góc tủ thời gian lâu, không còn ngon hay bổ dưỡng nữa, thậm chí lên mốc.

Bồn rửa chén bát phải luôn sạch, xong một thao tác chuyển dụng cụ (tô, chén, hộp nhựa, thố...) qua bồn rửa; trong khi chờ đợi món luộc hay hầm chẳng hạn bạn hãy thanh toán các thứ trong bồn rửa. Cần chú ý không bao giờ cho dao, kéo, vật sắc nhọn... vào bồn rửa rất dễ gây đứt tay mà hãy để trên bàn rửa, dễ thấy và rửa chúng sau cùng.

Có thể thấy trong bếp khá nhiều món đựng trong chai lọ giống nhau. Ví dụ đường có đến mấy loại: đường cát trắng, đường vàng, đường phèn... phải ghi nhãn rõ ràng cho dễ thấy, ai cũng tìm được, khi cần không phải hỏi người chủ bếp. Tương tự vậy, nước mắm có nước mắm ăn hay nước mắm nấu; gia vị lại càng nhiều loại nữa: kho, xào, ăn sống, nướng, chiên... Gia vị thường dùng để ở vị trí dễ lấy, gia vị ít dùng có thể để phía xa hơn... Việc ngăn nắp sẽ giúp chúng ta không bị mất thời gian.

Ngoài ra, bếp còn là bài học về an toàn, có kế hoạch... bởi bếp là nơi có nhiệt độ cao, sử dụng điện, nước... Ngoài kế hoạch ngắn hạn (tính theo tuần) là lương thực, thực phẩm phải có sự "gối đầu", ví dụ như xài chai dầu ăn này thì phải có chai dầu ăn khác để dành, hết có ngay...; còn phải có kế hoạch dài hạn (tính theo năm) như: thay ít vật dụng, chén, đĩa, ly, tách đã cũ; mua cái tủ lạnh lớn hơn vì tết vừa rồi chứa không đủ thức ăn, mua thêm bộ bàn ghế mới rộng hơn, bởi các thành viên trong gia đình giờ đã lớn, biết ăn và ăn được nhiều món...

Nhà bếp còn cho con người nhiều kinh nghiệm quý báu nhỏ nhặt khác nữa từ luộc cái trứng đến gọt củ khoai tây, chiên con cá... Không tin bạn hãy thử vào bếp một lần và ngẫm nghĩ, sẽ thấy nhiều triết lý cuộc sống xuất phát từ cái nơi rất ấm lòng ấy.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI