Triển vọng của kỹ thuật y sinh nhìn từ cuộc chiến chống COVID-19

05/03/2020 - 06:00

PNO - Từ việc ngăn chặn sự lây lan thông qua các nền tảng nguồn mở cho đến việc cung cấp thực phẩm bằng robot, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm sáng tỏ tiềm năng của ngành kỹ thuật y sinh.

Kỹ thuật y sinh - kết hợp kỹ thuật và y học thông qua các công nghệ mới - hứa hẹn sẽ giải quyết được bệnh tật, kiểm soát đại dịch và thúc đẩy cuộc sống lành mạnh. Việc huy động nguồn lực nhanh chóng ở Trung Quốc và các nơi khác để kiểm soát sự bùng phát của COVID-19 đã cho thấy một loạt cải tiến mới giúp đối phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu.

Theo dõi sự bùng phát dịch 

Công ty Công nghệ Alibaba đã phát triển một nền tảng mở để theo dõi sự lây lan của COVID-19, giúp các cơ quan y tế ngăn chặn và chuẩn bị cho các trường hợp mới. Bằng cách thu thập nhiều dữ liệu hơn, chính phủ và các cơ quan có thể đưa ra các quyết định sáng suốt hơn về các hạn chế đi lại, các biện pháp vệ sinh và những điều khoản y tế để bảo vệ công chúng tốt hơn, giảm thiểu mối đe dọa. 
Baidu, một công ty công nghệ khác, cũng đã phát triển thuật toán để dự đoán biến đổi cấu trúc phân tử sinh học của vi-rút, đẩy nhanh các nghiên cứu vắc-xin.

Kỹ thuật y sinh kết hợp cùng tiến bộ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo cùng mã nguồn mở đã mở ra triển vọng mới cho con người để ứng phó dịch bệnh
Kỹ thuật y sinh kết hợp cùng tiến bộ internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo cùng mã nguồn mở đã mở ra triển vọng mới cho con người để ứng phó dịch bệnh

Kiểm soát dịch

Những tiến bộ trong kỹ thuật sinh học góp phần cung cấp cơ sở hạ tầng khẩn cấp giúp ngăn chặn dịch bệnh và điều trị những người bị ảnh hưởng. 

Bệnh viện dã chiến 1.000 giường xây dựng chỉ trong 10 ngày tại Vũ Hán là một kỳ công về sức mạnh ý chí và kỹ thuật thi công cơ sở hạ tầng nhanh chóng. Bên cạnh phần cấu trúc đúc sẵn, bệnh viện đã kết hợp các hệ thống thông gió và kiểm dịch chuyên biệt, cung cấp những bài học hữu ích cho các khu vực khác đối phó với sự bùng phát bệnh. 

Trong khi đó, việc sử dụng robot để vận chuyển thuốc và thực phẩm cho bệnh nhân cách ly ở Hàng Châu và các thành phố khác ở Trung Quốc góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế, đồng thời hạn chế sự lây lan của bệnh và đảm bảo đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.

Thử thách phía trước

Từ năm 2010 đến 2018, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển kỹ thuật y sinh của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, bên cạnh sự phát triển của công nghệ số. Các công ty internet đang sử dụng phần mềm kết hợp công nghệ thị giác máy tính để phục vụ các bác sĩ cộng đồng và giúp họ đưa ra kết quả xét nghiệm nhanh hơn, chính xác hơn. 

Tuy nhiên, đợt bùng phát COVID-19 cũng cho thấy, khoảng cách giữa phát triển kỹ thuật sinh học và nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Chính phủ và các cơ quan y tế cần đầu tư hơn nữa vào nghiên cứu và phát triển, nhưng quan trọng hơn, cần thúc đẩy nghiên cứu liên ngành để cho phép những cải tiến mới vượt qua sự phân chia giữa các ngành truyền thống như y học và kỹ thuật. 

Đồng thời, cũng có những thách thức cố hữu phải vượt qua trong việc áp dụng công nghệ y sinh mới. Ví dụ xu hướng giới tính được mã hóa trong các trợ lý kỹ thuật số như Siri (của hệ điều hành iOS), có nguy cơ ảnh hưởng các hành vi xã hội và sự phân biệt. Hay việc lập bản đồ sức khỏe bằng thuật toán không được xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, và cần có các biện pháp để đảm bảo dữ liệu thu thập về sự lây lan của bệnh không gây ra nguy cơ phân biệt đối xử hoặc thậm chí phân biệt chủng tộc. Việc sử dụng máy tính tự động trong chăm sóc sức khỏe cũng chưa phù hợp khi nói đến khía cạnh cảm xúc và cảm thông thường được cung cấp bởi các y tá và bác sĩ.

Dịch COVID-19 là một lời nhắc nhở về việc toàn cầu hóa có thể làm tăng tốc độ lây lan của bệnh và rủi ro sức khỏe. Nhưng ngược lại, nó cũng cho thấy những nỗ lực toàn cầu quan trọng như thế nào để tăng cường năng lực kỹ thuật, với các công cụ mới mạnh mẽ nhằm đối mặt với những thách thức của ngày mai. Nếu được phát triển và áp dụng có trách nhiệm, kỹ thuật sinh học thông minh không chỉ cải thiện cuộc sống mà còn cứu mạng hàng triệu người. 

Linh La (theo Channel News Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI