Cuối tuần qua, tại TP.HCM đã có buổi tọa đàm đầu tiên về triết lý giáo dục giữa các chuyên gia: tiến sĩ (TS) Nguyễn Vân Nam - từng nhiều năm giảng dạy luật học tại Đức, nhiều năm nghiên cứu về vai trò của Nhà nước và giáo dục tại Việt Nam; TS Lê Nguyên Phương - chuyên ngành tâm lý giáo dục tại University of Southern California, chuyên gia Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là người sáng lập Hiệp hội Phát triển tâm lý học đường quốc tế (CASP-I); phó giáo sư - TS tâm lý học xã hội Nguyễn Thị Phương Hoa - Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương.
|
Từ trái qua phải: tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa, tiến sĩ Lê Nguyên Phương |
Phóng viên: Bao năm qua, chúng ta vẫn loay hoay với những lần cải tổ, đổi mới, nhưng giáo dục vẫn chưa tạo được niềm tin cho người dân và kết quả thì lực lượng lao động mà giáo dục tạo ra vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Ông nghĩ sao về điều này, thưa ông Nguyễn Vân Nam?
TS Nguyễn Vân Nam: Cải tổ, cải cách giáo dục chưa hiệu quả là vì chúng ta không biết căn cứ, soi chiếu vào đâu, chưa định ra một triết lý giáo dục để soi chiếu. Thực tế, tư chất của người Việt Nam rất tuyệt vời, đây là điều mà thế giới công nhận. Người châu Âu gọi người Việt chúng ta là “dân Do Thái châu Á”, có nghĩa là chúng ta rất thông minh. Nhưng, sự công nhận này càng làm chúng ta đau đớn hơn, vì dân tộc thông minh không thể... kém phát triển thế này. Có một câu hỏi mà tôi cứ trăn trở mãi: vì sao giáo dục nước ngoài lại phát huy tư chất tốt đẹp của người Việt hiệu quả hơn giáo dục trong nước? Chúng ta nói nhiều về triết lý giáo dục, nhưng nó là gì thì chưa mấy người trả lời một cách chính xác. Trước đây, tôi từng nghe một vị cựu bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, triết lý giáo dục Việt Nam có đến 7.000 chữ. Thật không thể tin được.
* Vậy triết lý giáo dục là gì?
TS Nguyễn Vân Nam: Triết lý giáo dục là những nguyên tắc căn bản nhất nhằm định hướng, kiểm tra và đánh giá để đạt được mục tiêu của giáo dục. Triết lý giáo dục của Việt Nam, theo tôi, nên theo triết lý giáo dục của các nước phương Tây, các nước phát triển và có nội lực về con người, như Đức, Nhật, Mỹ... Triết lý đó là giáo dục phải tạo ra cơ hội bình đẳng cho mỗi người, để có thể trở thành con người tự do, sống có phẩm giá. Triết lý giáo dục này hình thành từ cuộc cách mạng Pháp và được nhiều quốc gia áp dụng. Cùng một triết lý giáo dục nhưng mỗi nước sẽ hình thành một hệ thống giáo dục khác nhau tùy theo hoàn cảnh xã hội, truyền thống đạo đức, đạo lý dân tộc, từ đó đưa ra hàng loạt các nguyên tắc, phương pháp giáo dục cho gia đình, nhà trường và cả tự giáo dục.
TS Nguyễn Thị Phương Hoa: Tôi cho rằng, bên cạnh được giáo dục, tự giáo dục cũng quan trọng. Phải chăng, nếu nhà trường không dạy về lịch sử thì học sinh sẽ không biết gì về quá khứ? Điều này không đúng. Con trai tôi học cấp II ở Singapore, cấp III ở Anh, nhưng bé vẫn rành về lịch sử Việt Nam, lịch sử Trung Quốc và cả lịch sử thế giới hơn tôi nhờ quá trình tự học. Giáo dục của chúng ta ôm đồm quá nhiều thứ ở trường vì lo học sinh sẽ thiếu kiến thức môn này môn kia, dẫn đến quá tải và các em không còn thời gian tự học nữa. Nhưng theo tôi, tự học mới quan trọng. Giáo dục là cung cấp cho học sinh kiến thức nền tảng, như hạt gạo, có em nấu cơm, có em làm ra nhiều món khác. Nhưng tôi e rằng, với giáo dục hôm nay, nhiều em có thể sẽ phải ăn gạo sống...
TS Nguyễn Vân Nam: Theo tôi, quan trọng là ai cũng phải có cơ hội bình đẳng trong việc nhận gạo. Nước Đức tạo cơ hội bình đẳng trong “nhận gạo” bằng cách miễn học phí từ cấp mẫu giáo đến đại học, Nhà nước trả tiền bằng ngân sách, cũng chính là tiền thuế của người dân.
|
Giáo dục phải hướng đến bình đẳng và những con người tự do, có phẩm giá |
TS Nguyễn Thị Phương Hoa: Nguồn lực của chúng ta có hạn, không thể so sánh với các nước phát triển. Nhưng tôi cũng thấy rằng, việc đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam còn nhiều điều đáng bàn. Thực tế, các em ở vùng sâu, vùng xa vẫn đang trông đợi cơ hội đi học từ các tổ chức từ thiện. Bình đẳng giáo dục cho trẻ em nghèo lẽ ra là nhiệm vụ của Nhà nước mới phải. Chúng ta có các khẩu hiệu như “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Tất cả vì tương lai con em chúng ta”... nhưng khi tôi về thăm Đất mũi Cà Mau vào mùa nước nổi, các em nhỏ đi học mà chân vẫn ngâm trong nước, trong khi ngành giáo dục nói chuyện “trên trời”.
* Đó là lý do chúng ta trông mong Việt Nam sớm có một triết lý giáo dục, để đứa trẻ nào cũng được đi học trong điều kiện tốt?
TS Lê Nguyên Phương: Tôi hoàn toàn đồng ý về các khái niệm con người tự do, phẩm giá và bình đẳng là những giá trị mà nhân loại tìm kiếm từ giáo dục. Nhưng ở Hoa Kỳ, khi đi sâu vào triết lý giáo dục, có ít nhất 4 trường phái giáo dục khác nhau. Trường phái Vĩnh cửu xem rằng, tri thức kinh điển của nhân loại được tập hợp vào những cuốn sách vĩ đại toàn cầu, được lưu giữ trong thư khố Great Books store. Con người muốn giải quyết mọi vấn đề, cả vấn đề về giáo dục - đào tạo, cũng phải đọc sách này, vì nó là tri thức chung của nhân loại.
Tuy nhiên, đa số sách đều từ phương Tây, không có sách từ phương Đông, nên có những ý kiến cho rằng, sách trong “thư khố” chưa có tính đa văn hóa. Trường phái Thiết yếu hay Chủ yếu cho rằng, con người cần những kỹ năng thiết yếu để có thể kiếm sống. Vì vậy, con người chỉ học những bộ môn căn bản cần thiết như văn, toán, sử. Trường phái Canh tân hay Cấp tiến, theo triết lý giáo dục của nhà giáo dục người Mỹ John Dewey, lấy trẻ em làm trọng tâm của giáo dục, trẻ em không cần nhồi nhét quá nhiều kiến thức mà từ thực nghiệm, các em sẽ kiến tạo được tri thức. Trường phái Tái kiến thiết xã hội cho rằng, nhiệm vụ của một nền giáo dục là xây dựng những công dân có thể cải thiện, tái cấu trúc xã hội, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
TS Nguyễn Vân Nam: Tôi cho rằng, những trường phái anh Phương nói đến không phải là triết lý giáo dục, mà đó là các phương tiện hay cách thức, mô hình thực hiện triết lý giáo dục.
TS Lê Nguyên Phương: Nhiều năm trực tiếp giảng dạy cho cả sinh viên, giáo viên cũng như nghiên cứu giáo dục ở Hoa Kỳ, tôi thấy Mỹ không có triết lý giáo dục duy nhất nào. Bất cứ nhà giáo dục nào cũng có thể đưa ra một triết lý giáo dục được áp dụng ở nhiều trường khác nhau. Thậm chí, có trường phái Giáo dục giải phóng con người của nhà giáo dục người Brazil Paulo Freire. Sinh viên sư phạm khi ra trường phải viết về một triết lý giáo dục của riêng mình, triết lý này sẽ quyết định tương quan giữa thầy - trò, đưa ra phương pháp giáo dục, nội dung giảng dạy... Tuy có nhiều triết lý giáo dục khác nhau, nhưng giáo dục Hoa Kỳ không bị “loạn”, bởi các triết lý này đều chia sẻ những giá trị chung, đó là con người tự do lựa chọn vận mệnh của mình, có phẩm giá, được tôn trọng và có quyền bình đẳng.
* Liệu triết lý giáo dục có khác nhau ở từng giai đoạn phát triển con người không, thế kỷ XX so với XXI, giữa thời cách mạng công nghiệp 3.0 với 4.0?
TS Nguyễn Vân Nam: Nếu có khác nhau về thời gian thì đâu còn triết lý giáo dục nữa. Thời đại 4.0 đặt ra cho chúng ta cơ hội, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Một ví dụ đơn giản, chúng ta có hai hệ thống máy theo quy trình sản xuất xác định, một hệ thống sản xuất ra sản phẩm rất tốt, một hệ thống làm ra các sản phẩm xấu nhưng tốc độ nhanh chóng, đó đều là hệ thống máy móc của công nghệ 4.0. Như vậy, tiếp thu và áp dụng công nghệ 4.0 thế nào cho tốt cũng không đơn giản.
* Việc tiếp cận triết lý giáo dục có khó khăn với những nước như Việt Nam không?
TS Nguyễn Vân Nam: Chúng ta thường dùng điều kiện còn khó khăn để giải thích cho những điều chưa làm được. Nhưng ở các nước phát triển, khi đất nước còn nghèo, họ đã đầu tư cho giáo dục, miễn học phí để mọi người dân đều được học hành, về sau họ mới gặt hái thành quả là đất nước trở nên giàu có. Triết lý giáo dục mà tôi đề cập ở trên đã có từ cách mạng Pháp, cả xã hội đồng thuận đưa vào hiến pháp với những quy định cụ thể, từ đó giáo dục mới tiến bộ. Triết lý giáo dục được xem là hiến pháp trong lĩnh vực giáo dục, dù có theo trường phái nào thì cũng không thể vượt ra khỏi các mục tiêu đào tạo những con người tự do, bình đẳng và có phẩm giá.
* Liệu chúng ta có thể xây triết lý giáo dục bằng cách kế thừa từ các triết lý giáo dục của người xưa như “Tiên học lễ hậu học văn”, hay “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” không?
TS Nguyễn Vân Nam: Tôi cho đây là cách thức giáo dục hay triết lý sư phạm chứ không phải triết lý giáo dục. Không phải cái gì cũng có tính kế thừa. Hơn nữa, quá trình tìm cái kế thừa từ quá khứ đôi khi mất nhiều thời gian. Tại sao sẵn có triết lý giáo dục rất hay của thế giới lại không dùng? Vấn đề là chúng ta phải dùng thế nào, đưa ra các nguyên tắc, hình thức nào cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước, truyền thống đạo lý của dân tộc mà thôi.
TS Lê Nguyên Phương: Có thể chúng ta còn bị ám ảnh bởi tinh thần dân tộc, bản ngã dân tộc, đó là trở lực khiến chúng ta không thoải mái tiếp thu bên ngoài, có thể gọi đó là tự ái dân tộc. Nhưng thật ra, bất cứ cá thể hay dân tộc nào cũng có các nét đặc thù riêng, không dễ mất đi; việc tiếp thu cái mới cùng với việc phát triển các nét đặc thù của mình nên diễn ra song song. Trong đó, đối với bất cứ dân tộc nào, tiếp thu triết lý giáo dục hay văn minh thế giới là nhiệm vụ của giới trí thức, chứ không phải của dân chúng nói chung. Ở đây, tôi đề cập đến trí thức đúng nghĩa chứ không phải là người có bằng cấp. Họ phải vừa là chuyên gia trong ngành, vừa có hiểu biết về xã hội nhân văn, là người có tinh thần kẻ sĩ, có trách nhiệm hy sinh cho dân tộc.
* Vậy chúng ta có gợi ý nào về cách tiếp nhận triết lý giáo dục sao cho phù hợp không?
TS Nguyễn Vân Nam: Một trong những sai lầm chết người của chúng ta là nghĩ rằng, tiếp thu văn minh thế giới là việc dễ dàng. Không đâu! Muốn tiếp thu triết lý giáo dục một cách nghiêm túc, hiệu quả, đòi hỏi một nghiên cứu lâu dài, không thể trả lời ngay được. Nhưng nếu Việt Nam có một triết lý giáo dục thì sẽ có một số thay đổi cơ bản. Thứ nhất là miễn học phí các cấp học, vì đó là điều kiện cơ bản để mọi người đều có quyền bình đẳng về giáo dục. Thứ hai là hệ thống các trường cũng thay đổi, để nếu học sinh không đậu vẫn có cơ hội chuyển qua học ở một hệ khác và có thể vào đại học. Thứ ba, việc thi cử như hiện nay cũng thay đổi, không thể đánh giá năng lực học sinh theo kiểu chọn lọc mà phải đánh giá theo định hướng năng lực, để kỳ thi đại học không còn là cánh cửa duy nhất, không đạt được thì học sinh phải tuyệt vọng đến mức tự tử. Thứ tư, tự chủ đại học cũng phải thay đổi...
* Vậy theo ông, đề ra triết lý giáo dục cho Việt Nam là nhiệm vụ của ai?
TS Nguyễn Vân Nam: Đưa ra triết lý giáo dục không phải là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Chính phủ, mà nó ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc nên cần được công nhận bởi dân chủ đại diện, thông thường là cơ quan lập pháp cao nhất, đó là Quốc hội. Nếu không thì phải trưng cầu ý dân, như một “hội nghị Diên Hồng” về giáo dục chẳng hạn.
TS Nguyễn Thị Phương Hoa: “Hội nghị Diên hồng” e rằng sẽ bể kèo vì “chín người mười ý”. Ngay cả ở nước Nga, đến thời điểm này, vẫn chưa đưa ra được một triết lý giáo dục cho quốc gia. Từ năm 2001, nước này đã đưa ra một tạp chí khoa học tên là “Triết lý giáo dục” để thảo luận, góp ý về nội dung này. Tôi nghĩ, Việt Nam cũng nên bắt đầu quan tâm và suy nghĩ một cách nghiêm túc về triết lý giáo dục của quốc gia, với sự đóng góp có ý nghĩa từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Xuân Lộc (thực hiện)