Triển vọng cấy ghép tạng từ động vật sang người

23/10/2021 - 06:03

PNO - Chỉ riêng tại Mỹ, gần 107.000 người hiện đang nằm trong danh sách chờ ghép tạng. Cứ chín phút, một cái tên mới được thêm vào danh sách chờ và trung bình mỗi ngày có 17 người chết vì thiếu nội tạng cấy ghép. Do đó, nguồn nội tạng cấy ghép từ động vật có thể là giải pháp đầy hy vọng cho hàng triệu người.

Cột mốc quan trọng

Mỗi năm tại Mỹ, bệnh gan và thận giết chết hơn 96.000 người, nhiều hơn cả con số tử vong do ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt cộng lại. Nhìn chung, có tới 1/7 dân số xứ cờ hoa (37 triệu người) mắc bệnh thận.

Hầu hết bệnh nhân không biết mình mắc bệnh và nếu cần phải ghép thận, họ có thể sẽ phải chờ nhiều tháng cho đến khi tìm được nguồn ghép tạng phù hợp.

Tại châu Á, vấn đề hiến tạng để cấy ghép thậm chí còn khó khăn hơn do những hạn chế từ văn hóa - xã hội. Singapore có tỷ lệ hiến tạng sau khi qua đời là 6,6 người/1 triệu dân vào năm 2017. Con số này khá thấp so với 46,9 ca/1 triệu dân tại Tây Ban Nha, mức cao nhất thế giới. Tiến sĩ Wong Yu Lin - Giám đốc đơn vị chăm sóc chuyên sâu về phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Tan Tock Seng - cho biết: “Người nhà thường không muốn hiến tạng, họ cho rằng người thân sẽ không đồng ý”.

Bà Huang Yuanzhen, người đầu tiên lấy lại thị lực nhờ ghép giác mạc heo vào năm 2010 - kiểm tra thị lực tại Bệnh viện Liên hợp Vũ Hán, Trung Quốc, năm 2019 - ẢNH: CHINA DAILY
Bà Huang Yuanzhen, người đầu tiên lấy lại thị lực nhờ ghép giác mạc heo vào năm 2010 - kiểm tra thị lực tại Bệnh viện Liên hợp Vũ Hán, Trung Quốc, năm 2019 - Ảnh: China Daily

May mắn thay, những công nghệ như nhân bản và kỹ thuật di truyền trong những năm gần đây đã giúp y học tìm ra cách nuôi cấy cơ quan nội tạng heo để cấy ghép vào người. Hôm 19/10, các bác sĩ phẫu thuật ở New York tiết lộ họ đã thành công trong hướng đi mới giúp giải quyết vấn đề thiếu nội tạng cấy ghép. Lần đầu tiên, các bác sĩ gắn thành công quả thận từ cá thể heo biến đổi gen vào một bệnh nhân và nhận thấy cơ quan này đã hoạt động bình thường. 

Với sự đồng ý của gia đình, các bác sĩ phẫu thuật tại N.Y.U. Langone Health (Mỹ) gắn thận heo vào một bệnh nhân chết não, sau đó theo dõi phản ứng của cơ thể trong 54 giờ, đồng thời thực hiện các phép đo về chức năng của thận. Quy trình này sẽ không sớm ra mắt công chúng, vì vấp phải những trở ngại đáng kể về quy định đạo đức và y tế. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực cấy ghép vẫn ca ngợi ca phẫu thuật là một cột mốc quan trọng. 

Lịch sử và triển vọng tương lai

Xenotransplantation - quá trình ghép hoặc cấy ghép cơ quan hoặc mô giữa các loài khác nhau - có lịch sử lâu đời từ hàng trăm năm trước, thông qua các nỗ lực sử dụng máu và da của động vật để truyền, ghép cho người.

Vào những năm 1960, thận của tinh tinh được cấy ghép vào một số ít bệnh nhân. Hầu hết người tham gia đều tử vong ngay sau đó, chỉ có một trường hợp sống đến chín tháng.

Năm 1983, một trái tim khỉ đầu chó được cấy ghép vào bé gái sơ sinh được gọi là Baby Faye. Dù vậy, cô bé chỉ sống thêm 20 ngày. Sau nhiều thất bại khi sử dụng đối tượng cho tạng là loài linh trưởng - vốn có tổ tiên gần với con người - các nhà khoa học quyết định xem xét nguồn nội tạng từ heo và tập trung nghiên cứu gen để tạo ra giống heo GalSafe vào những năm 2000. Vào tháng 12/2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt sử dụng heo GalSafe làm thực phẩm cho những người bị dị ứng thịt và như một nguồn tiềm năng của liệu pháp điều trị cho con người.

Thực tế, van tim heo thường được cấy ghép cho bệnh nhân từ nhiều thập kỷ qua, một số ca mắc bệnh tiểu đường nhận được tế bào tuyến tụy heo. Thuốc Heparin làm loãng máu có nguồn gốc từ ruột heo. Vào tháng 10/2019, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) sử dụng thành công da heo biến đổi gen để đóng vết thương bỏng tạm thời ở người và từ năm 2010, các bác sĩ Trung Quốc đã sử dụng giác mạc heo để lấy lại thị lực cho nhiều bệnh nhân. Nguồn cung cấp nội tạng ổn định từ heo - cuối cùng có thể bao gồm tim, phổi và gan - sẽ là một giải pháp cho bệnh nhân cần ghép tạng khẩn cấp hoặc thuộc nhóm đối tượng khó tìm thấy người cho tạng tương thích. 

Tuy nhiên, tiến sĩ David Klasse - Giám đốc y tế Mạng lưới chia sẻ nội tạng thống nhất (Mỹ) - cảnh báo rằng việc đào thải nội tạng trong thời gian dài vẫn có thể xảy ra sau giai đoạn phù hợp ban đầu. Ngoài ra, thận có chức năng lọc sạch chất độc trong máu, nó là một cấu trúc phức tạp và khó loại trừ những lo ngại về việc vi-rút từ heo lây nhiễm sang người nhận. 

Linh La (theo NY Times, Guardian, Reuters, CNA, China Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI